Qui mô giáo dục vùng 1 tiếp tục đổi mới và phát triển

Qui mô giáo dục vùng 1 tiếp tục đổi mới và phát triển

(GD&TĐ) - Hôm nay 3/12,  tại thành phố Hạ Long tỉnh Quảng Ninh đã khai mạc Hội nghị giao ban các Sở GD&ĐT vùng I lần thứ nhất năm học 2010 – 2011.

Hội nghị do Sở GD&ĐT Thái Nguyên – đơn vị trưởng vùng I - phối hợp với Sở GD&ĐT Quảng Ninh tổ chức, với thành phần tham gia là Giám đốc Sở, Chánh văn phòng, Chủ tịch CĐ GD, cán bộ phụ trách công tác thi đua của 15 Sở GD&ĐT miền núi phía Bắc thuộc vùng I, nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ đầu năm học 2010 – 2011, tìm hiểu và trao đổi kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ, chỉ ra và tìm hướng khắc phục các tồn tại hạn chế để đưa GD&ĐT trong vùng tiếp tục phát triển; đồng thời ký kết  giao ước thi đua thực hiện nhiệm vụ năm học của vùng. Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh, lãnh đạo CĐ GDVN; đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng, Văn phòng Bộ GD&ĐT...

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Những tín hiệu tích cực

Tiếp nối những thành quả đạt được từ năm học 2009 – 2010, bước vào năm học 2010 – 2011, GD&ĐT 15 tỉnh miền núi phía Bắc tiếp tục có những bước phát triển đáng khích lệ. Hệ thống trường, lớp và quy mô GD tiếp tục được duy trì, củng cố và phát triển từ mầm non (MN) đến các cơ sở GD chuyên nghiệp; cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập phổ thông và thường xuyên của nhân dân các DT trong vùng. Tổng số trường MN và phổ thông (PT) trong toàn vùng là 9.135 trường. Tổng số HS PT là 2.204.735 em. Nhìn chung tổng số HS, SV trong từng tỉnh và toàn vùng đã tăng hơn so với năm học trước.

Để chuẩn bị cho năm học mới, các Sở GD&ĐT đã phối hợp với các ngành, các cấp chính quyền địa phương, các lực lượng xã hội tăng cường CSVC, trang thiết bị dạy học. Số liệu tổng hợp từ 15 tỉnh trong vùng cho thấy đã có 7.808 phòng học được xây mới trong toàn vùng ngay trước thềm năm học này; chưa kể cùng thời điểm còn có 6.145 phòng học xuống cấp đã được sửa chữa, quang đó cơ bản đáp ứng nhu cầu về phòng, lớp học cho các địa phương. Nhìn chung, đến thời điểm này các tỉnh thuộc vùng I đã khắc phục được cơ bản tình trạng học ca 3 - một trong những vấn đề “nóng” của ngành GD các tỉnh miền núi phía Bắc trong suốt nhiều năm qua.

Bên cạnh đó, để tăng cường các nguồn lực xây dựng CSVC cho GD các Sở GD&ĐT được triển khai dự án THCS vùng khó khăn nhất đã đầu tư xây dựng phòng học, thí nghiệm, thư viện, phòng ở bán trú cho HS, giáo viên và các công trình phụ trợ khác. Hiện các Sở GD&ĐT vùng I đang tiếp tục thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp và nhà công vụ cho giáo viên giái đoạn 2008 – 2012; Chương trình mục tiêu quốc gia về GD&ĐT.

Các Sở GD&ĐT đã chỉ đạo tốt việc đầu tư để mua sắm bổ sung thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và học tập ngay từ đầu năm học: bổ sung TBDH, phòng máy tính, phòng thiết bị Hiclass, thiết bị phòng họp qua mạng, bộ thiết bị trình chiếu, bộ thiết bị cho phòng học bộ môn, bộ thiết bị thư viện, thiết bị cho trường MN. Đặc biệt tất cả các Sở GD&ĐT trong vùng đã thực hiện tốt việc cung ứng sách phát cho giáo viên, HS thuộc diện chính sách và HS thuộc xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, sách cho thư viện trường PT, sách đổi mới chương trình GD MN. Toàn bộ số sách, thiết bị đã được bàn giao và đưa vào khai thác, sử dụng phục vụ cho công tác quản lý, điều hành và dạy học tại các cơ sở GD ngay từ đầu năm học.

Cùng với cả nước, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực” cũng được 15 tỉnh miền núi phía Bắc triển khai rộng khắp trong các cơ sở GD, với sự tham gia của đông đảo các tổ chức, lực lượng xã hội và nhất là gia đình HS; với nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực và đi vào chiều; qua đó không chỉ đẩy mạnh công tác phát triển GD toàn diện cho HS mà còn góp phần hạn chế, đẩy lùi ảnh hưởng tiêu cực của các tệ nạn xã hội, đặc biệt là tình trạng “bạo lực học đường” và các trò chơi điện tử bạo lực.

Có thể nói chính việc triển khai mạnh và sâu rộng phong trào cũng là một trong những tác động tích cực hạn chế tình trạng HS bỏ học trong thời gian qua (tính đến thời điểm này của năm học, số HS bỏ học toàn vùng là 4.629 em, chiếm tỷ lệ 0,21%, trong khi cùng kỳ năm trước là 0,36%).  Việc tổ chức thực hiện 3 công khai (trong đó đặc biệt là công khai minh bạch các khoản thu, chi đầu năm và quản lý dạy thêm học thêm) về cơ bản đã được các đơn vị GD trong vùng triển khai tốt. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý GD ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu hiện nay.

Đánh giá chung cho thấy các tỉnh đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý GD, đổi mới phương pháp dạy học; bên cạnh việc nỗ lực tham mưu chính quyền ban hành hệ thống văn bản kịp thời và hữu hiệu thúc đẩy sự nghiệp GD&ĐT phát triển của năm học 2010 – 2011 và những năm tiếp theo. Bản thân các Sở GD&ĐT cũng chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời để hướng dẫn triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học phù hợp với đặc điểm từng địa phương và hữu hiệu thực hiện nhiệm vụ năm học phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, đặc biệt bám sát chủ đề “Năm học tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”.

Lãnh đạo các Sở GD&ĐT vùng 1 ký các kết thi đua
Lãnh đạo các Sở GD&ĐT vùng 1 ký kết giao ước thi đua

Nhìn thẳng vào bất cập, hạn chế để phát triển

Bên cạnh những tín hiệu tích cực mà GD&ĐT 15 tỉnh miền núi phía Bắc thuộc vùng I đạt được từ đầu năm học 2010 – 2011 đến nay, vẫn còn tồn tại một số hạn chế cơ bản kéo dài đã nhiều năm và là những nguyên nhân chính yếu kìm hãm sự phát triển của sự nghiệp GD&ĐT ở các tỉnh này. Đây chính là nội dung tập trung thảo luận của Hội nghị, với các vấn đề trọng tâm như: giải pháp chủ đề năm học; giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng dạy, học; tình hình thu chi đầu năm; giải quyết tình trạng HS bỏ học; HS đánh nhau; tình hình dạy thêm học thêm... Trong đó vấn đề đổi mới và nâng cao chất lượng GD vẫn là trọng tâm hàng đầu thu hút các ý kiến tham gia thảo luận.

Lãnh đạo các Sở GD&ĐT trong vùng thẳng thắn nhìn nhận chất lượng GD địa phương mình hàng năm đều có chuyển biến, nhưng còn rất chậm và chủ yếu mới chỉ là chuyển biến so với chính mình; trong khi nguy cơ tụt hậu so với mặt bằng chung cả nước vẫn luôn thường trực. Vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu xuất phát từ điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn ở các địa phương, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý GD, đổi mới phương pháp dạy học vẫn thiếu đồng bộ và chưa đồng đều giữa các cơ sở GD.

Hệ thống CSVC trường lớp được đầu tư mạnh mẽ nhưng thực tế cho thấy ở một số tỉnh, trên địa bàn vùng sâu, vùng xa vẫn chưa khắc phục được tình trạng thiếu phòng học (như ở Điện Biên hiện vẫn thiếu tới 268 phòng học, chủ yếu ở cấp THCS, tập trung ở 2 huyện Mường Nhé và Điện Biên Đông; Cao Bằng còn thiếu 384 phòng cho các trường MN; Hà Giang ở một số trường vùng cao vẫn phải bố trí dạy 2 ca do thiếu phòng...). Không phủ nhận thực tế số phòng học bộ môn, thư viện chuẩn, phòng thí nghiệm chuẩn... đã và đang tiếp tục được xây dựng nhưng số trường được xây dựng một cách đồng bộ các phòng học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa vẫn còn rất hạn chế.

CSVC, trang thiết bị cho GD đã tăng cường nhưng cũng chưa được đầy đủ và đồng bộ; nhất là với GD MN ở các xã vùng cao. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trong vùng còn thấp, đặc biệt chưa gắn kết được quá trình xây dựng trường chuẩn quốc gia với việc nâng cao chất lượng GD như chủ trương của Bộ GD&ĐT. Đội ngũ cán bộ, giáo viên cơ bản đủ về số lượng nhưng như lãnh đạo các Sở GD&ĐT Lào, Điện Biên, Quảng Ninh... đã thẳng thắn thừa nhận là “vẫn còn nhiều vấn đề về chất lượng” với một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới GD.

Liên quan đến vấn đề đội ngũ cán bộ, giáo viên, lãnh đạo Sở GD&ĐT Điện Biên cũng nêu những bức xúc trong vấn đề luân chuyên, điều động; nhất là đối với việc thực hiện cơ chế luân chuyển cho cán bộ, giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều bất cập chưa thể tháo gỡ. Lãnh đạo của một số Sở GD&ĐT, của một số Vụ, Cục chức năng của Bộ GD&ĐT cũng thẳng thắn phản ánh thực tế công tác quản lý GD ở hầu hết ngành GD các địa phương trong vùng vẫn còn nhiều bất cập, chưa theo kịp được quy mô và nhiều khâu chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới và phát triển. Nhân dịp này, lãnh đạo Vụ GDTX, Vụ GDDT, Vụ GDTH, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý GD, Thanh tra Bộ... đã trực tiếp trao đổi, giải đáp thắc mắc và kiến nghị của các Sở về tình lĩnh vực công tác mà đơn vị phụ trách...

Đánh giá cao những kết quả đạt được của các Sở GD&ĐT thuộc vùng I trong thời gian vừa qua, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiễn cũng lưu ý đối với số HS bỏ học theo báo cáo của các tỉnh mới chỉ cập nhật từ tháng 9 đến giờ, trong khi “điểm nóng” là số bỏ học sau hè thì chưa được tính đến, các Sở GD&ĐT phải lưu ý đến vấn đề này. Đối với việc luân chuyển giáo viên, Thứ trưởng đánh giá cao sáng kiến của một số địa phương và đề nghị sự chủ động từ cơ sở. Về cơ bản, ưu tiên hàng đầu vẫn là ổn định và nâng cao chất lượng đội ngũ. Hiện Bộ GD&ĐT đang xây dựng cơ chế cho cán bộ giáo viên các vùng khó khăn, Thứ trưởng đề nghị các Sở GD&ĐT củ động có những ý kiến đóng góp cho các dự thảo này để có hiệu quả cao nhất khi ban hành và triển khai.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng trực tiếp giải đáp phản ánh, kiến nghị, đề xuất của một số Sở GD&ĐT về các vấn đề như kinh phí đầu tư, huy động nguồn lực xã hội, vấn đề thu chi... đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của Sở GD&ĐT triển khai hướng dẫn cuả Bộ GD&ĐT tới từng cơ sở GD trực thuộc về quản lý thu chi hợp lý, hiệu quả và minh bạch.

Về việc đầu tư xây dựng các công trình phụ trợ trong trường học (vệ sinh, nước sạch, ánh sáng học đường), tình trạng HS đánh nhau, Thứ trưởng đề nghị các Sở GD&ĐT chủ động và trách nhiệm hơn trong việc giải quyết dứt điểm các tồn tại này, xây dựng được môi trường GD lành mạnh, trong sạch đúng tiêu chí của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực” mà toàn ngành đang triển khai. 

 Nhất Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ