Ngày 11/7, Hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày của các quốc gia thành viên NATO bắt đầu.
Các thành viên của liên minh có kế hoạch thành lập Hội đồng Ukraine - NATO để tăng cường quan hệ chính trị và thống nhất về một chương trình hỗ trợ cho Ukraine trong vài năm.
Các quốc gia thành viên NATO cũng sẽ xem xét tăng chi tiêu quân sự.
Theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, hơn 80 quốc gia đã tăng chi tiêu quân sự vào năm 2022.
Các quốc gia chi tiêu quân sự nhiều nhất là Mỹ (876,9 tỷ USD), Trung Quốc (292 tỷ USD) và Nga (86,4 tỷ USD).
Trong khi đó, Mỹ đứng đầu về chi tiêu quân sự trong số các quốc gia thành viên NATO. Chi tiêu quốc phòng của NATO chiếm một nửa tổng chi tiêu quân sự toàn cầu và vượt quá 1,2 nghìn tỷ USD. Trong khối, các quốc gia phân bổ nhiều tiền nhất cho nhu cầu quân sự là Anh, Đức, Pháp và Ý.
Năm 2022, chi tiêu quân sự của Ukraine đã tăng gấp 7 lần so với năm trước, lên 43,98 tỷ USD.
Theo ước tính của TASS, các quốc gia thành viên NATO đã tài trợ cho nhu cầu quân sự của Ukraine lên tới 38,6 tỷ USD trong khoảng thời gian đó, tương đương 1,6% tổng chi tiêu quân sự của liên minh.
Các quốc gia Baltic gồm Estonia, Latvia và Litva đã viện trợ cho Ukraine trị giá 15-40% chi tiêu quân sự của họ trong khi Cộng hòa Séc hỗ trợ 2,1 tỷ USD - gần một nửa ngân sách quân sự của mình.