Quốc tế hóa giáo dục đại học - nền tảng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng

GD&TĐ - Quốc tế hóa giáo dục trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của cả hệ thống được xem là "chìa khóa” đưa giáo dục Việt Nam nhanh tiệm cận với chuẩn mực quốc tế.

Điều đó càng thể hiện rõ trong toàn hệ thống khi Luật GDĐH sửa đổi có hiệu lực vào tháng 7/2020. Quốc tế hóa và hội nhập gần như là chính sách xuyên suốt của nhiều trường trong lộ trình phát triển của mình.

GS Nguyễn Trọng Hoài- Phó hiệu trưởng UEH tại một hội thảo về quốc tế hóa giáo dục.
GS Nguyễn Trọng Hoài- Phó hiệu trưởng UEH tại một hội thảo về quốc tế hóa giáo dục.

Chuyển dịch mạnh mẽ ở các trường

Để vượt qua được những thách thức to lớn do quá trình toàn cầu hóa và nền kinh tế tri thức đặt ra, các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng tiếp thu và tái tạo tri thức.

Quốc tế hóa giáo dục đại học vì thế được xem là nền tảng thu hẹp khoảng cách chất lượng nhân lực, góp phần nâng cao chất lượng và trải nghiệm học tập toàn cầu, giúp thúc đẩy quá trình hội nhập của giáo dục đại học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, từ đó mang lại tiềm năng nghề nghiệp cho sinh viên.

Thời gian qua, các hoạt động quốc tế hóa giáo dục tại hệ thống GDĐH đã và đang diễn ra hết sức mạnh mẽ khi hàng loạt trường đại học đã mạnh dạn thay đổi toàn diện trong công tác quản trị, đào tạo. Từ việc mở rộng cơ chế tự chủ toàn diện từ thượng tầng cho đến hạ tầng, nhập khẩu giáo trình, chuyển đổi phương thức đào tạo, đánh giá, đến việc chuyển chuẩn hóa các chương trình đào tạo, chuyên ngành theo khung kiểm định quốc tế…

Đơn cử như Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (UEH) không chỉ chuẩn hóa toàn bộ giáo trình và phương pháp giảng dạy theo chuẩn tiên tiến thế giới, Trường còn thúc đẩy vô cùng mạnh mẽ các hoạt động hội nhập trong công tác NCKH khi tham gia vào cộng đồng các nhà khoa học trên thế giới trong nghiên cứu, mục tiêu là rất rõ ràng thúc đẩy mạnh hơn nữa quốc tế hóa và cùng nhau chia sẻ tri thức khoa học với thế giới.

Hay như Trường ĐH Tôn Đức Thắng, một đơn vị có thứ hạng cao trong hàng loạt bảng xếp hạng đại học danh tiếng khi có chất lượng đào tạo vượt trội, Nhà trường cũng là đơn vị kiên định theo đuổi con đường kiểm định chất lượng giáo dục chương trình, ngành nghề đào tạo theo các khung đảm bảo chất lượng của quốc tế bên cạnh việc xây dựng chính sách, cơ chế khuyến khích cực lớn trong khen thưởng thành tựu NCKH của giảng viên… Từ định hướng đúng đắn như trên mà công cuộc đẩy mạnh quốc tế hóa và hội nhập của trường đã thành công.

Quốc tế hóa toàn diện nền giáo dục, từ tư duy đến hành động để nhằm tạo ra thế hệ công dân toàn cầu khi mà Việt Nam đang hội nhập nhanh với thế giới, thế hệ công dân Việt Nam vừa phải thành thạo các kỹ năng sống của thế kỷ 21, làm việc và cạnh tranh trên phạm vi thế giới và vừa phải giữ gìn cũng như quảng bá văn hóa dân tộc, theo GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài (Phó hiệu trưởng, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á của UEH) là xu thế không thể khác.

Trường ĐH Kinh tế TPHCM là một trong những đơn vị tiên phong trong hội nhập và chuẩn hóa chương trình giảng dạy.
Trường ĐH Kinh tế TPHCM là một trong những đơn vị tiên phong trong hội nhập và chuẩn hóa chương trình giảng dạy.

Theo GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài, để đánh giá quốc tế hoá hệ thống giáo dục Việt Nam hiện được tham chiếu và đo ở 6 nội dung chiến lược gồm: Tăng cường sự di chuyển sinh viên, giảng viên và học giả giữa Việt Nam và các quốc gia khác; Quốc tế hoá chương trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy trong hệ thống nói chung và đồng thời tăng số lượng chương trình dành cho sinh viên quốc tế và số lượng chương trình đào tạo giảng dạy bằng tiếng Anh; Phát triển chi nhánh giáo dục quốc tế; Kiểm định tổ chức giáo dục theo chuẩn khu vực hoặc quốc tế; Xây dựng trường đại học xuất sắc từng bước phấn đấu nằm trong ranking của thế giới; và Thiết lập mạng lưới quan hệ hợp tác quốc tế về chuyển giao nghiên cứu phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.  

6 nội dung quốc tế hóa nêu trên nhiều trường đã bắt đầu tiệm cận và xây dựng được văn hóa thay đổi cho phù hợp với các thông lệ quốc tế của giáo dục đại học. Tuy nhiên, theo GS Hoài mọi thứ vẫn cần phải nhiều nỗ lực hơn vì nếu xét theo nội hàm thì Việt Nam mới chỉ đang ở giai đoạn khởi đầu trong tiếp cận quốc tế hóa so với các nước trong khu vực vì mức độ công nhận của quốc tế về chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng đào tạo, bằng cấp, các sản phẩm khoa học, công nghệ còn khiêm tốn. Vì vậy cần phải có một chính sách mang tính tổng thể, đồng bộ và quyết liệt hơn.

Thúc đẩy mạnh mẽ hội nhập hơn nữa

Nhìn nhận việc cần một chính sách thực chất và hiệu quả trong toàn hệ thống có vai trò rất quan trọng để các trường thúc đẩy việc quốc tế hóa hoạt động của mình, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài cho rằng: Chính phủ cần phân bổ ngân sách đầu tư mang tính đột phá cho hệ thống GDĐH, đảm bảo các nguyên tắc thúc đẩy hiệu quả quốc tế hóa hệ thống giáo dục vì đầu tư hiện nay từ ngân sách rất thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực.

Cơ chế phân bổ ngân sách dựa trên những tiêu chí cạnh tranh gắn với việc xây dựng các trường đại học đạt tiêu chuẩn theo định hướng quốc tế hóa về di chuyển quốc tế của người học và học giả quốc tế, công bố quốc tế, chuyển giao công nghệ cho phát triển kinh tế đất nước và chú trọng đến các ngành đào tạo có khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhưng chi phí đào tạo cao.

Ngoài ra ngân sách nhà nước cần chú trọng đặc biệt đến chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT&TT cấp quốc gia phục vụ chung cho các cơ sở giáo dục; cụ thể, đó là nền tảng kỹ thuật số cho dạy và học trực tuyến, các tài nguyên số phục vụ cho chương trình đào tạo, và cộng đồng học tập trực tuyến tại mỗi cơ sở giáo dục nói riêng và trên toàn hệ thống giáo dục nói chung.

Nhất là đẩy mạnh thu hút FDI lĩnh vực GDĐH thông qua khuyến khích mở các chi nhánh giáo dục quốc tế và đặc biệt là phát triển trung tâm giáo dục quốc tế tại các địa phương có khả năng kết nối khu vực và kết nối phát triển công nghiệp nhằm thu hút tài năng toàn cầu, thu hút nghiên cứu chuyển giao cho phát triển kinh tế xã hội tạo tính lan tỏa cao góp phần nhanh chóng nâng cao tính cạnh tranh và năng suất lao động tổng hợp của nền kinh tế.

Đặc biệt là thiết kế chính sách khuyến khích hệ thống giáo dục Việt Nam tham gia các kiểm định khu vực và quốc tế; Định hướng hệ thống đại học tham gia xếp hạng trong nước và quốc tế phù hợp; Tăng cường sự di chuyển của sinh viên, giảng viên và học giả quốc tế song song với việc xây dựng các đại học tầm cỡ thế giới cũng như xây dựng bộ tiêu chí xếp hạng đại học trong nước gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, nâng cao khẳ năng tiếp cận của người học theo hướng học tập suốt đời.

Nhóm nghiên cứu của UEH đang cùng nhau bàn luận chuyên sâu về một nội dung NCKH.
Nhóm nghiên cứu của UEH đang cùng nhau bàn luận chuyên sâu về một nội dung NCKH.

Để hệ thống thật sự “thoát” các ràng buộc và phát triển như kỳ vọng, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài cho rằng Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện và bổ sung Luật 34 và Nghị định 99 nhằm cụ thể hóa hơn mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản - hội đồng trường nhằm vừa thúc đẩy hiệu quả cơ chế tự chủ hệ thống giáo dục đại học theo thông lệ quốc tế vừa nâng cao nguyên tắc trách nhiệm giải trình.

“Muốn hệ thống GDĐH phát triển, tiến tới hội nhập và thúc đẩy xu hướng quốc tế hóa giáo dục thì Chính phủ nên nghiên cứu điều chỉnh, nâng cao quyền tự chủ về tổ chức và nhân sự cho các cơ sở giáo dục đại học công lập nhằm thu hút các học giả có trình độ học thuật cao trong nước và quốc tế.  Vì theo Khoản 4, Điều 32 Luật số 34 và Khoản 2, Điều 13 Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu công tác đãi ngộ, thu hút nhân tài do việc trả lương vẫn thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước, điều này rất khó cho các trường.

Như vậy, muốn thực sự hệ thống giáo dục đại học vừa là nơi vừa đào tạo tinh hoa, vừa là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển kinh tế xẽ hội và nâng cao năng suất lao động của Việt Nam, và muốn thực sự định vị hệ thống này trên bản đồ giáo dục khu vực và thế giới theo xu hướng quốc tế hóa thì bên cạnh xu hướng tiến bộ về mở rộng quyền tự chủ và nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học hiện nay thì khi xây dựng chiến lược, Nhà nước cần có những hoạch định chiến lược đầu tư mang tính đột phá và thực sự hiệu quả cho hệ thống giáo dục đại học" - GS Hoài kiến nghị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.