Quảng Trị: Nghịch lý thừa, thiếu phòng học

Quảng Trị: Nghịch lý thừa, thiếu phòng học

(GD&TĐ) - Thiếu khảo sát thực tế và nhu cầu sử dụng, thiếu cả sự phối hợp giữa chính quyền, ngành chức năng và nhà đầu tư… đã dẫn đến có những ngôi trường được đầu tư xây dựng khang trang rồi bỏ hoang suốt hơn 5 năm như trường Tiểu học A Dơi (Hướng Hóa, Quảng Trị) nhưng cũng có những trường lại thiếu nghiêm trọng phòng học và hoàn toàn không có phòng chức năng, thậm chí học sinh có nguy cơ học ca 3 như trường Tiểu học thị trấn Cửa Việt (Gio Linh, Quảng Trị).  

Trường xây xong rồi... để đó

Được khởi công xây dựng từ năm 2005 đến năm 2007 thì hoàn thành, trường Tiểu học A Dơi, cụm bản lẻ Phong Hải có quy mô gồm 2 phòng học, một phòng hiệu bộ, hệ thống sân chơi và tường rào cổng ngõ với số vốn đầu tư là trên 750 triệu đồng vào thời điểm đó. Được biết, cơ sở lẻ tại thôn Phong do Chi cục Di dân phát triển nông thôn Quảng Trị nay là Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Trị làm chủ đầu tư. Theo đó, với dự án Di dân, tái định cư A Dơi, ngoài việc xây dựng cơ sở hạ tầng, giao đất cho dân trồng sắn và cao su, chi cục còn đầu tư xây dựng thêm một điểm trường lẻ tại thôn Phong Hải để phục vụ việc học tập của con em 54 hộ dân tái định cư. 

Điểm lẻ trường Tiểu học A Dơi bị bỏ hoang suốt năm qua, kể từ ngày công trình được hoàn thành
Điểm lẻ trường Tiểu học A Dơi bị bỏ hoang suốt năm qua, kể từ ngày công trình được hoàn thành

Sau khi hoàn thành khâu xây dựng, cơ sở lẻ này đã được phía đầu tư ban giao cho trường Tiểu học A Dơi. Hệ thống cây xanh cũng đã được trồng lên. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm nhận bàn giao, khuôn viên điểm lẻ trường Tiểu học A Dơi tại thôn Phong Hải đầy cỏ dại mọc ngút ngàn. Cơ sở vật chất bị xuống cấp nghiêm trọng: hệ thống điện, nước hoàn toàn không sử dụng được, cánh cổng trường đã bị hoen rỉ, một số cửa ra vào, cửa sổ đã bị tháo, tường rào, gạch lát nền bị bong tróc… Nguyên nhân của tình trạng trường học hoàn toàn bị bỏ hoang suốt hơn 5 năm qua, theo như giải thích của ông Trần Văn Duy, cán bộ văn phòng UBND xã A Dơi là do không có học sinh nên nhà trường không tổ chức dạy học. Cụ thể, với 54 hộ dân được tái định cư, họ chỉ lên đây làm rẫy chứ không mấy ai đưa con em của lên ở cùng. Thực tế là con cái của họ được gửi lại ở quê cũ (huyện Hải Lăng và Triệu Phong) vì điều kiện học hành tốt hơn. Ngoài ra, từ điểm trường chính vào đến điểm lẻ cũng phải mất 5 - 6km, đường sá lại không được tốt, lầy lội về mùa mưa, bụi mù về mùa hè nên cũng không thể để HS vào học ở đây được. 

Trong khi chỉ cách đó khoảng 3km, trường phổ thông cơ sở A Dơi, bao gồm cả HS bậc Tiểu học và THCS phải học trong ngôi trường được xây dựng khá lâu và bắt đầu xuống cấp và vẫn đang thiếu phòng học.

Nguy cơ HS học ba ca...

Ngược lại với cảnh hoang phế của điểm lẻ trường Tiểu học A Dơi, mấy năm gần đây, trường Tiểu học thị trấn Cửa Việt luôn trong tình trạng thiếu cả phòng học lẫn phòng chức năng, rất khó cho việc nâng cao chất lượng dạy - học. 

Không thể triển khai dạy – học 2 buổi/ngày, HS thí điểm chương trình Vnen của trường Tiểu học thị trấn Cửa Việt phải photo sách về nhà học cho kịp chương trình
Không thể triển khai dạy – học 2 buổi/ngày, HS thí điểm chương trình Vnen của trường Tiểu học thị trấn Cửa Việt phải photo sách về nhà học cho kịp chương trình 

Được đầu tư xây dựng mới năm 2006 bởi một tổ chức nước ngoài tài trợ với quy mô 10 phòng học, đến năm 2008, trường Tiểu học thị trấn Cửa Việt được công nhận trường chuẩn quốc gia cấp độ 1. Trao đổi với PV, cô Trần Thị Hằng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Dù rất muốn phấn đấu để trở thành trường chuẩn quốc gia mức độ 2 nhưng với tình trạng sĩ số học sinh cứ “nở” ra hàng năm như thế này, phòng học lại thiếu trầm trọng, thì mục tiêu của nhà trường khó lòng mà đạt được”. Năm học này, nhà trường có 444 HS với 15 lớp, thế nhưng chỉ có 20% HS được học 2 buổi/ ngày, số còn lại phải học 1 buổi. Đây cũng là năm học đầu tiên, trường Tiểu học thị trấn Cửa Việt triển khai dạy chương trình tiếng Anh tiểu học cho HS lớp 3. Theo như cô Hằng, quyết định triển khai dạy tiếng Anh, nhà trường cũng “đau đầu” vì năm tới, sẽ không biết lấy đâu ra phòng học khi số lớp sẽ đôn lên, nhưng nếu không triển khai dạy, thì học sinh sẽ rất thiệt thòi. Hiện trường cũng đang dạy thí điểm theo chương trình Vnen cho khối lớp 1 và lớp 2. Thế nhưng, số HS này vẫn phải học 1 buổi/ngày và xếp lịch học cả vào ngày thứ bảy. 

Thiếu phòng học, trường Tiểu học thị trấn Cửa Việt cũng thiếu luôn cả phòng chức năng, phòng bộ môn. Cô Hằng kể chuyện thật mà như đùa: “Trường không có phòng máy tính nhưng năm ngoái, HS của nhà trường thi giải toán qua mạng cấp tiểu học được giải Nhì. Để có kết quả đó, có thầy cô giáo đưa HS về nhà, thậm chí là ra tiệm net thuê máy để hướng dẫn cho HS. Có GV, nhà ở tận Đông Hà, cách trường ngót 15km, đã đưa luôn HS về nhà ăn ở cho tiện việc bồi dưỡng thêm cho các em”. Theo như tính toán của cô Hằng, nhà trường cần thêm khoảng 10 phòng học nữa nhưng hiện đang rất khó khăn về kinh phí. Nếu không, với việc tăng sĩ số qua từng năm học như hiện nay, nếu không xây mới thêm phòng học, thì nhà trường sẽ không thể tổ chức cho HS học 2 buổi/ngày, cho dù là chỉ đáp ứng được 20% sĩ số HS như hiện nay. Thậm chí, khi số HS học chương trình tiếng Anh và Vnen cứ tiếp nối, trường sẽ phải tổ chức học ca 3 mới có thể giải quyết bài toán phòng học được. 

Cũng ở huyện Gio Linh, nhưng trường THCS Linh Thượng (xã Linh Thượng) lại ở trong tình trạng thừa phòng học, thừa luôn cả GV vì ở địa bàn này quá ít HS. Cho dù có cả bậc tiểu học và THCS, nhưng tổng số HS toàn trường chỉ có 189 em, trong đó, khối 6 và 7, sĩ số HS/lớp chỉ trên dưới 10 HS; nhiều lớp học chỉ có tầm khoảng từ 5 đến 7 HS. Một GV cho biết: “Cho dù biết sĩ số ít thì GV rất thuận lợi trong việc dạy theo hướng cá thể hóa, việc bám sát HS cũng thuận lợi hơn. Thế nhưng, thực tình là số lượng HS/lớp quá ít cũng rất dễ tạo cho HS cảm giác tẻ nhạt”. 

Hà Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.