Theo dự toán này, thu ngân sách năm 2024 hơn 1,7 triệu tỉ đồng, gồm cả thu chuyển nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2023 là 19.040 tỉ đồng.
Tổng chi ngân sách là 2,1 triệu tỉ đồng. Bội chi ngân sách 399.400 tỉ đồng, tương đương 3,6% GDP.
Tổng mức vay của ngân sách Nhà nước 690.553 tỉ đồng.
Nghị quyết được thông qua cũng cho phép sử dụng 145,9 tỉ đồng nguồn thu hồi kinh phí đã tạm cấp trong năm 2022 cho một số địa phương để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, chuyển nguồn để bổ sung cho các địa phương còn thiếu.
Trước khi đại biểu bấm nút, một số ý kiến đề nghị Chính phủ xây dựng dự toán thu chi ngân sách cần sát thực tế.
Báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách - Lê Quang Mạnh trình bày nêu rõ: Dự toán được xây dựng khá tích cực trên cơ sở dự kiến tăng trưởng kinh tế khoảng 6 - 6,5%, lạm phát 4 - 4,5% và các chính sách miễn, giảm thuế tương đương năm 2023.
Ông Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. |
Vì vậy, cơ quan thẩm tra xin giữ như phương án Chính phủ trình.
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc chỉ tiêu dự kiến sản lượng dầu thô và giá dầu. Song, Ủy ban Thường vụ cho rằng, giá dầu có biến động khó lường, phụ thuộc vào tình hình chính trị thế giới.
Tương tự với khoản thu cân đối xuất nhập khẩu được đề nghị có thể tăng cao hơn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nước ta chịu tác động từ tình hình thế giới, tình hình trong nước vẫn khó khăn.
Do đó, việc xây dựng dự toán cao sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách Trung ương trong trường hợp không đạt dự toán.
Một số ý kiến lo ngại các khoản thu từ đất được xây dựng tăng cao. Cơ quan thẩm tra cho rằng, trong năm qua Chính phủ đã có nhiều giải pháp mạnh mẽ để khôi phục và thúc đẩy thị trường bất động sản tăng trưởng.
Tại nghị quyết vừa thông qua, Quốc hội giao Chính phủ tập trung điều hành chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tiền tệ và các chính sách khác, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ cần có giải pháp khắc phục đà suy giảm các chỉ tiêu về tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước trên GDP và tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào ngân sách.
Để tăng cường quản lý thu, cơ cấu lại nguồn thu bảo đảm tính bền vững, Chính phủ phải sớm trình Quốc hội các dự án sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế; thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp chống thất thu, chuyển giá trốn thuế; gian lận thương mại, đặc biệt trong các hoạt động thương mại dựa trên nền tảng số.
Trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách, Quốc hội nhấn mạnh phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu. Triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, các khoản chi chưa thực sự cần thiết.
Từ đó, bảo đảm nguồn lực cho phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bổ sung vốn đầu tư phát triển và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Chính phủ được giao chỉ đạo triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước.
Về thực hiện chính sách tiền lương, nghị quyết thông qua việc thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ 1/7/2024. Thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở.
Sẽ áp dụng mức lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng của các cơ quan Nhà nước đang thực hiện cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù từ 1/1 đến 30/6/2024. Từ 1/7/2024 sẽ bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù.
Nhất trí về việc thực hiện cải cách tiền lương. Song, theo cơ quan thẩm tra, nhiều ý kiến đề nghị tính toán thận trọng, cân đối hợp lý, có lộ trình phù hợp.