"Mong tiếp tục được xã hội đồng lòng hợp sức"

"Mong tiếp tục được xã hội đồng lòng hợp sức"
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa

PV: “Đổi mới quản lí và nâng cao chất lượng giáo dục” là chủ đề của năm học mới và sẽ được tập trung thực hiện trong toàn ngành. Giải pháp nào sẽ được triển khai trong cấp học mầm non để thực hiện chủ đề quan trọng này?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Chất lượng giáo dục luôn là mối quan tâm hàng đầu của không chỉ các nhà quản lý giáo dục, các nhà giáo, mà còn là của toàn xã hội. Chất lượng giáo dục mầm non (GDMN) được thể hiện ở kết quả đầu ra của quá trình giáo dục. Đó là sự phát triển toàn diện của trẻ về các mặt thể chất, tình cảm xã hội, nhận thức, ngôn ngữ và thẩm mĩ, sự sẵn sàng cho việc học tập ở cấp tiểu học.

Chất lượng giáo dục và quản lí giáo dục là hai phạm trù liên quan mật thiết với nhau. Chất lượng giáo dục phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quản lí giáo dục là yếu tố then chốt. Đổi mới quản lý giáo dục cũng nhằm mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng.                 

Do lịch sử để lại, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đa số được đào tạo chắp vá, qua nhiều hệ, nhiều loại hình đào tạo khác nhau, dẫn đến công tác quản lý GDMN nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng GD. Vì vậy đổi mới quản lý trong GDMN trước hết cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ cán bộ quản lí GDMN có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ và năng lực quản lí, có kĩ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành quản lí. Bộ sẽ ban hành thông tư quy định về chuẩn hiệu trưởng trường mầm non và đánh giá xếp loại hiệu trưởng theo chuẩn nhằm chuẩn hoá đội ngũ cán bộ quản lý GDMN.

Thực hiện triệt để phân cấp quản lí giáo dục theo tinh thần Nghị định 166/2004/NĐ-CP của Chính phủ; Phân công rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành và các địa phương trong việc quản lý GDMN; Tăng cường trách nhiệm của Bộ Giáo dục & Đào tạo, các Bộ, ngành trong việc rà soát, xây dựng chính sách quan tâm phát triển GDMN, vai trò của các địa phương trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch, ban hành chính sách địa phương về phát triển GDMN; Tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GDMN, nhằm phát huy tính năng động sáng tạo của từng cơ sở và trách nhiệm của người đứng đầu.

Tăng cường thực hiện 3 công khai, 4 kiểm tra (theo Thông tư 09 ngày 7/5/2009 của Bộ Giáo dục & Đào tạo) để minh bạch hóa mọi nguồn lực cũng như các điều kiện đảm bảo chất lượng trong chăm sóc, giáo dục trẻ. Các cơ cở GDMN công khai chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, công khai các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, công khai thu, chi tài chính; đồng thời kiểm tra, giám sát việc phân bổ và sử dụng ngân sách, thu và sử dụng các nguồn thu, trong đó có việc sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của người dân và các tổ chức khác cho nhà trường.

Để nâng cao chất lượng GDMN, ngoài việc đổi mới quản lí là giải pháp mang tính đột phá, trong năm học 2009 – 2010, chúng tôi tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể sau:

 Tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, đạo đức nghề nghiệp, bồi dưỡng về đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học cho giáo viên mầm non (GVMN), đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình GDMN; Tiến hành đánh giá GVMN theo chuẩn nghề nghiệp.

Đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, nhằm tạo ra môi trường chăm sóc giáo dục trẻ tốt nhất.

Triển khai chương trình GDMN mới ở những nơi có điều kiện, chỉ đạo dứt điểm không còn lớp mẫu giáo 36 buổi, không dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng xuống dưới 10%.

Tập trung chỉ đạo thực hiện phổ cập mẫu giáo 5 tuổi, đặc biệt quan tâm phát triển số lượng và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ vùng khó khăn, miền núi, dân tộc thiểu số, chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ dân tộc trước khi vào lớp 1.

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các mục tiêu của đề án phát triển GDMN giai đoạn 2006 – 2015 ban hành theo Quyết định số 149/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tập trung củng cố, mở rộng quy mô, mạng lưới trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi và cơ sở vật chất khác của GDMN. Rà soát xây dựng chính sách phù hợp, chăm lo đời sống cho GVMN, tạo điều kiện và động lực cho giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phát huy năng lực sáng tạo, không ngừng cải thiện chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Chú trọng công tác tuyên truyền về GDMN, huy động sự tham gia tích cực của cha mẹ và cộng đồng cùng chăm lo cho GDMN, đồng thời huy động mọi nguồn lực để phát triển GDMN bền vững. 

Chất lượng GD mầm non được thể hiện ở kết quả đầu ra của quá trình giáo dục
Chất lượng GD mầm non được thể hiện ở kết quả đầu ra của quá trình giáo dục

PV: Ở các thành phố và khu tập trung dân cư, việc đáp ứng đủ quy mô trường lớp cũng đã khó khăn, làm sao có thể nâng cao chất lượng trong điều kiện như vậy? Và với các vùng khó khăn thì ngược lại, tỉ lệ huy động trẻ đến trường lớp cũng là một thách thức, kể cả trẻ 5 tuổi là lứa tuổi sẽ phải phấn đấu phổ cập trong năm nay thì nội dung chất lượng giáo dục sẽ được hiểu và thực hiện như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí của GDMN, cấp học khởi đầu cho quá trình phát triển lâu dài của trẻ đã được nâng lên. Đảng ủy, chính quyền ở nhiều địa phương đã chỉ đạo quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng GDMN. Sự phát triển của GDMN đã có những khởi sắc đáng kể. Quy mô, mạng lưới trường lớp được mở rộng. Năm học 2008 -2009, cả nước đã tăng 297 trường mầm non, nâng tổng số trường mầm non trong toàn quốc lên 12.366 trường. Số trẻ đến trường cũng ngày một tăng nhanh, tỉ lệ trẻ ở độ tuổi nhà trẻ đến trường đạt 20% tỉ lệ trẻ ở độ tuổi mẫu giáo đạt 79,2% và đặc biệt trẻ 5 tuổi là 98,6%.

Tuy nhiên ở một số tỉnh, thành phố, do công tác dự báo dân số còn hạn chế, khi xây dựng các khu công nghiệp, khu dân cư chưa gắn với xây dựng mạng lưới GDMN dẫn đến gây áp lực trong việc tuyển sinh, số trường lớp hiện có chưa đáp ứng được hết nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh học sinh, gây bức xúc trong xã hội. Có những nhóm lớp chưa đảm bảo yêu cầu về số lượng trẻ theo quy định theo Điều lệ trường mầm non làm ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà trường.

Để giải quyết tình trạng này, nhiều trường học đã cơi nới thêm phòng học, tận dụng mọi không gian cho trẻ hoạt động, bổ sung thêm giáo viên cho những lớp đông trẻ so với quy định, phân nhỏ số trẻ theo nhóm để dễ quản lí và tổ chức các hoạt động, đảm bảo thực hiện chương trình, kế hoạch chăm sóc và giáo dục trẻ. Mặt khác, ngành giáo dục tích cực tuyên truyền phổ biến kiến thức nuôi dạy trẻ cho các bậc cha mẹ để trẻ được chăm sóc tại gia đình nhằm giảm tải cho các trường mầm non.

Tuy vậy, các giải pháp trên chỉ mang tính tình thế, khắc phục những khó khăn trứơc mắt, nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu gửi con ngày càng cao của nhân dân, đảm bảo quyền được đến trường của mọi trẻ. Muốn giải quyết tận gốc những khó khăn này, cần phải được sự quan tâm đồng bộ của các ngành, các cấp, sự chia sẻ của toàn xã hội và theo đó là những chính sách của Nhà nước, tạo hàng lang pháp lí cho sự phát triển GDMN. Các địa phương cần chủ động lập kế hoạch huy động các nguồn vốn, dành cấp quỹ đất để xây dựng trường mầm non, thực hiện tốt công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp, đầu tư xây dựng trường lớp, trang thiết bị, đồ chơi phục vụ sinh hoạt, học tập vui chơi của trẻ, đảm bảo nguồn lực để duy trì hoạt động và phát triển của nhà trường, quan tâm xây dựng đội ngũ GVMN đảm bảo chất lượng; có chính sách khuyến khích mở các trường mầm non ngoài công lập, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ lứa tuổi mầm non.

Đối với những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách đầu tư về phát triển kinh tế, xã hội và giáo dục. Tuy nhiên do địa bàn cách trở, điều kiện kinh tế khó khăn, nhận thức của người dân về việc học còn hạn chế, chưa quan tâm đầy đủ đến việc học tập của con em. Ngoài ra, những khó khăn về đời sống của giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng đồ chơi, các điều kiện tổ chức bán trú (điện, nước, kinh phí…); số GVMN là người dân tộc còn quá ít ảnh hưởng đến việc truyền tải nội dung dạy học...Tất cả những yếu tố đó dẫn đến tỷ lệ huy động trẻ đến trường chưa cao và chủ yếu trẻ chỉ được đến trường một buổi, chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ còn nhiều hạn chế. Để từng bước giải quyết những khó khăn này, ngành giáo dục đã phối hợp với các địa phương thực hiện các chính sách của Chính phủ như hỗ trợ cho GVMN thôn bản ở xã phường thị trấn thuộc vùng khó khăn theo quyết định 113/2009/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính phủ, hỗ trợ cho học sinh mầm non bán trú theo quyết định 112/2007/QĐ-TTg, tạo điều kiện huy động tối đa trẻ trong độ tuổi đến trường. Hiện nay, ngành giáo dục đang thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp và xây nhà công vụ cho giáo viên, trong đó có cấp học mầm non, xây dựng và trình Chính phủ Chương trình Phổ cập giáo dục mẫu giáo 5 tuổi giai đoạn 2009 -2015, nhằm huy động hầu hết trẻ 5 tuổi đến trường học 2 buổi/ngày, chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt cho trẻ em ở mọi vùng miền, đặc biệt là trẻ em vùng dân tộc tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo có kỹ năng, thể chất và trí tuệ sẵn sàng vào lớp 1 phổ thông. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thuộc khu vực khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tập trung kinh phí xây dựng phòng học, mua sắm thiết bị đồ dùng, đồ chơi cho trẻ, tuyển dụng và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên người dân tộc để huy động tối đa trẻ mẫu giáo 4 tuổi đến trường; đảm bảo trẻ mẫu giáo 5 tuổi ở vùng khó khăn được học trong các trường công lập, được chuẩn bị tiếng Việt trước khi vào lớp 1; tăng cường các điều kiện để trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày, tiếp cận dần với chương trình GDMN mới; tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và kĩ năng chăm sóc, giáo dục trẻ cho các bậc phụ huynh, nhằm phối hợp chăm sóc giáo dục trẻ.

Bộ sẽ phối hợp với Công đoàn giáo dục Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động hỗ trợ giáo dục vùng khó khăn, giúp các cháu vùng đồng bào dân tộc đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở để đên trường.                   

PV: Thưa Thứ trưởng, hiện nay, đội ngũ GVMN - lực lượng quyết định chất lượng giáo dục đang gặp nhiều khó khăn về đời sống, vấn đề này sẽ được giải quyết ra sao trong năm học tới?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: GDMN là cấp học đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng ban đầu cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mĩ của trẻ. Tuy nhiên đội ngũ giáo viên mầm non, nhân tố quyết định chất lượng của cấp học thì còn chịu nhiều khó khăn, thiệt thòi. Đó là một đội ngũ mà đa số là ngoài biên chế (chiếm 55%), thời gian lao động căng thẳng, đi sớm nhất, về muộn nhất, dạy cả ngày, vừa nuôi, vừa dạy nhưng đãi ngộ thì thấp. Mặc dù vậy, đội ngũ GVMN luôn tận tụy, tâm huyết, yêu nghề, yêu trẻ, trách nhiệm trong công việc. Đó là những phẩm chất rất đáng quý và họ đáng được nhận sự quan tâm nhiều hơn nữa của cộng đồng.

Trong năm học tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tập trung một số giải pháp sau:

- Thứ nhất, bên cạnh sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai Nghị quyết số 35/2009/NQ-QH12 ngày 16/9/2009 của Quốc hội về chủ trương định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015, đặc biệt là vấn đề thâm niên đối với các nhà giáo và cán bộ quản lí (trong đó có cán bộ quản lí và GVMN); bảo lưu phụ cấp đứng lớp 3 năm cho những nhà giáo được điều động làm công tác quản lí giáo dục.

- Thứ hai, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo tích cực tham mưu UBND tỉnh tuyển GVMN, nhân viên kế toán, văn phòng, y tế cho các trường mầm non công lập theo Thông tư 71/2008/TTLT-BGDĐT-BNV. Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung một số điểm chưa phù hợp của Thông tư 71 về định mức biên chế và chế độ làm việc của GVMN. Đề nghị các địa phương tiếp tục ưu tiên ngân sách hỗ trợ tăng thu nhập cho GVMN, đặc biệt GV ngoài biên chế. Tăng cường huy động các nguồn lực trong xã hội để chăm lo phát triển GDMN.

Thứ ba, tiếp tục chỉ đạo triển khai Quyết định 149/2006/QĐ-TTg ngày 23/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2006-2015, nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước từng bước có chế độ, chính sách thỏa đáng, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ GVMN, động viên chị em an tâm công tác phát huy năng lực sáng tạo cống hiến ngày càng nhiều sức lực trí tuệ cho công tác chăm sóc giáo dục trẻ.

PV: Còn về công tác truyền thông và quan hệ cộng đồng, trong giai đoạn tới, Bộ sẽ chủ trương như thế nào để phát huy hơn nữa sức mạnh của công tác này trong sự phát triển ngành, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Giáo dục và Đào tạo là ngành mang tính xã hội rộng lớn, chính vì vậy rất cần sự đồng thuận, chung tay góp sức của các ngành các cấp và toàn xã hội. Làm tốt công tác truyền thông, báo chí sẽ góp phần hết sức quan trọng thúc đẩy sự nghiệp giáo dục đất nước phát triển.

- Báo chí của Ngành là công cụ tuyên truyền, định hướng những hoạt động của Ngành đối với xã hội và dư luận, chia sẻ thông tin để xã hội hiểu đồng tình ủng hộ cho phát triển sự nghiệp giáo dục nước nhà. Báo của Ngành không chỉ tuyên truyền có tính cổ động mà quan trọng là định hướng xã hội bằng cơ sở khoa học của những chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển nền giáo dục của đất nước. Định hướng tư duy khoa học là tiếp cận cơ bản, bền vững nhất trong việc tạo quan hệ chia sẻ về nhận thức, trách nhiệm giữa xã hội với Nhà nước và ngành giáo dục nói riêng.

- Hợp tác với các cơ quan báo chí để khai thác và sử dụng trong việc tuyên truyền các chủ trương, nhiệm vụ của Ngành; ưu tiên tuyên truyền, quảng bá các việc làm tốt, các điển hình tốt, tiêu biểu của tập thể, cá nhân có công đóng góp cho sự nghiệp GD-ĐT phát triển, đồng thời phê phán những biểu hiện không tốt trong Ngành. Bên cạnh việc chủ động thông tin, Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến của xã hội để không ngừng hoàn thiện và phát triển. Chúng tôi cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các cơ quan truyền thông, của toàn xã hội để ngành giáo dục hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình là ngày càng đáp ứng yêu cầu của xã hội, đóng góp xứng đáng hơn nữa vào sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.

Nguyễn Hoàng (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ