Bộ sách lớp một do nhóm Cánh Buồm biên soạn. ảnh Internet |
“Ngày 27-9, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo có tên “Chào lớp một!”. Ở đó, lần đầu tiên một nhóm những nhà giáo đã giới thiệu bộ sách giáo khoa mang tính thử nghiệm...” (TT online- Tự làm sách giáo khoa”)
“Bộ sách giáo khoa mới này gồm các cuốn Sách học tiếng Việt, Sách học Văn, Sách học Lối sống, Sách học Tin học, Sách học Tiếng Anh. (http://www.tienphong.vn - 24/09/2010)
“Đến thời điểm này, Bộ GDĐT vẫn chưa có ý kiến gì về bộ Sách giáo khoa mới này. (Lao động- 30.9.2010)
“Một nhóm bao gồm những phụ huynh và một số trí thức đã tập hợp lại cùng nghiên cứu về giáo dục hiện đại và đã biên soạn ra một bộ sách giáo khoa mới.” (SGTT- 10.10.2010- http://sgtt.vn/)
Còn tờ Thanh niên thì đưa tin: “bộ SGK của tập thể tác giả nhóm Cánh Buồm biên soạn đã gây ấn tượng rất mạnh mẽ với nhiều người...”
VietNamTimes (9/28/2010) cũng cho rằng “lần đầu tiên một nhóm những nhà giáo đã giới thiệu bộ sách giáo khoa mang tính thử nghiệm với phương pháp học và hành hoàn toàn mới...”
Đọc hầu hết các tin, bài về sự kiện này, tôi thấy tất cả các báo đều cho rằng đây là bộ sách giáo khoa (SGK) lớp Một nên hơi ngỡ ngàng. Phải chăng như thế là nhà nước, Bộ GD&ĐT đã bắt đầu cho phép có nhiều bộ sách giáo khoa trong nhà trường ?
Mở Luật Giáo dục (2005) ra mọi người đều thấy rõ Điều 29 quy định về sách giáo khoa như sau:
“2. Sách giáo khoa cụ thể hoá các yêu cầu về nội dung kiến thức và kỹ năng qui định trong CTGD của các môn học ở mỗi lớp của GDPT, đáp ứng yêu cầu về phương pháp của GDPT.”
“3. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành CTGDPT, duyệt SGK để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở GDPT, trên cơ sở thẩm định của Hội đồng Quốc gia thẩm định CTGDPT và SGK.”
Từ quy định về SGK của Luật Giáo dục nêu trên, tôi rất băn khoăn muốn gửi tới nhóm biên soạn Cánh buồm đỏ và các báo một số câu hỏi liên quan đến bộ sách Chào lớp Một sau đây:
Thứ nhất: Bộ sách giáo khoa Chào lớp Một được biên soạn dựa trên chương trình giáo dục nào ? Chính xác hơn là bộ sách ấy đã “cụ thể hoá các yêu cầu về nội dung kiến thức và kỹ năng qui định trong CTGD” nào ?
Thứ hai: Trong trường hợp nhóm Cánh buồm đỏ đã có một Chương trình giáo dục xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12, hoặc ít nhất là từ lớp 1 đến lớp 9 (hết bậc THCS) thì văn bản Chương trình đó đã được Hội đồng thẩm định quốc gia của Bộ GD&ĐT thẩm định chưa?
Thứ ba: Như luật GD đã quy định SGK muốn đưa vào nhà trường phải được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt “trên cơ sở thẩm định của Hội đồng Quốc gia thẩm định CTGDPT và SGK”. Vậy bộ sách giáo khoa của nhóm Cánh buồm đỏ đã làm đúng quy trình mà Luật GD quy định hay chưa?
Thứ tư: Mặc dù chỉ là thử nghiệm trong một phạm vi hẹp, nhưng một khi tiến hành thực nghiệm trong nhà trường phổ thông phải được phép của Bộ GD&ĐT, của cơ quan GD địa phương. Vậy khi tiến hành thử nghiệm ở trường Nguyễn Văn Huyên, nhóm Cánh buồm đỏ đã xin phép sở GD&ĐT Hà Nội và có báo cáo Bộ GD&ĐT hay không?
Tôi nghĩ rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc đa dạng hóa các tài liệu giáo dục, kể cả SGK trong nhà trường là một xu thế cần khuyến khích ủng hộ. Tuy nhiên càng nhiều, càng đa dạng thì càng phải tuân thủ luật và các quy định mang tính pháp lý. Ngay cả trong trường hợp có nhiều bộ SGK thì các bộ sách cũng phải tuân thủ theo nội dung và yêu cầu của CT và chuẩn CT quốc gia. Bộ sách Chào lớp Một, có thể là một tài liệu tham khảo, nhưng nếu không trả lời được các câu hỏi trên thì không thể gọi là một bộ sách giáo khoa theo đúng nghĩa của khái niệm SGK được quy định trong Luật GD và trong các văn bản chỉ đạo dạy học của Bộ GD&ĐT. Việc không phân biệt giữa sách tham khảo và sách giáo khoa chẳng những không có lợi cho các tác giả nhóm Cánh buồm đỏ (vì rất có thể có tổ chức hoặc cá nhân kiện nhóm này đã phạm Luật) mà còn gây hiểu nhầm trong dư luận xã hội.
Hà Nội, ngày giải phóng Thủ đô
Trần Ngọc