Dựng lán giữa đồi…
Đó là câu chuyện của em Hồ Thị Tăm - học sinh lớp 12B6 và em Hồ Thị Sương – đang học lớp 12B2 trường THPT Đakrông tỉnh Quảng Trị khi phải dựng lán giữa đồi nơi có nhiều sóng điện thoại để tham gia học tập với các bạn cùng lớp. Mong ước của hai em sẽ không bỏ buổi học nào để theo kịp chương trình và việc cũng cố kiến thức cho kỳ thi cuối cấp sắp tới của mình.
Em Hồ Thị Tăm sống trong gia đình gồm có 4 anh chị em, em là con thứ 2, gia đình thuộc diện hộ nghèo, hàng ngày em đi học bằng xe đạp, phải qua sông, tiền đò một năm 300 ngàn đồng. Trong quá trình học tập, em Tăm rất có ý thức đi học đầy đủ, tích cực, tham gia năng nổ các hoạt động của Đoàn.
"Để giúp các em học sinh khó khăn có thêm điều kiện để tham gia học qua internet và truyền hình trong thời gian nghỉ học kéo dài nhà trường tổ chức quyên góp để tặng sim 4G, điện thoại cho những học sinh có hoàn hoàn cảnh khó khăn"...
Thầy giáo Lê Chí Thông, Hiệu trưởng trường THPT Đakrông
Đối với em Hồ Thị Sương gia đình cũng thuộc diện hộ nghèo, bố mất sớm, gia đình có 10 anh chị em, Sương là con thứ 3. Trong những năm qua, ngoài việc chăm chú học tập để từ một học sinh có lực học trung bình em vươn lên trở thành một học sinh khá, đồng thời em Sương rất hoà đồng và thường xuyên tham gia các hoạt động của Đoàn thể nhà trường.
Đến thăm hai em học trong một buổi sáng giao mùa khá lạnh tại thôn Khe Ngài - xã Đakrông - huyện Đakrông - tỉnh Quảng Trị, chúng tôi thật sự cảm động khi thấy giữa đồi cao là một lán nhỏ lợp bằng tấm bạt xanh được chống tạm bằng các cột tre và cây rừng, xung quanh không có vật dụng gì để che chắn gió cả. Thời tiết vùng cao và đang chuyển mùa, những cơn gió lạnh cứ thế lùa vào nhưng hai em vẫn chăm chú lắng nghe bài giảng của thầy cô qua chiếc điện thoại khá cũ.
Học sinh Hồ Thị Tăm chia sẻ: Do nhà chúng em ở dưới vùng thấp, bốn bề đều là đồi cho nên không bắt được song điện thoại, còn nhà bạn Sương thì song điện thoại yếu quá nên chúng em lên vị trí này để tham gia học trực tuyến. Những ngày đầu mới học qua mạng, chúng em thường rủ nhau lên đồi trước nhà tìm chỗ có song thoại mạnh để cùng các bạn học tập trực tuyến theo lịch của nhà trường
Thấy hai cháu vất vả giữa đồi, hai gia đình đã bàn dựng cho hai em một cái lều tạm bằng việc đi mua một tấm bạt, chặt mấy cây tràm trong nhà trồng để dựng cho hai cháu cái lều che mưa che nắng. Mùa này, ở nơi đây thời tiết thất thường, có lúc mưa, lúc nắng và gió Lào nóng hầm hập khó chịu lắm, hai đứa phơi cái đầu ra thế kiểu gì cũng đau…
Vượt khó trong mùa dịch Covid
Thầy giáo Lê Chí Thông, Hiệu trưởng trường THPT Đakrông (Đakrông – Quảng Trị) chia sẻ, đối với học sinh khối 12 của nhà trường, trong số 225 học sinh có đến 65% có điện thoại smartphone nhưng chỉ có 52% số học sinh kết nối mạng internet. Trên cơ sở kết quả điều tra khảo sát, nhà trường đã liên hệ với chính quyền địa phương, cha mẹ học sinh để tuyên truyền vận động hỗ trợ thiết bị cho các em có điều kiện tốt nhất để học tập.
Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế gia đình các em còn nhiều khó khăn nên số lượng học sinh có thêm thiết bị kết nối được internet còn hạn chế. Bên cạnh đó, địa hình cách trở, nên nhiều học sinh có điện thoại smartphone nhưng không kết nối được mạng 4G. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch tổ chức dạy học qua internet của nhà trường… và hai học sinh Sương, Tăm chính là điển hình của việc vượt khó để tham gia học tập cùng nhà trường.
Trở lại câu chuyện của hai em học sinh, để có tiền mua được sim 3G, 4G, hai em học sinh đã lặn lội đi làm ở rẫy để kiếm tiền mua card điện thoại phục vụ cho việc học trực tuyến của mình. Buổi đầu tiên, cả hai học sinh đã không theo học được làm thầy cô lo lắng phải điện về nhắc nhở. Em xin lỗi thầy cô buổi đó… tụi em đi làm thuê kiếm tiền đó ạ… em Hồ Thị Sương tâm sự.
Mặc dù ở vùng khó khăn, điều kiện về sóng điện thoại, điện thoại khó khăn nhưng năm nay là năm cuối cấp nên các em cảm thấy rất lo lắng vì chỉ còn vài tháng nữa là thi THPT Quốc gia. Cũng may, thầy cô ở trường dạy học qua internet rất nhiệt tình và luôn động viên, hướng dẫn làm bài tập cụ thể nên chúng em cũng thấy yên tâm hơn. Chúng em muốn nhanh hết dịch để lại được đến trường học cùng thầy cô và các bạn, năm nay em quyết tâm thi đỗ tốt nghiệp để đi làm kiếm sống phụ giúp cho gia đình mình.
Chia tay các em, chúng tôi lưu mãi khung cảnh, hình ảnh đẹp về hai cô học trò nhỏ nhắn ngồi học bài qua điện thoại dưới lán nhỏ giữa những quả đồi miền sơn cước. Khâm phục cho ý chí học tập của các em và thầm cảm ơn hai em đã truyền lửa cho chúng tôi – những giáo viên vùng cao có thêm sức mạnh để vượt qua khó khăn trước mắt, ấm thêm từng bài dạy…