Quảng Trị: Phát triển dược liệu thành cây trồng chủ lực

GD&TĐ - Tỉnh Quảng Trị xem cây dược liệu là một trong 6 loại cây trồng chủ lực của địa phương. Đến nay, đã có hơn 34 sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ dược liệu đã được công nhận.

Các sản phẩm nông nghiệp của Quảng Trị đã có thương hiệu và được thị trường đón nhận.
Các sản phẩm nông nghiệp của Quảng Trị đã có thương hiệu và được thị trường đón nhận.

Mở rộng diện tích trồng dược liệu tới 4.500ha

Ngày 21/6, tại thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị) diễn ra Hội thảo “Công bố đề án khuyến khích phát triển dược liệu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và xúc tiến đầu tư vào sản xuất, chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh”.

Đề án khuyến khích phát triển dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026, được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 4/2022. Đề án được xây dựng dựa trên nhu cầu, tiềm năng phát triển của tỉnh Quảng Trị. Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 52 tỷ đồng.

Quảng Trị chú trọng phát triển dược liệu thành cây trồng chủ lực.
Quảng Trị chú trọng phát triển dược liệu thành cây trồng chủ lực.

Đề án có mục tiêu phát triển cây dược liệu phù hợp với từng vùng sinh thái, trên cơ sở sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng về điều kiện tự nhiên, xã hội gắn với quản lý, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu trồng và tự nhiên, gắn với cơ sở chế biến và phát triển sản phẩm OCOP... Qua đó, Quảng Trị phấn đấu đến năm 2026, đưa diện tích cây dược liệu trên địa bàn đạt 4.500ha, trồng mới ít nhất 1.000ha. 

Bên cạnh đó, có thêm 15 - 20 sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ cây dược liệu. Trong đó, có ít nhất một sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 5 sao...

Theo Tiến sĩ Vũ Văn Hưng - Phó Trưởng Ban quản lý các dự án lâm nghiệp (MBFP), Giám đốc Ban quản lý dự án VFBC Trung ương, dự án khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp thân thiện với bảo tồn nhằm thúc đẩy, phát triển các chuỗi giá trị dựa vào thị trường như dược liệu, cà phê, trẩu, keo... Từ đó, tạo cơ hội nâng cao thu nhập bền vững cho cộng đồng tại các cảnh quan vùng dự án. Điều này có ý nghĩa trong tiến trình thực hiện Chiến lược Phát triển ngành Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Huyện Cam Lộ hiện là địa phương hình thành vùng chuyên canh cây dược liệu lớn nhất tỉnh Quảng Trị, với gần 100ha cây dược liệu các loại. 

Trong đó, 70ha cây chè vằng, 15ha cà gai leo, 3,5ha cây an xoa, một ha cây ba kích tím, còn lại là cây đinh lăng, hà thủ ô, sâm bố chính… Tất cả cây dược liệu đều trồng theo hướng hữu cơ, không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Địa phương hướng đến trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh Quảng Trị.

Đặc biệt, trong năm 2021, huyện Cam Lộ xuất khẩu thành công 2 tấn cao an xoa sang thị trường Mỹ. Sản phẩm này trải qua quá trình kiểm nghiệm khắt khe và đáp ứng nhiều tiêu chí.

Từ nay đến 2025, huyện Cam Lộ quy hoạch vùng chuyên canh cây dược liệu diện tích 500ha, gồm: 100ha chè vằng, 200ha cây an xoa, 50ha cà gai leo, 100ha cây tràm năm gân và 50ha cây dược liệu các loại khác.

Cây dược liệu là một trong 6 cây trồng chủ lực

Quảng Trị là địa phương thuần nông, với gần 70% dân số sống bằng nông nghiệp. Nghị quyết đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ 17 xác định nông nghiệp là một trong 3 trụ cột, bệ đỡ của nền kinh tế địa phương. 

Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, địa phương đã xây dựng nhiều sản phẩm có thương hiệu.
Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, địa phương đã xây dựng nhiều sản phẩm có thương hiệu.

Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Để tạo sản phẩm có quy mô lớn, nhằm nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, hiện nhiều sản phẩm của địa phương đã có thương hiệu, giá trị cao và có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước. Cụ thể, các sản phẩm tiêu biểu: gạo hữu cơ Quảng Trị, cà phê Arabica Khe Sanh, hồ tiêu Quảng Trị, các sản phẩm OCOP từ dược liệu...

Theo ông Hà Sỹ Đồng, với tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương, cây dược liệu được xác định là một trong 6 cây trồng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh. Địa phương đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển, bước đầu hình thành nhiều mô hình trồng, sản xuất và chế biến dược liệu thành công. Đến nay, có hơn 34 sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ dược liệu được công nhận và thị trường đón nhận. 

“Quan điểm của tỉnh là phát triển dược liệu phải gắn với khai thác hợp lý và bền vững nguồn dược liệu tự nhiên, quý hiếm, nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và cảnh quan rừng. Quảng Trị đang chuyển hướng từ “sản xuất dược liệu” sang “kinh tế thảo dược” dựa trên lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, thị trường, giá trị gia tăng và nâng cao hiệu quả, hợp tác kinh tế” - ông Hà Sỹ Đồng nói.

Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học.
Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học.

Tại hội thảo, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị đã trao quyết định chấp nhận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho 2 doanh nghiệp sản xuất dược liệu. Đồng thời, tổ chức ký kết 10 biên bản ghi nhớ giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ hợp tác về hỗ trợ kỹ thuật, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu tại Quảng Trị.

Dịp này, lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do USAID tài trợ với 7 công ty và hợp tác xã trong ngành hàng dược liệu, trẩu, cà phê và keo cũng đã được tổ chức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.