Quốc lộ 1A, đường sắt qua Thừa Thiên Huế ngập sâu

Tối 10/10, quốc lộ 1A đoạn qua phường Tứ Hạ ngập sâu khoảng 40 cm; nước lũ chảy xiết đã cuốn trôi nhiều dải phân cách bê tông nằm giữa đường.

Cảnh sát giao thông Thừa Thiên Huế chốt chặn hai đầu vị trí ngập để phân luồng giao thông. Ôtô dưới 9 chỗ, xe máy không được phép qua khu vực ngập nước. Xe khách, xe gầm cao muốn qua đoạn đường ngập gần một km phải đi theo hướng dẫn của lực lượng chức năng.

Nhiều ôtô từ Nam ra Bắc và ngược lại đã phải quay đầu; một số tài xế thuê xe cứu hộ đưa qua đoạn đường ngập để tiếp tục hành trình.

Tuyến Quốc lộ 1A qua thị xã Hương Trà, gần sông Bồ ngập sâu, chiều 10/10. Ảnh: Võ Thạnh
Tuyến Quốc lộ 1A qua thị xã Hương Trà, gần sông Bồ ngập sâu, chiều 10/10. Ảnh: Võ Thạnh

Cùng ngày, tuyến đường sắt Bắc Nam qua Thừa Thiên Huế ngừng hoạt động khi hệ thống đường ray ngập sâu 30-40 cm.

Bốn ngày qua, mưa lớn kéo dài và thủy điện, hồ thủy lợi ở thượng nguồn sông Hương, sông Bồ xả lũ khiến nhiều nơi ở vùng hạ du ở Thừa Thiên Huế chìm trong nước. Đỉnh lũ tại sông Bồ lên 5,24m cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1999.

Đến nay, mưa lũ ở Thừa Thiên Huế đã làm một người chết, 6 người bị thương. Gần 25.000 căn nhà của người dân bị ảnh hưởng. Trong ngày 10/10, thủy điện Bình Điền, hồ Tả Trạch xả lũ khiến nước sông Hương lên nhanh, gây ngập nhiều tuyến đường ở thành phố Huế, người dân phải dùng thuyền đi lại.

Nhiều ôtô con phải nhờ xe cứu hộ đưa qua được đoạn đường ngập. Ảnh: Võ Thạnh
Nhiều ôtô con phải nhờ xe cứu hộ đưa qua được đoạn đường ngập. Ảnh: Võ Thạnh

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, trên địa bàn sẽ tiếp tục mưa to trên diện rộng; tổng lượng mưa dự kiến từ ngày 10 đến 13/10 phổ biến 500 - 700 mm, có nơi cao hơn.

Cảnh sát giao thông dùng cơm trên đường Quốc lộ 1A. Ảnh: Võ Thạnh
Cảnh sát giao thông dùng cơm trên đường Quốc lộ 1A. Ảnh: Võ Thạnh

Quảng Bình, chiều 10/10, tuyến đường dài gần một km từ xã Tân Ninh đi về các xã Hiền Ninh, Vạn Ninh, An Ninh (huyện Quảng Ninh) bị ngập từ 0,3 m đến 1,5 m. Nhiều nơi chỉ còn nhìn thấy lan can, cọc tiêu. Làng mạc, nhà cửa, nghĩa trang hai bên đường đều bị bao quanh bởi nước lũ.

Tỉnh lộ 564 đoạn qua xã Tân Ninh bị ngập, chiều 10/10. Ảnh: Đức Hùng
Tỉnh lộ 564 đoạn qua xã Tân Ninh bị ngập, chiều 10/10. Ảnh: Đức Hùng

Đoạn tỉnh lộ ngập nước khiến 4.000 hộ dân của các thôn Quảng Xá, Hòa Bình, Hữu Tân, Thế Lộc (xã Tân Ninh) bị cô lập. Nhà chức trách đã cắm biển ở phía đầu điểm ngập lụt của xã Tân Ninh, yêu cầu mọi người không được qua lại. Nhiều xe máy, ôtô khi di chuyển tới đây đều phải quay đầu. Một số người dân muốn về nhà phải thuê thuyền chở.

"Tôi vào đưa cho người thân ở thôn Quảng Xá một ít lương thực, tuy nhiên chờ 3 tiếng rồi vẫn chưa thấy thuyền đến", bà Nguyễn Thị Hiền, 52 tuổi, trú xã Gia Ninh nói và cho hay, để di chuyển về thôn Quảng Xá phải trả hơn 200.000 đồng.

Nhà chức trách cắm biển cấm qua lại ở phía đầu điểm ngập. Ảnh: Đức Hùng
Nhà chức trách cắm biển cấm qua lại ở phía đầu điểm ngập. Ảnh: Đức Hùng

Ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch huyện Quảng Ninh, nói tỉnh lộ 564 dài 15 km, điểm đầu là xã Gia Ninh, điểm cuối là xã Vạn Ninh. So với đỉnh lũ ngày 9/10, hiện mức nước qua tỉnh lộ 564 đã giảm xuống khoảng 40 cm.

Đến nay hơn 13.000 nhà dân ở Quảng Bình bị ngập, trong đó Quảng Ninh hơn 4.000, tập trung chủ yếu ở xã Tân Ninh, Hiền Ninh, Duy Ninh.

Theo Vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ