Cùng dự, về các cơ quan của Quốc hội có ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Về phía Bộ GD&ĐT có Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ; đại diện lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ GD&ĐT và 183 thầy cô giáo, đại diện cho các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên khắp mọi miền đất nước, đại diện cho tất cả các bậc học, từ mầm non đến đại học.
Yếu tố quyết định thành công của đổi mới giáo dục
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ: Việc Chủ tịch Quốc hội quan tâm, dành thời gian gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu là vinh dự, nguồn cổ vũ, động viên rất lớn để đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cả nước tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ “trồng người” cao quý mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho.
Thông tin về những kết quả quan trọng toàn ngành Giáo dục đạt được trong thời gian qua, theo Bộ trưởng, những kết quả đó là nhờ sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự động viên thường xuyên của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội; sự hỗ trợ, chia sẻ của các cơ quan của Quốc hội; sự nỗ lực, tâm huyết, trách nhiệm của toàn ngành, trong đó vai trò quyết định là của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp.
Xác định chất lượng đội ngũ giáo viên là một trong những yếu tố quyết định thành công của đổi mới giáo dục, Bộ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT đã trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật và các đề án để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục. Các chế độ, chính sách đối với nhà giáo ngày càng tốt hơn. Chế độ phụ cấp thâm niên với nhà giáo cũng tiếp tục được thực hiện cho đến khi có bảng lương mới.
“Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thời gian tới, ngành Giáo dục xác định sẽ phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa, trước hết là phải đổi mới trong suy nghĩ và hành động của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong toàn ngành.
Bộ GD&ĐT kính mong Quốc hội tiếp tục quan tâm, chăm lo xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; động viên, chia sẻ với những khó khăn của ngành Giáo dục nói chung, của đội ngũ nhà giáo nói riêng.
Những tâm tư gửi gắm
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, ông Phạm Hồng Sơn – giảng viên cao cấp khoa Chăn nuôi thú y (Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế) - nhắc đến nhiệm vụ của giảng viên đại học với việc giảng dạy lý thuyết, thực hành, hướng dẫn thực tập cho người học và cũng có cả nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.
Nhấn mạnh hoạt động khoa học công nghệ có tầm quan trọng đặc biệt trong trường đại học, từ thực tế, ông Phạm Hồng Sơn đề nghị Nhà nước nghiên cứu cơ chế “khoán”, tức “quản lý sản phẩm cuối cùng” trong nghiên cứu khoa học của trường đại học.
“Trước hết, nên để các tập thể bộ môn tự đảm trách nhiệm vụ của các Hội đồng, miễn sao sản xuất được bài báo khoa học và sản phẩm khoa học công nghệ khác xứng đáng với kinh phí được cấp. Còn việc cấp kinh phí thường xuyên cho công tác nghiên cứu của giảng viên cần phải được cơ sở đào tạo coi như việc trang bị giảng đường và phấn cho các giờ lên lớp.
Điều quan trọng là làm sao để các bộ môn có trách nhiệm hơn trước sản phẩm khoa học công nghệ. Giảng viên đại học cần có hạn ngạch hàng năm cho vật liệu nghiên cứu thường xuyên để phát huy quỹ thời gian hoạt động nghiên cứu của họ, để có thể chủ động tạo ra sản phẩm cuối cùng, tránh tình trạng làm khoa học như “đun cho nồi nước gần sôi”, “nghiệm thu xong rồi quên lãng”.” – ông Phạm Hồng Sơn chia sẻ.
Đến từ Trường mầm non Cao Thắng, xã Thanh Cao, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, cô Đàm Thu Oanh đề nghị Bộ, ban, ngành quan tâm để có thêm chính sách ưu đãi đối với giáo viên mầm non; đồng thời đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho các trường vùng khó khăn.
Cô Ngô Song Đào - giáo viên Trường tiểu học, THCS Phước Hiệp (Mỏ Cày Nam, Bến Tre) luôn tự hào với nghề mà mình đã gắn bó 29 năm qua. Cô tâm niệm, dạy học là một nghề cao quý, người giáo viên là người truyền cảm hứng cho học sinh của mình. Vì thế, mỗi ngày lên lớp, cô không chỉ tìm thấy giá trị mới của bản thân mà còn là tấm gương để học trò noi theo. Nhưng để thành công, bản thân giáo viên không thể không dựa vào tập thể sư phạm - nơi mình làm việc, đặc biệt là sự quan tâm của các cấp lãnh đạo.
“Chính sự quan tâm, hỗ trợ ấy đã truyền cho tôi nguồn cảm hứng, sức mạnh vượt qua mọi khó khăn thử thách, để hoàn thành nhiệm vụ” – cô Đào bộc bạch, đồng thời nhấn mạnh: Hiện nay, toàn ngành đang tập trung đổi mới GD-ĐT theo tinh thần của Nghị quyết 29 và triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; hơn bao giờ hết giáo viên càng phải nỗ lực vượt lên chính mình và vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành sứ mệnh của mình là dạy chữ - dạy người.
Gửi lời cảm ơn đến các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã luôn dành những quan tâm to lớn đến sự nghiệp GD-ĐT nói chung và đời sống của những người làm giáo dục nói riêng, cô Hà Ánh Phượng - giáo viên Trường THPT Hương Cần (Phú Thọ) – đồng thời đề cập đến yêu cầu quan trọng của chuyển đổi số trong ngành Giáo dục.
“Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó giáo dục là 1 trong 8 ngành, lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số trước.
Vì vậy, mong rằng Đảng và Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin để giúp nhà trường, các thầy cô giáo và các em học sinh tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin nhiều hơn nữa. Cũng mong mô hình Trường học hạnh phúc ngày càng được lan tỏa sâu rộng đến các trường trên cả nước, để mỗi ngày đến lớp là một ngày vui cho cả thầy và trò.” – cô Hà Ánh Phượng đề nghị.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, thay mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi đến các thầy, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục và các thế hệ thầy, cô giáo trên mọi miền Tổ quốc những tình cảm trân trọng, lời biết ơn và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Nhấn mạnh truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đây là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và càng được tô đậm vào mỗi dịp 20/11.
Báo cáo tóm tắt của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và các thầy cô giáo trong buổi gặp mặt cho thấy, trong những năm qua ngành Giáo dục đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, đạt được những kết quả tích cực, góp phần trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong hoạt động Quốc hội, giáo dục luôn là vấn đề được đại biểu và cử tri quan tâm. Với trách nhiệm người đứng đầu, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT luôn phải đứng trước nhiều áp lực nặng nề. Ngoài việc phải giải trình thực thi chính sách pháp luật, sửa đổi những nội dung còn bất cấp, Bộ trưởng phải trả lời chất vấn của cử tri và đại biểu Quốc hội.
“Tôi chia sẻ với ngành Giáo dục, với Bộ trưởng. Ngay trong kỳ họp này, Bộ trưởng đã nhiều lần trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Câu trả lời của Bộ trưởng rất tốt, được đại biểu ghi nhận đánh giá cao” – Chủ tịch Quốc hội cho hay, đồng thời nhấn mạnh: Vai trò của Giáo dục rất lớn trong hoạt động đời sống xã hội. Sự nghiệp giáo dục còn ở phía trước với nhiều vấn đề tiếp tục cần triển khai thực hiện và phải thường xuyên, liên tục đổi mới.
“Chúng ta đừng thấy bất cập nào đó, một sai sót nào đó chưa được để đánh giá, phủ nhận hết tất cả những vấn đề, công lao của thầy cô giáo, của ngành Giáo dục trong suốt thời gian qua” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.