Quảng Trị phấn đấu 70% cư dân đạt 'Công dân học tập' có kỹ năng số đến 2025

GD&TĐ - Hình thành phong trào tự học thông qua mô hình 'Công dân học tập' để mọi công dân trong xã hội được tham gia học thường xuyên, học suốt đời.

Hội khuyến học Quảng Trị tập huấn, triển khai các văn bản về xây dựng mô hình 'Công dân học tập'.
Hội khuyến học Quảng Trị tập huấn, triển khai các văn bản về xây dựng mô hình 'Công dân học tập'.

Tỉnh Quảng Trị đã ban hành kế hoạch xây dựng mô hình "Công dân học tập" giai đoạn 2021-2030 theo quyết định 667/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng mô hình "Công dân học tập" tại địa phương.

Mục tiêu nhằm thúc đẩy việc học tập suốt đời để mọi công dân phát triển toàn diện và phát huy tốt tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, sống tốt và làm việc hiệu quả trên cơ sở hình thành mô hình "Công dân học tập".

Việc xây dựng mô hình nhằm khuyến khích, tạo cơ hội công bằng, điều kiện thuận lợi cho mọi cá nhân trong tổ chức, đơn vị, gia đình, mọi công dân trong xã hội được tham gia học tập, hướng đến công dân số, đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số quốc gia và góp phần xây dựng thành công xã hội học tập.

Theo đó, việc xây dựng mô hình "Công dân học tập" chia làm 2 giai đoạn.

Đến năm 2025, Quảng Trị phấn đấu 100% cán bộ, hội viên Hội khuyến học từ cấp tỉnh đến cơ sở được học tập quán triệt các tiêu chí xây dựng mô hình "Công dân học tập"; 40% người lớn trong gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, 60% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị học tập cấp xã, huyện, tỉnh đạt danh hiệu "Công dân học tập".

Phấn đấu 70% những người đạt danh hiệu "Công dân học tập" đều phải có những kỹ năng số và đáp ứng yêu cầu công việc theo quy định của Chương trình chuyển đổi số quốc gia; trong đó 60% thành thạo kỹ năng để tự cập nhật thông tin và tiêu chí đánh giá "Công dân học tập" trên môi trường số hóa.

Đến 2030, phấn đấu có 60% người lớn trong gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, 80% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị học tập cấp xã, huyện, tỉnh đạt danh hiệu "Công dân học tập".

Phấn đấu 90% những người đạt danh hiệu "Công dân học tập" đều phải có những kỹ năng số và đáp ứng yêu cầu công việc theo quy định của Chương trình chuyển đổi số quốc gia; trong đó 80% thành thạo kỹ năng.

Bà Dương Thị Hải Yến - Chủ tịch Hội Khuyến học Quảng Trị cho biết, Hội khuyến học tỉnh Quảng Trị tiếp tục chỉ đạo Hội khuyến học các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt mô hình "Công dân học tập" theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của UBND tỉnh.

Tập huấn triển khai phần mềm đánh giá 'Công dân học tập'

Chiều 17/2, Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị tập huấn triển khai các quyết định và bộ công cụ phần mềm đánh giá, công nhận danh hiệu "Công dân học tập" cho cán bộ khuyến học các địa phương.

Tại hội nghị, Hội Khuyến học tỉnh đã phổ biến một số văn bản liên quan đến công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của Trung ương, tỉnh… Đồng thời, giải đáp một số vấn đề vướng mắc của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định 387/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021 - 2030”; Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 3/6/2022 phê duyệt Chương trình “Xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021 - 2030” như: phụ cấp cho cán bộ khuyến học cấp xã; sử dụng bộ tiêu chí về mô hình “Công dân học tập” của trung ương, tỉnh…

Tại hội nghị, Hội Khuyến học tỉnh cũng đã tiến hành hướng dẫn sử dụng bộ công cụ phần mềm đánh giá, công nhận danh hiệu “Công dân học tập” giai đoạn 2021-2030.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ