Sáng 26/6, với 452/459 đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.
Quốc hội đồng ý cho Đà Nẵng được thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước; quản lý đầu tư; quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên, môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc thí điểm thành lập khu thương mại tự do là chủ trương lớn đã có đủ căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý.
Nếu thực hiện thành công sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP Đà Nẵng và của cả vùng.
Tuy nhiên, đây là chính sách mới, chưa được thực hiện tại Việt Nam nên tinh thần chung là vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện dần.
Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, quá trình thực hiện cần thận trọng, có bước đi chắc chắn, không quy định những vấn đề chưa được đánh giá kỹ lưỡng, mang tính rủi ro cao.
Theo nghị quyết, Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng biển Liên Chiểu.
Khu thương mại tự do là khu chức năng, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách.
Qua đó, nhằm thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao.
Khu thương mại tự do có các khu chức năng được quy định tại quyết định thành lập của Thủ tướng, gồm khu sản xuất, trung tâm logistics, khu thương mại - dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định pháp luật…
Các khu chức năng thuộc khu thương mại tự do được ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và hoạt động quản lý Nhà nước theo lĩnh vực tương ứng của các cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật.
Quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng với khu vực bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam về hải quan, thuế và xuất khẩu, nhập khẩu.
Dự án Cảng Liên Chiểu có diện tích 450 ha, gồm 8 bến container tiếp nhận tàu 30.000 - 200.000 DWT; 6 bến tổng hợp tiếp nhận tàu 30.000-100.000 DWT; 1.200m bến thủy nội địa và 6 bến hàng lỏng, khí.
Công suất khai thác cảng đạt 50 triệu tấn mỗi năm vào năm 2050.
Tổng mức đầu tư là hơn 3.400 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 3.000 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng ngân sách địa phương.
Dự án khởi công cuối năm 2022, dự kiến hoàn thành cuối năm 2025.
Khi Cảng Liên Chiểu đi vào khai thác sẽ giảm tải cho Cảng Tiên Sa hiện hữu (dự kiến chuyển đổi chuyên phục vụ tàu du lịch); đồng thời giảm áp lực vận tải trong nội đô.