Quảng Trị: Vượt khó để bảo đảm tốt nhất CTGDPT mới

GD&TĐ - Để đáp ứng các điều kiện cho CTGDPT mới đòi hỏi ngành GD-ĐT Quảng Trị có sự chủ động, nỗ lực vượt khó để đáp ứng tốt nhất yêu cầu. Trước thềm năm học mới và CTGDPT mới, sự chuẩn bị đã được ngành chủ động và coi như điều kiện tiên quyết để thành công. Bà Lê Thị Hương – Giám đốc Sở GD&ĐT đã trao đổi với Báo GD&TĐ xung quanh vấn đề trên. 

Bà Lê Thị Hương – Giám đốc Sở GD&ĐT
Bà Lê Thị Hương – Giám đốc Sở GD&ĐT

- Xin bà cho biết, công tác chuẩn bị thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) mới tại Quảng Trị đã được tiến hành ra sao?

- Ngành GD-ĐT đã tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành chỉ thị số 25-CT/TU ngày 10/6/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.

Tham mưu cho HĐND ban hành Đề án xóa phòng học tạm, phòng học mượn, phấn đấu bảo đảm đủ phòng học để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với học sinh tiểu học, nhất là học sinh lớp 1 sẽ tham gia thực hiện CTGDPT mới từ năm học 2020 - 2021.

Tham mưu với UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1434/QĐ-UBND ngày 11/6/2019 về việc Thành lập ban Chỉ đạo biên soạn nội dung giáo dục địa phương.

Ngành GD-ĐT đã triển khai nội dung chương trình GDPT tổng thể cho toàn bộ CBQL các cấp tại Hội nghị sơ kết học kỳ 1 năm học 2018 - 2019.

Sở GD&ĐT Quảng Trị đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện CTGDPT mới trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và CBQL cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến 2025; Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho Chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025.

Chỉ đạo các trường THPT, các phòng GD&ĐT tiếp tục quán triệt đội ngũ nghiên cứu thông tư 32/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 về việc Ban hành chương trình tổng thể của Bộ GD&ĐT; Công văn 344/BGDĐT-GDTrH ngày 24/1/2019 về việc hướng dẫn triển khai Chương trình GDPT của Bộ GD&ĐT

Tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên của từng đơn vị, môn học, lớp học, cấp học để xây dựng kế hoạch sắp xếp, bổ sung đội ngũ giáo viên.

Kiện toàn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cốt cán của các môn học ở các cấp học. Tổ chức quán triệt chương trình giáo dục bộ môn đến tận GV và giao nhiệm vụ nghiên cứu, phân tích chương trình, đề xuất cách tiếp cận chương trình mới. Xây dựng chương trình dạy học bộ môn. Nêu các khó khăn, đề xuất các giải pháp thực hiện chương trình mới.

- Vấn đề tuyển chọn, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng CTGDPT mới được xem như yếu tố quyết định thành công khi triển khai. Vậy ngành GD-ĐT đã có sự sẵn sàng ra sao?

- Chuẩn bị và triển khai thực hiện CTGDPT mới thì vấn đề đào tạo, bồi dưỡng giáo viên được ngành luôn quan tâm và coi đây là vấn đề quan trọng.

Sở GD&ĐT đã ký kết với các đơn vị truyền thông về công tác truyền thông và chuẩn bị hạ tầng cơ sở về công nghệ đón đầu cho tập huấn trực tuyến.

Hè 2019, Sở đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giáo viên, trong đó lồng ghép tích hợp các nội dung bồi dưỡng giữa bồi dưỡng thường xuyên và định hướng nội dung bồi dưỡng về đổi mới chương trình và sách giáo khoa mới.

Các cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch về thực hiện đổi mới CTGDPT, trong đó đã chú trọng công tác bổ sung, điều chuyển đội ngũ; đảm bảo có đủ giáo viên trực tiếp đứng lớp dạy các môn và hoạt động giáo dục nhất là các môn Tiếng Anh, Tin học... theo đúng CTGDPT mới được qui định tại Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT.

Chuẩn bị đội ngũ tham gia các lớp bồi dưỡng cốt cán cấp trung ương, cấp tỉnh tiến tới triển khai các lớp bồi dưỡng đại trà đến tận CBQL-GV các cơ sở giáo dục, trước hết ưu tiên bồi dưỡng giáo viên lớp 1.

Trong thời gian qua, Sở đã quan tâm chỉ đạo các cơ sở giáo dục chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng như: Phòng học, máy tính kết nối Internet… để tiến tới tổ chức tập huấn qua hệ thống “Trường học kết nối”.

- Quảng Trị là địa phương còn nhiều khó khăn, và ngành giáo dục cũng không nằm ngoài khó khăn đó. Vậy trong quá trình chuẩn bị cho CTGDPT mới, ngành GD-ĐT đã gặp những thuận lợi, thách thức gì?

- Có thể nói, quá trình chuẩn bị của ngành GD-ĐT cho CTGDPT mới có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, khó khăn cũng không hề ít.

Bộ GD&ĐT đã có kế hoạch số 263/KH-BGDĐT, kế hoạch số 791/KH-BGDĐT về Kế hoạch chi tiết các hoạt động bồi dưỡng giáo viên và CBQLGD để thực hiện

CTGDPT mới; Tuy nhiên đến nay một số lớp tập huấn theo kế hoạch chưa triển khai đúng lộ trình, kế hoạch đề ra.

Việc xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung biên soạn tài liệu giáo dục địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vì đây là một lĩnh vực mới.

CTGDPT mới được triển khai trong thời gian tới với định hướng và yêu cầu chuyển từ trang bị nội dung kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực người học bằng việc dạy học tích hợp và lồng ghép, dạy học phân hóa, trải nghiệm…sẽ là những thách thức đối với giáo viên.

Vẫn còn tình trạng mất cân đối, không đồng bộ trong cơ cấu đội ngũ ở các địa bàn khác nhau (thừa giáo viên ở các trung tâm, thành phố, thị xã, thị trấn nhưng lại thiếu giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn), theo môn học (thừa giáo viên dạy văn hoá, thiếu giáo viên dạy các môn đặc thù, tự chọn) và theo ngành nghề đào tạo.

Mặc dù, cơ bản đội ngũ GV đạt chuẩn về trình độ đào tạo, nhưng năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của nhiều nhà giáo còn hạn chế, chưa thực sự đổi mới phương pháp giảng dạy, đặc biệt là nhà giáo công tác ở miền núi, ít có điều kiện nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức.

Việc đầu tư các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác bồi dưỡng ở các địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu đề ra do Quảng Trị là tỉnh nghèo, điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn.

- Với những khó khăn từ thực tế như vậy, ngành đã có biện pháp tháo gỡ ra sao để đạt được hiệu quả mong muốn?

- Sở sớm tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản kịp thời chỉ đạo các cấp ủy chính quyền, huy động các lực lượng trong hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân vào cuộc cùng với ngành Giáo dục để thực hiện nhiệm vụ dổi mới CTGDPT.

Mặt khác, Sở đã tổ chức các lớp hội nghị, hội thảo nhằm quán triệt sâu rộng các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Bộ GD&ĐT về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đồng thời, Sở đã chỉ đạo các Phòng GD&ĐT chủ động tham mưu với UBND cấp huyện tiến hành rà soát quy mô, mạng lưới trường lớp, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên từng môn học, lớp học để kịp thời có phương án điều chuyển, bổ sung đội ngũ phù hợp với thực tế của từng đơn vị trường học. Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ, lựa chọn CBQL, GV để sẵn sàng tham gia các lớp tập huấn theo đúng thành phần, số lượng của Bộ và Sở yêu cầu;

Chỉ đạo, kiểm tra các trường tích cực triển khai phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực... Mặt khác, tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ CBQL, GV về đổi mới kiểm tra đánh giá; tăng cường công tác định hướng, hướng dẫn HS nghiên cứu khoa học nhằm phát huy năng lực sáng tạo của HS và GV...

- Xin cảm ơn bà!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.