"Cần đẩy mạnh giáo dục di sản cho thế hệ trẻ"

"Cần đẩy mạnh giáo dục di sản cho thế hệ trẻ"

(GD&TĐ) - Có một sự gặp gỡ rất đẹp giữa UNESCO và Bộ GD-ĐT về ý tưởng này. Hội thảo về “Đưa giáo dục di sản vào nhà trường Việt Nam” do 2 bên tổ chức vừa qua đã thể hiện điều đó. Ngành giáo dục, với trách nhiệm trụ cột của mình, đang xúc tiến nhiều chủ trương cho định hướng này. Chúng tôi có cuộc phỏng vấn ngắn với Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển để làm rõ vấn đề trên.

*Thưa Thứ trưởng, ông có thể nêu một vài nhận xét về tình hình giáo dục di sản trong các nhà trường Việt Nam?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Phương thức và nguyên lý giáo dục chúng ta vẫn thực hiện từ trước đến nay là gắn lý thuyết với thực hành, gắn nhà trường với địa phương. Nội dung các môn học đều có đề cập đến mục tiêu giáo dục giá trị truyền thống (hay cũng là giáo dục di sản, bao gồm cả di sản vật thể và phi vật thể, di sản thiên nhiên và di sản do con người tạo ra). Thời gian gần đây, lại có thêm phong trào Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, trong đó có 2 nội dung liên quan đến khai thác và phát huy di sản văn hóa: Tổ chức đời sống văn hóa tinh thần trong nhà trường với việc khai thác văn hóa dân gian; Chăm sóc, tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa. Có nghĩa là bao gồm cả việc giáo dục di sản và giáo dục thông qua di sản, làm cho học sinh hiểu biết về di sản, từ đó có tình cảm, đạo đức, niềm tự hào về các giá trị truyền thống của dân tộc, đất nước.

Di tích Chiến thắng Điện Biên Phủ luôn là điểm đến tự hào của thế hệ trẻ. Ảnh Báo QĐND
Di tích Chiến thắng Điện Biên Phủ luôn là điểm đến tự hào của thế hệ trẻ. Ảnh Báo QĐND

Nhiều địa phương đã chủ động tiến hánh giáo dục di sản một cách sáng tạo và có hướng dẫn: không chỉ chăm sóc di tích mà còn tổ chức các hoạt động tìm hiểu di sản tại di tích, bảo tàng; lưu truyền các di sản văn hóa phi vật thể như Bắc Ninh dạy hát quan họ, Phú Thọ dạy hát xoan.v.v.

*Những hoạt động giáo dục di sản cho thế hệ trẻ cũng đã được ngành giáo dục và toàn xã hội quan tâm, tuy nhiên, như Thứ trưởng khẳng định, vẫn cần đẩy mạnh hơn nữa công tác này. Vì sao vậy, thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Phải thừa nhận rằng, hoạt động giáo dục di sản chưa thu hút được sự quan tâm đầy đủ của các cấp quản lý, của các ngành, các nhà trường và của toàn xã hội. Năng lực tổ chức hoạt động giáo dục di sản cũng như các điều kiện dành cho nó (kinh phí, thời gian, nhân lực…) chưa được đầu tư đúng mức. Các nội dung giáo dục di sản cũng chưa được vận dụng linh hoạt vào đặc điểm của từng địa phương, chưa được khai thác sâu và rộng, nói cách khác là tiềm năng của di sản chưa được phát huy hết. Các hoạt đông vẫn chỉ mang tính phong trào, vận động, thiếu văn bản hướng dẫn chỉ đạo cụ thể của của 2 bộ ngành then chốt là văn hóa và giáo dục. Việc phối hợp các lực lượng giáo dục di sản cũng chưa chặt chẽ, cơ chế và sự vận hành phối hợp chưa hiệu quả. Vì vậy, để việc giáo dục di sản cho thế hệ trẻ phát huy hết hiệu quả của nó, cần phải  có chỉ đạo, hướng dẫn và tạo điều kiện đầy đủ của các cơ quan chức năng.

*Vậy có giải pháp nào để thực hiện được mục tiêu đó?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Theo tôi, trước hết cần nâng cao nhận thức về ý nghĩa của giáo dục di sản. Các hoạt động giáo dục di sản rất phù hợp với tâm lý lứa tuổi các em là ham tìm tòi, khám phá, trải nghiệm; giảm thiểu sự hàn lâm hóa kiến thức trong dạy học. Chính việc giáo dục di sản cũng sẽ làm tăng thêm vốn hiểu biết của học sinh về văn hóa, xã hội, bồi đắp thêm lòng yêu quê hương đất nước, niềm tự hào về truyền thống của dân tộc. Cũng thông qua giáo dục di sản, chúng ta sẽ huy động mọi lực lượng trong xã hội cùng tham gia vào giáo dục. Và nhất là, phương thức tiến hành giáo dục di sản là con đường hiệu quả để giáo dục kỹ năng sống cần thiết trong thời kỳ hội nhập.

Thứ hai, cần phối hợp với các bộ ngành liên quan trực tiếp như Bộ VH-TT-DL, Trung ương Đoàn…để có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về giáo dục di sản, ví dụ như hướng dẫn tổ chức học tập ở các bảo tàng, di tích, thư viện, danh lam thắng cảnh…; tiếp tục việc biên soạn tài liệu giới thiệu di sản vật thể và phi vật thể một cách hoàn chỉnh, lập website về di sản; tập huấn giáo viên và cán bộ quản lý về giáo dục di sản; tiến tới đưa nội dung giáo dục di sản vào đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm.

Thứ ba, tiếp tục duy trì phong trào Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Khuyến khích các địa phương tiếp tục chủ động, sáng tạo những mô hình mới, sáng kiến mới trong giáo dục di sản và tổ chức tổng kết, phổ biến các kinh nghiệm hay…

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Nguyễn Hoàng (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.