"Bến chữ" nơi đầu nguồn sông Chảy

"Bến chữ" nơi đầu nguồn sông Chảy

(GD&TĐ) - Việc duy trì sỹ số học sinh ở nhiều trường vùng cao thường gặp nhiều khó khăn. Ấy vậy mà ở vùng cao Sín Chéng (Si Ma Cai – Lào Cai) việc dạy và học của các trường học đã trở thành nền nếp với tỷ lệ chuyên cần từ 98 -100 và nhiều năm liền xã duy trì được 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường.

Cô và trò Trường Mầm non Sín Chéng
Cô và trò Trường Mầm non Sín Chéng

Trong những ngày đầu năm 2011, từ thành phố Lào Cai vượt hơn 100km đường dốc, chúng tôi về Sín Chéng, xã đặc biệt khó khăn của huyện vùng cao Si Ma Cai.

Gặp nhau tại trụ sở làm việc, Phó Chủ tịch UBND xã Sín Chéng, Cư Seo Chúng hồ hởi trong cái bắt tay chặt phân trần bày tỏ: Con đường từ huyện vào trung tâm xã đất, đá lởm chởm do gần đây nhiều công trình hạ tầng cơ sở của xã được nhà nước đầu tư xây dựng, nên lưu lượng xe vận chuyển vật liệu lớn, khó tránh khỏi xuống cấp, huyện đã có kế hoạch nâng cấp. Nhưng nhờ có con đường này mà đến nay cả 5 điểm trường chính và mốt số phân hiệu của xã đã được xây dựng khang trang kiên cố, bà con nhân dân ai nấy đều phấn khởi, trẻ em trong độ tuổi được đến trường đầy đủ.

Điểm đầu tiên chúng tôi đến thăm là Trường Mầm non. Cô giáo hiệu trưởng Lê Thị Thúy phấn khởi cho biết, nhà trường có được cơ ngơi khang trang này cũng là nhờ địa phương làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Đặc điểm của của giáo dục mầm non là lớp học gắn với thôn, bản nên ngoài điểm trường chính, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, đến nay, 5 phân hiệu trường học điều kiện dạy và học cũng rất thuận lợi.

Toàn trường hiện có tổng số 19 nhóm lớp với 351 trẻ và trong số 30 cán bộ, giáo viên thì có đến 16 giáo viên là người dân tộc thiểu số trong huyện. Đây được coi là lực lượng cán bộ lòng cốt của nhà trường trong việc tuyên truyền vận động học sinh ra lớp, đến trường. Những năm trước đây, do điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, vì vậy việc vận động các gia đình cho con em mình đi học gặp rất nhiều trở ngại, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông.

Có nhiều trường hợp do hoàn cảnh gia đình, các em không được đến lớp, các thầy cô giáo phải tìm đến tận nhà, đồng thời tham gia vào các hoạt động sinh hoạt của thôn bản để động viên, phân tích cho phụ huynh và gia đình hiểu được tầm quan trọng và quyền lợi đi học của các em, tạo điều kiện cho các em được đến trường.

Cô giáo Cư Thị Cống là một điển hình về vận động học sinh ra lớp, vốn sinh ra và lớn lên ở thôn Mào Sao Chải, xã Sín Chéng, sau khi tốt nghiệp giáo viên hệ 9+3, cô quyết định về quê dạy học, bằng tình cảm và trách nhiệm của người giáo viên, cô đã làm thay đổi nhận thức của bà con về việc học.

Với sự ân cần chu đáo, cô và đội ngũ giáo viên nhà trường đã tạo được niềm tin với phụ huynh và sự yêu mến của trẻ nhỏ, học sinh vì thế đi đều hơn, trường học luôn rộn rã tiếng hát, tiếng cười, tiếng đọc bài ê a của con trẻ.

Giờ học của học sinh tiểu học xã Sín Chéng.
Giờ học của học sinh tiểu học xã Sín Chéng.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, nhà trường tích cực đổi mới phương áp dạy và học, đồng thời phát động phong trào làm đồ dùng đồ chơi tự tạo. Từ những vỏ lon bia, chai nhựa, vỏ hộp bánh kẹo...được những đôi bàn tay khéo léo, sự tưởng tượng phong phú của các cô giáo trong trường tạo ra hàng trăm bộ đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho công tác dạy và học của cô và chò nhà trường, không những tiết kiệm được hàng triệu đồng mà còn là đồ dùng trực quan sinh động giúp trẻ tiếp thu bài học một cách hứng thú.

Các cô giáo ở đây đóng vai trò người mẹ thứ hai của trẻ nhỏ, giúp hướng dẫn các em từ việc vệ sinh cá nhân và chăm sóc, nuôi dưỡng. Nhờ đó, tỷ huy động trẻ hàng năm đạt 98 -100%, trẻ kênh A đạt trên 97%, còn lại trẻ kênh B.

Ở Trường Tiểu học số 2 Sín Chéng, đây là ngôi trường được chia tách từ trường Tiểu học Sín Chéng năm 2003, nhưng đến nay nhà trường đã có một cơ ngơi khang trang bề thế, có khu vui chơi giải trí, hàng cây xanh tốt và khu ở nội trú. Năm học 2001-2011, toàn tường có 221 học sinh ở 12 lớp, nhưng có tới 124 em ở nội trú.

Nhằm đảm bảo cho học sinh ở nội trú, nhà trường đã phân công các thầy, cô giáo luân phiên trực, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn giúp các em nấu cơm, ăn, ngủ, sinh hoạt và học tập; kịp thời động viện khích lệ tinh thần vượt khó, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau học tập. Mô hình này không những góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mà còn có tác động xã hội to lớn trong việc làm thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc.

Đã hơn có gần 12 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người nơi vùng cao, cô giáo Bùi Thị Hường, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Các em học sinh ở đây ngoan và thích đi học lắm! những năm trước hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, vào mùa vụ nhiều em đành phải nghỉ học để phụ giúp bố mẹ chuyện trông em, làm nương dãy, nhưng nay đời sống đã khá hơn nhiều, người dân đã quan tâm và chăm lo tốt hơn đến chuyện học của con em mình.

Chính vì vậy thời gan đầu, nhà trường tập trung mũi nhọn là duy trì số luợng, lấy số lượng làm thước đo đánh giá mức hoàn thành nhiệm vụ của mỗi giáo viên. Số lượng học sinh ra lớp có nền nếp thì việc nâng cao chất lượng khá thuận lợi. Nhà trường đồng thời đẩy mạnh các phong trào thi đua trong cán bộ, giáo viên, học sinh như: “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, phong trào “Hai không”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” và Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”...góp phần làm chuyển biển cả về nhận thực, hành động của mỗi người trong việc dạy và học.

Cô giáo Bùi Thị Thường cho biết thêm: Ngoài sự nỗ lực của đội ngũ thầy cô giáo, thì yếu tố quan trọng trong duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương, đó là sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương. Sín chéng làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, cùng với nguồn hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, hàng năm xã đã huy động được hàng nghìn ngày công lao động xây dựng và tu sửa trường lớp học, làm sân trường, làm lớp học cở các phân hiệu; đóng góp 12-13 tấn lương thực phục vụ học sinh nội trú; xây dựng nguồn quỹ khuyến học, khuyến tài gần chục triệu đồng khen thưởng học sinh có thành tích xuất sắc, học sinh nghèo vượt khó vươn lên trong học tập.

Phó Chủ tịch UBND xã Sín Chéng Cư Seo Chúng khẳng định, sự nghiệp giáo dục vùng cao Sín Chéng nhờ sự quan tâm đúng mức của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của đội ngũ thầy, cô giáo và đặc biệt nhận thức của người dân về sự học của con em mình. Đến nay, xã Sín Chéng là xã có bốn bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông với có 5 điểm trường chính gồm 5 phân hiệu, trong đó có 2 trường Tiểu học đã được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Hàng năm, tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 và trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%; tỷ lệ trẻ 15 tuổi tốt nghiệp Trung học cơ sở đạt 98%, trẻ 18 tuổi tốt nghiệp Trung học phổ thông đạt trên 65%.

Với tấm lòng yêu nghề, mến trẻ vượt lên những khó khăn, trở ngại, đội ngũ thầy cô giáo nơi đây làm chuyển biến trong nhận thức của người dân về sự học, tác động tích cực đến việc tiếp sức cho học sinh vùng cao đến trường, vun đắp ước mơ của tuổi trẻ.

Đinh Viết Vinh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ