Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 454/455 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 94,78% tổng số đại biểu Quốc hội.
Như vậy, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), với tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.
Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) gồm 8 chương, 63 điều.
Luật quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người;
Tiếp nhận, xác minh, xác định, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân;
Quản lý Nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống mua bán người; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người.
Luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm; nguyên tắc phòng, chống mua bán người; chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người; quyền và nghĩa vụ của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.
Về tiếp nhận, xác minh người đến trình báo, luật quy định người nào có căn cứ cho rằng mình là nạn nhân hoặc người đại diện hợp pháp có căn cứ cho rằng người được họ đại diện là nạn nhân thì đến UBND cấp xã, cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển hoặc cơ quan, tổ chức nơi gần nhất trình báo về việc bị mua bán.
Cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, cơ quan, tổ chức tiếp nhận trình báo có trách nhiệm đưa ngay người đó đến UBND cấp xã nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở.
UBND xã có trách nhiệm thông báo ngay với cơ quan chuyên môn về lao động, thương binh và xã hội cấp huyện. Trong trường hợp cần thiết, UBND cấp xã đã tiếp nhận thực hiện việc hỗ trợ theo quy định.
Khi nhận được thông báo của UBND cấp xã, với cơ quan chuyên môn về lao động, thương binh và xã hội cấp huyện thực hiện ngay việc tiếp nhận, hỗ trợ.
Chậm nhất là 3 ngày phải chủ trì phối hợp với Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Công an cấp huyện) xác minh thông tin ban đầu.
Sau khi xác minh thông tin ban đầu, nếu chưa có giấy tờ, tài liệu quy định tại khoản 1 Điều 33 của luật này thì cơ quan chuyên môn về lao động, thương binh và xã hội cấp huyện đề nghị Công an cấp huyện tiến hành xác minh nạn nhân.
Luật này có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025.