Sau khi nghe Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết.
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 440/449 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 88,18%. Như vậy, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023.
Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 có bố cục gồm 2 Điều với các nội dung về nội dung chương trình giám sát và việc tổ chức thực hiện Nghị quyết.
Theo đó, Nghị quyết quy định: Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về: đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; báo cáo tài chính nhà nước năm 2021; báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; xem xét báo cáo giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có); xem xét các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá giữa kỳ kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm 2021-2025 về: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024; kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 và dự kiến kế hoạch năm 2024; kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2021-2025: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới;
Cùng với đó là chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; công tác phòng, chống tham nhũng và tiêu cực; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án...
Đồng thời, xem xét các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; các báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn...
Về tổ chức thực hiện, Nghị quyết giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này; chỉ đạo, điều hòa hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; hướng dẫn Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện hoạt động giám sát; chỉ đạo việc theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát; báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, làm cơ sở cho việc dự kiến chương trình giám sát của năm tiếp theo, bảo đảm gắn kết giữa hoạt động giám sát với hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Đồng thời, căn cứ vào chương trình giám sát của Quốc hội và điều kiện, tình hình thực tế, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chủ động xây dựng, triển khai thực hiện chương trình giám sát của mình, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định của pháp luật. Tiếp tục đổi mới, giám sát đúng và trúng, chỉ rõ địa điểm, quy rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nghị quyết yêu cầu trong quá trình giám sát, cần tăng cường đi sâu làm rõ vấn đề, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; sử dụng thông tin từ cơ quan kiểm toán nhà nước, thanh tra trong quá trình tiến hành giám sát. Nghị quyết về giám sát, chất vấn cần gọn, rõ, có các tiêu chí định lượng, mốc thời gian, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và giao nhiệm vụ cho các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ theo dõi, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kiến nghị sau giám sát.
Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện, tăng cường các điều kiện đảm bảo để hoạt động giám sát được tiến hành một cách thuận lợi, đạt chất lượng, hiệu quả cao.
Nghị quyết nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này.