Một trong những quy định được đông đảo cử tri và dư luận xã hội quan tâm là quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đó, Điều 6 của Nghị quyết quy định: HĐND thành phố thuộc Thành phố thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: Quyết định dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình, trong đó bao gồm dự toán ngân sách của phường trực thuộc; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách phường trực thuộc theo quy định của Luật Đầu tư công; tổ chức thực hiện chương trình, dự án đầu tư công theo phân cấp quản lý; phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của UBND phường trực thuộc; giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật và việc thực hiện nghị quyết của HĐND cấp mình trên địa bàn phường trực thuộc; giám sát hoạt động của UBND, Chủ tịch UBND phường trực thuộc.
Đối với Uỷ ban nhân dân và Chủ tịch UBND thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí minh, điều 7 của Nghị quyết này nêu rõ: UBND thành phố thuộc Thành phố thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: Xây dựng, trình HĐND cùng cấp quyết định các nội dung theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 6 của Nghị quyết này và tổ chức thực hiện nghị quyết của HĐND; căn cứ vào nghị quyết của HĐND thành phố thuộc Thành phố về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội dài hạn, trung hạn và hằng năm của thành phố, quyết định giao nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội cho UBND phường trực thuộc; quyết định và tổ chức thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn các phường trực thuộc.
Chủ tịch UBND thành phố thuộc Thành phố thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn về bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, đình chỉ công tác Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường trực thuộc; tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức phường trực thuộc; đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của UBND phường trực thuộc.
Bên cạnh đó, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận, góp ý là tăng số lượng đại biểu HĐND Thành phố Hồ Chí Minh hoạt động chuyên trách để thực hiện việc giám sát và chuyển tải ý kiến của cử tri lên HĐND Thành phố Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, Nghị quyết cũng quy định không tổ chức HĐND quận, huyện, phường trên địa bàn Thành phố.
Do vậy, Nghị quyết quy định: Thường trực HĐND Thành phố gồm chủ tịch HĐND, 2 phó chủ tịch HĐND và các ủy viên là Trưởng ban của HĐND Thành phố. Chủ tịch HĐND Thành phốcó thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; Phó Chủ tịch HĐND Thành phố là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.
Ban của HĐND Thành phố gồm trưởng ban, 2 phó trưởng ban và các ủy viên. Trưởng ban của HĐND Thành phố có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; phó trưởng ban của HĐND Thành phố là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Mỗi ban của HĐND Thành phố có 1 ủy viên hoạt động chuyên trách.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Việc tổ chức chính quyền đô thị quy định tại Nghị quyết này được thực hiện từ ngày 1/7/2021.
Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội được ban hành trước thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thì áp dụng theo quy định của Nghị quyết này.
Định kỳ 3 năm kể từ khi Nghị quyết này được Quốc hội thông qua, báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết.