Bước 1: Xác định mục đích xây dựng bài tập
Khi thiết kế bài tập, giáo viên cần xác định mục đích, yêu cầu của các loại bài tập cho học sinh giải. Điều này rất quan trọng vì nó giúp cho giáo viên bám sát nội dung bài học khi biên soạn bài tập.
Có rất nhiều dạng bài tập, có bài tập dùng cho từng đơn vị kiến thức, có bài tập dùng cho toàn bài, toàn chương hay cả khoá trình.
Dù bài tập ở dạng nào, đơn giản hay phức tạp, giáo viên cũng cần xác định rõ bài tập này bổ sung cho học sinh kiến thức gì? Giáo dục cho các em được cái gì? Giúp các em rèn luyện được kỹ năng gì của bộ môn? Làm tốt bước đầu tiên này là điều kiện tốt để chúng ta thực hiện bước tiếp theo trong quy trình xây dựng bài tập.
Bước 2: Xác định nội dung cần kiểm tra học sinh
Xác định nội dung cần kiểm tra học sinh cần phù hợp với yêu cầu học tập. Trên cơ sở chương trình, sách giáo khoa, bài giảng trên lớp xác định những kiến thức cơ bản cần thiết để làm bài tập.
Bước 3: Xác lập hệ thống các loại bài tập
Tuỳ nội dung kiến thức của từng bài, tuỳ đặc điểm của từng loại bài tập lịch sử mà giáo viên xây dựng bài tập trắc nghiệm khách quan, bài tập thực hành, hay bài tập dưới dạng câu hỏi tổng hợp sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh.
Bước 4: Xác định nguồn tài liệu để xây dựng bài tập
Nội dung sách giáo khoa lịch sử bao gồm cả kênh hình, kênh chữ, bài đọc thêm. Tài liệu tham khảo bao gồm cả tài liệu viết, tranh ảnh, hiện vật...
Nguồn tài liệu sử dụng để xây dựng bài tập phải chính xác, có độ tin cậy cao và càng phong phú, đa dạng thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên thiết kế các bài tập hấp dẫn, phát triển tư duy học sinh.
Bước 5: Tiến hành xây dựng bài tập, thể hiện thành các loại bài tập lịch sử
Đây là khâu quan trọng nhất trong quá trình xây dựng bài tập trong đó cần chú ý những nhiệm vụ mà giáo viên đề ra cho học sinh phải đảm bảo tính vừa sức, gây hứng thú và phát huy sự nỗ lực tư duy độc lập, sáng tạo của học sinh.
Bước 6: Kiểm tra các bài tập dùng để đánh giá học sinh
Đây là khâu cuối cùng trong qui trình thiết kế bài tập lịch sử, giáo viên kiểm tra lại các loại bài tập mình đã xây dựng về nội dung, hình thức để tiến hành sử dụng trong dạy học nhằm củng cố, khắc sâu kiến thức và kiểm tra, đánh giá trình độ nhận thức của học sinh.
Các bước xây dựng bài tập trên đây, được thực hiện theo trình tự và có mối liên hệ chặt chẽ trong một hệ thống, bước trước là tiền đề của bước sau tạo thành một quy trình giúp giáo viên thực hiện tốt yêu cầu giáo dục, giáo dưỡng và phát triển học sinh.