Quốc hội sẽ xem xét kỹ việc thành lập Ủy ban điều tra VinaShin

Quốc hội sẽ xem xét kỹ việc thành lập Ủy ban điều tra VinaShin

>>Đại biểu Quốc hội hiến kế cho nền kinh tế

>>Chính phủ dự báo, GDP năm 2011 sẽ tăng từ 7 – 7,5%

Xung quanh việc thành lập hay không thành lập Ủy ban lâm thời của Quốc hội để xem xét trách nhiệm của các thành viên Chính phủ liên quan đến VinaShin, như một số đại biểu đề xuất, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết: “Việc này phải được xem xét kỹ các quy định của pháp luật, bảo đảm đúng quy trình. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được báo cáo Quốc hội vào phiên họp khác tại kỳ họp này”.

Cái tên VinaShin được nhắc tới nhiều nhất trong hai ngày tranh luận.
Cái tên VinaShin được nhắc tới nhiều nhất trong hai ngày tranh luận.

Theo dõi 79 ý kiến đại biểu phát biểu trong hai ngày liên tục vừa qua, cũng dễ dàng nhận thấy sự xuất hiện dày đặc của cái tên VinaShin, với nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí là trái chiều.

Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng cho rằng, vụ việc Vinashin không chỉ gây tác hại nghiêm trọng trong nước mà cả nước ngoài. Sau khi xảy ra vụ VinaShin khả năng huy động vốn của Việt Nam trên thị trường quốc tế càng trở nên khó khăn và tốn kém.

"Đây là thất bại lớn của Chính phủ trong quản lý điều hành các tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước. Tất nhiên tôi hiểu rằng, ai chiến thắng không từng chiến bại, ai nên khôn chẳng dại một lần. Nhưng theo tôi "bà con nhân dân và cử tri cả nước không bao giờ cho phép Chính phủ thất bại, sai lầm một lần nữa", đại biểu Trừng nói.

Còn theo đại biểu Đặng Như Lợi đặt vấn đề, bây giờ còn có 5 tập đoàn nữa thì ta kiểm soát một cách chặt chẽ chứ không nên để thế này. Còn với VinaShin thì trước mắt làm sao xử lý cho nghiêm, sau đó thì công bố với dân để cho lòng dân yên được. "Chỉ có lòng dân yên mới làm được nhiều việc".

Qua 2 ngày thảo luận về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, đã có 79 đại biểu phát biểu ý kiến tại Hội trường, chủ toạ phiên họp cũng đã mời 7 vị Bộ trưởng, trưởng ngành giải trình thêm những vấn đề mà các đại biểu quan tâm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, sau phiên thảo luận này, Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ chuẩn bị dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2011 xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên họp cuối của Kỳ họp lần này.

Đánh giá về phiên thảo luận 2 ngày qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, hoạt động của Quốc hội nói chung và của các đại biểu Quốc hội nói riêng thực sự dân chủ, trách nhiệm và tâm huyết.

Qua 2 ngày thảo luận, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí cho rằng, trong điều kiện quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, về cơ bản, chúng ta đã đạt được mục tiêu chung. Tổng thể vĩ mô ổn định, kinh tế phục hồi nhanh, tăng cao hơn kế hoach đề ra. Bằng nguồn vốn Nhà nước và các nguồn lực khác, chúng ta đã đầu tư tốt cho phúc lợi và an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh chính trị và xã hội được bảo đảm, ngoại giao được mở rộng, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục, trong đó nổi lên là tính ổn định của nền kinh tế chưa vững chắc, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, lạm phát, giá cả nhiều mặt hàng đã tăng ở mức cao, đời sống của nhân dân lao động chưa được cải thiện nhiều… quản lý nguồn lực nhà nước chưa chặt chẽ, việc sử dụng chi tiêu công còn cao, chống tham nhũng chưa triệt để.

Đi vào cụ thể từng vấn đề, các đại biểu cho rằng, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chưa đủ tầm và tương xứng với vị trí, vai trò chiến lược của khu vực này, do vậy mặc dù đạt nhiều thành tựu nhưng vẫn là khu vực phát triển chậm, đời sống nông dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn.

“Nhìn lại thực tiễn thời gian qua ở nước ta, vấn đề cốt lõi, quyết định là trách nhiệm phải cao, tâm phải sáng của người được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao nhiệm vụ. Các vị đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội yêu cầu, việc cống hiến, đóng góp, cũng như khuyết điểm, sai lầm cần được xác định rõ đâu là của tập thể và đâu là của cá nhân, không nên nói do cơ chế, pháp luật, tập thể một cách chung chung” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên kết luận.

Đối với dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, đa số các ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với những dự báo, bối cảnh trong năm 2011. Cần phải theo dõi, cập nhật kịp thời, đầy đủ, chính xác hơn, phân tích sâu sắc tình hình trong và ngoài nước để có sự điều chỉnh, định hướng về biện pháp, cơ chế chính sách kịp thời và hợp lý.

Về phương hướng, mục tiêu tổng quát, ý kiến chung của các đại biểu nhất trí với những nội hàm cơ bản nêu trong Tờ trình của Chính phủ, ý kiến các cơ quan của Quốc hội. Các đại biểu chỉ nhấn mạnh, mục tiêu nào cần được ưu tiên hơn trong tổng thể kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011.

Trong chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, các đại biểu đề nghị, bằng các chủ trương, biện pháp, cơ chế chính sách mạnh mẽ hơn để tạo ra bước chuyển biến mang tính đột phá về cơ sở hạ tầng, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, việc làm, đời sống vật chất tinh thần… trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân tương xứng với vai trò và vị trí chiến lược của khu vực này.

Các đại biểu cũng đề nghị cần tạo môi trường bình đẳng và trên thực tế giữa các thành phần kinh tế. Tăng cường sức mạnh, phát triển bền vững của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trên cơ sở rà soát, đánh giá kỹ, chấn chỉnh một cách toàn diện, sắp xếp lại căn bản, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đi đôi với đó, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan nhà nước.

Trần Nhật

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ