Quảng Trị: Báo động tình trạng đuối nước gia tăng ở tuổi học đường

GD&TĐ - Thời gian gần đây, tại Quảng Trị liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm, cướp đi sinh mạng của nhiều người, trong đó nạn nhân tập trung ở lứa tuổi học sinh khiến dư luận lo lắng.

Các phụ huynh cần quan tâm, cho con em tham gia các lớp học bơi trong dịp nghỉ hè để được rèn luyện, hướng dẫn các kỹ năng bảo vệ bản thân trong môi trường nước.
Các phụ huynh cần quan tâm, cho con em tham gia các lớp học bơi trong dịp nghỉ hè để được rèn luyện, hướng dẫn các kỹ năng bảo vệ bản thân trong môi trường nước.

Thực trạng báo động này gióng lên hồi chuông cần tăng cường các biện pháp phòng chống đuối nước, dạy kỹ năng mềm cho trẻ.

Chưa hè đã liên tiếp xảy ra những vụ đuối nước thương tâm

Quảng Trị là một địa phương có hệ thống sông ngòi khá dày đặc, địa hình ngắn và dốc. Toàn tỉnh hiện có 12 con sông lớn nhỏ, nhiều ao, hồ, có bờ biển dài gần 75km. Đây chính là một trong những yếu tố dễ gây ra tai nạn đuối nước cho trẻ em, học sinh.

Theo thống kê của của ngành chức năng tại Quảng Trị, mỗi năm tai nạn thương tích đuối nước đã cướp đi sinh mạng của hơn 20 trẻ em, học sinh ở địa phương. Trong đó, năm 2022, chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều trường hợp tử vong do đuối nước, trong đó có 6 em học sinh. Con số này có chiều hướng tăng, bởi Quảng Trị đang nước vào thời điểm nắng nóng kéo dài và học sinh bắt đầu kỳ nghỉ hè.

Vụ đuối nước mới nhất xảy ra vào ngày 31/5, trước thềm ngày Quốc tế thiếu nhi khiến 2 học sinh lớp 6 và lớp 7 ở huyện Cam Lộ tử vong.

Cụ thể, vào sáng 31/5, một nhóm 4 học sinh ở xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ rủ nhau đến khu vực hồ Tân Kim ở trên địa bàn xã để tắm. Hậu quả, 2 em H.H.D. (SN 2009, học sinh lớp 7 của Trường THCS Trần Hưng Đạo) và D.C.V. (SN 2010, học sinh lớp 6 của Trường TH&THCS Cam Tuyền) bị trượt chân xuống khu vực nước sâu dẫn đến đuối nước. Khi được tìm thấy thì 2 em đã không qua khỏi.

Lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm thi thể một nam sinh bị đuối nước ở Đập Động Lòi (xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ) trong đêm 23/4.

Lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm thi thể một nam sinh bị đuối nước ở Đập Động Lòi (xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ) trong đêm 23/4.

Cách vụ đuối nước kể trên chỉ 1 tuần, tại khu vực bãi biển xã Trung Giang (huyện Gio Linh) cũng xảy ra một vụ đuối nước khiến 1 nam học sinh thiệt mạng. Đó là, em M.T.B. (SN 2008, học sinh lớp 8 của Trường TH & THCS Trung Giang). Theo đó, vào khoảng 17h ngày 24/5, B. cùng với 2 nam sinh đến tắm biển tại thôn Cang Gián, xã Trung Giang thì không may bị nước cuốn trôi ra xa. Cả 2 người bạn của B. sau đó may mắn được ngư dân địa phương phát hiện, ứng cứu kịp thời nên đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Riêng em B. bị nước cuốn trôi quá xa, khi đưa được vào bờ thì đã tử vong.

Cũng trước đó, vào 2 ngày 23 và 26/4, trên địa bàn tỉnh Quảng cũng đã xảy ra 2 vụ đuối nước cướp đi sinh mạng 3 em học sinh.

Chiều 23/4, em T.V.T. (SN 2009, học sinh lớp 7, trú thôn Tân Xuân, xã Gio Việt, huyện Gio Linh) cùng nhóm bạn ở xã Cam Chính và Cam Nghĩa (huyện Cam Lộ) đến tắm tại Đập Động Lòi (xã Cam Nghĩa) thì không may em T. bị đuối nước. Sau nhiều giờ đồng hồ nỗ lực tìm kiếm, đến 20h40 cùng ngày, lực lượng chức năng mới tìm thấy thi thể em T. và bàn giao cho gia đình.

Tiếp đến, vào chiều 26/4, một nhóm học sinh đến chân cầu bắc qua kênh thủy lợi tại phường 1 (thị xã Quảng Trị) chơi, không may bị rơi xuống kênh. Một nữ sinh được kéo lên bờ kịp thời, còn 2 nữ sinh cùng học lớp 8 gồm N.T.T.V. (SN 2008, trú tại xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong) và H.T.K.T. (SN 2008, trú tại xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng) mất tích dưới kênh thủy lợi. Sau đó, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể V. và T. cách địa điểm gặp nạn khoảng 400m.

Qua những vụ việc đau lòng trên, có thể thấy một trong những nguyên nhân chính là do các em không biết bơi và thiếu kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước, kỹ năng sơ cấp cứu, xử lý tình huống khi bị đuối nước. Cùng với đó là sự bất cẩn của các bậc phụ huynh trong việc quản lý, giám sát con em mình.

Cần đưa môn bơi vào trong trường học

Dự báo tình trạng đuối nước ở trẻ em và học sinh có nguy cơ gia tăng trong dịp hè này, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành kế hoạch triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em trên địa bàn, giai đoạn 2022-2030 với nhiều nhiệm vụ và giải pháp được giao cho ngành giáo dục và các ban ngành, đơn vị, cùng các huyện, thị, thành trên địa bàn tổ chức thực hiện. 

Tất cả nhằm mục tiêu 100% các huyện, thị, thành trong tỉnh triển khai mô hình trẻ em toàn xã, phường, thị trấn biết bơi, học sinh toàn trường biết bơi; phấn đấu từ 70% trở lên trẻ em 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước vào năm 2025 và từ 80% trở lên vào năm 2030; từ 60% trở lên trẻ em 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn vào năm 2025 và từ 70% trở lên vào năm 2030; giảm 10% số trẻ em bị tử vong do đuối nước vào năm 2025 và 20% vào năm 2030 so với năm 2020.

Mô hình dạy bơi tại Trường Tiểu học Hàm Nghi (thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) giúp nhiều học sinh rèn luyện kỹ năng bơi lội, cũng như kỹ năng phòng tránh đuối nước hiệu quả.
Mô hình dạy bơi tại Trường Tiểu học Hàm Nghi (thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) giúp nhiều học sinh rèn luyện kỹ năng bơi lội, cũng như kỹ năng phòng tránh đuối nước hiệu quả. 

Theo bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị, trong nhiều năm qua, công tác phòng, chống tai nạn thương tích đuối nước cho trẻ em và học sinh luôn được các cấp, ngành ở địa phương quan tâm, bằng nhiều giải pháp triển khai đồng bộ.

Toàn tỉnh hiện có 20 bể bơi trong trường học và một số trường đã tổ chức dạy bơi cũng như hướng dẫn các kỹ năng phòng tránh đuối cho học sinh. Ngoài ra, cũng có những giáo viên, tổ chức ở trên địa bàn đã rất nỗ lực khi ngăn kênh mương, ao hồ, sông suối để dạy bơi cho trẻ em, học sinh. Tuy nhiên phạm vi thực hiện còn nhỏ hẹp nên hiệu quả vẫn chưa cao, nhiều vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em, học sinh vẫn liên tục xảy ra. Thực trạng đau lòng này khiến ngành giáo dục rất trăn trở.

Để hạn chế tối đa những vụ tai nạn đuối nước ở lứa tuổi học đường, vào giữa tháng 5 vừa qua, Sở đã cử các cán bộ, giáo viên cốt cán tham gia lớp tập huấn kỹ năng phòng tránh đuối nước do Bộ GD&ĐT phối hợp với Tổ chức Vận động chính sách Y tế toàn cầu Hoa Kỳ tổ chức tại địa phương. Từ đó, trước khi kết thúc năm học 2021-2022, các trường đã tổ chức buổi ngoại khóa, hướng dẫn các em học sinh về phòng, tránh đuối nước.

Đồng thời, có công văn chỉ đạo hướng dẫn công tác quản lý học sinh trong dịp hè. Trong đó có các giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức đến phụ huynh và học sinh về việc chăm sóc, giám sát con em và rèn luyện kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước cho học sinh.

Ngoài ra, ngành giáo dục cũng đang phối hợp với các đơn vị tìm kiếm, huy động các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng các bể bơi trong trường học.

“Giải pháp trước mắt là tăng cường tuyên truyền, vận động các em đăng ký tham gia các hoạt động bơi lội; bên cạnh đó phải tránh xa những khu vực ao hồ, sông suối, kênh mương, bãi biển để đảm bảo an toàn. Còn về lâu dài cần phải có thiết chế đưa môn bơi trong trường học và nằm trong chương trình bắt buộc.

Hiện Sở đang xây dựng kế hoạch đưa môn bơi trong vào chương trình giáo dục thể chất để tổ chức các lớp dạy bơi cho học sinh. Tuy nhiên, để hiện thực hóa việc dạy bơi trong trường học cần một nguồn ngân sách rất lớn, yêu cầu về quỹ đất, kinh phí xây dựng rồi bảo trì, bảo dưỡng bể bơi… trong khi điều kiện kinh tế của địa phương đang còn rất khó khăn”, bà Hương nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ