Quảng Ninh: Tạm dừng tất cả hoạt động văn hoá, thể thao, giải trí… trên địa bàn thị xã Quảng Yên

GD&TĐ - Do là vùng duy nhất đang ở cấp độ dịch số 3 nên thị xã Quảng Yên đã tạm dừng tất cả hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại địa điểm công cộng trên địa bàn từ 0h ngày 3/1.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện nay, thị xã Quảng Yên là địa bàn đầu tiên trong tỉnh đang ở cấp độ dịch “Cấp 3”. Trước diễn biến của dịch bệnh, UBND thị xã Quảng Yên vừa ban hành văn triển khai các giải pháp cấp bách trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, kể từ khi ca F0 đầu tiên xuất hiện trên địa bàn thị xã (ngày 4/12/2021), đến nay thị xã đã ghi nhận trên 600 ca F0 (bình quân mỗi ngày có thêm 40 ca mắc mới), đáng quan tâm là số ca F0 trong cộng đồng chiếm gần 50% so ca F0 trên địa bàn thị xã; nguồn lây được xác định là đa nguồn với nhiều đặc điểm khác nhau.

Để hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh lây lan ra diện rộng, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặc biệt là khi thời gian đón tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 đang đến gần, UBND thị xã Quảng Yên kêu gọi toàn thể Nhân dân, các tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thị xã đề cao trách nhiệm, phối hợp và đồng thuận thực hiện một số biện pháp cấp bách sau:

Kể từ 0h ngày 3/1/2022, thị xã Quảng Yên sẽ tạm dừng các hoạt động gồm: Các dịch vụ văn hóa, thể thao (sân bóng đá, phòng tập gym, yoga, câu lạc bộ bi-a,...). Các điểm vui chơi; các dịch vụ vui chơi giải trí; cơ sở kinh doanh dịch vụ mát xa, bar; dịch vụ thẩm mỹ, làm đẹp, spa; dịch vụ internet, trò chơi điện tử. Các khu, điểm du lịch không đón khách tham quan; các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo chỉ thực hiện nghi thức tôn giáo nội bộ; hàng, quán ăn, cà phê, giải khát, không phục vụ tại chỗ, chỉ được bán hàng mang đi.

UBND thị xã Quảng Yên cũng thực hiện test nhanh kháng nguyên thường xuyên, hàng ngày đối với các hộ tiểu thương, hộ kinh doanh và người mua hàng tại các chợ, siêu thị trên địa bàn thị xã. Dừng tổ chức các hoạt động, sự kiện tập trung đông người. Không tập trung quá 10 người tại 1 khu vực trong cùng 1 thời điểm tại công viên, các điểm công cộng, đường phố, ngoài trụ sở cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở y tế và các nơi công cộng khác.

Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, đưa đón công nhân ra, vào thị xã hàng ngày. Yêu cầu đơn vị sử dụng lao động và đơn vị vận chuyển công nhân phải thực hiện nghiêm túc, triệt để các quỵ định trong công tác phòng, chống dịch theo tinh thần một cung đường, hai điểm đến. Đối với các đơn vị khi tiếp nhận công nhân vào địa bàn thị xã làm việc phải thực hiện Test nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm Realtime RT-PCR để phòng, chống dịch Covid-19.

Về tình hình dịch bệnh Covid-19

Ngày 2/1, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, theo báo cáo của Sở Y tế, trong ngày, Quảng Ninh ghi nhận 219 ca dương tính với SARS-CoV-2 tại 10 địa phương (Bình Liêu 3 ca, Cẩm Phả 31 ca, Đầm Hà 1 ca, Đông Triều 19 ca, Hạ Long 44 ca, Móng Cái 27 ca, Quảng Yên 53 ca, Tiên Yên 17 ca, Uông Bí: 19 ca, Vân Đồn 05 ca). Trong đó, 63 ca đã quản lý và cách ly, 156 ca cộng đồng.

Đánh giá cấp độ dịch tại Quảng Ninh (tính đến 17h, ngày 2/1) 

Đối với cấp xã: Cấp 1: 134/177 đơn vị cấp xã; Cấp 2: 18/177 đơn vị cấp xã (Đông Triều: 6, Hạ Long: 4, Uông Bí: 3; Quảng Yên: 4; Vân Đồn: 1); Cấp 3: 25 đơn vị cấp xã (Đông Triều: 9, Uông Bí: 2; Quảng Yên: 14)

Đối với cấp huyện: Cấp 1: 10/13 đơn vị cấp huyện; Cấp 2: 2/13 đơn vị cấp huyện (Đông Triều, Uông Bí); Cấp 3: 1/13 đơn vị cấp huyện (Quảng Yên).

Đối với cấp tỉnh: Cấp 1 (Cả tỉnh Quảng Ninh)

Công tác lấy mẫu, xét nghiệm SARS-CoV-2

Tổng số xét nghiệm trong ngày 2/1: Tổng số: 3.270 lượt người. Trong đó: Test nhanh kháng nguyên: 722 lượt người; xét nghiệm PCR: 2.548 lượt người. Tổng số mẫu PCR thực hiện: 1.217 mẫu. Trong đó: Mẫu đơn: 808; mẫu gộp 2: 74; mẫu gộp 3: 56; mẫu gộp 4: 63; mẫu gộp 5: 188; mẫu gộp 6-10: 28.

Tích lũy xét nghiệm từ ngày 11/8/2021 đến nay: Tổng số: 1.460.898 lượt người. Trong đó: (xét nghiệm PCR: 952.998 lượt người; Test nhanh kháng nguyên: 507.900 lượt người).

Công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19

Số vắc xin tiêm trong ngày 02/01/2022: 45.654 mũi (trong đó mũi 1: 368; mũi 2: 269; mũi 3: 45.017). Tổng đợt tiêm vắc xin phòng chống COVID-19 đến nay: 27 đợt.

Lũy tích vắc xin đã tiêm: 2.609.316 mũi (trong đó mũi 1: 1.111.122 mũi 2: 1.076.256; mũi 3: 421.938). Lũy tích người được tiêm: 1.111.122 người (trong đó tiêm 01 mũi:  34.866 người; tiêm 02 mũi: 654.318 người;  tiêm 03 mũi: 421.938 người).

Chủ động, quyết liệt các biện pháp ngăn chặn biến thể Omicron xâm nhập

Từ 28/12/2021 đến 1/1/2022, Bộ Y tế liên tục công bố các ca bệnh Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron là người nhập cảnh vào Việt Nam. Trước đó, ngay từ khi có thông tin về biến chủng này, Quảng Ninh đã sớm chủ động triển khai một loạt các hoạt động giám sát, ứng phó với Omicron từ xa, từ sớm với các giải pháp quyết liệt, chuẩn bị sẵn sàng các phương án, không để bị động bất ngờ.

Đặc biệt, để chủ động kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, UBND tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 do biến chủng Omicron. Kế hoạch được xây dựng cụ thể, chi tiết, khả thi và đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bám sát quan điểm tiếp cận toàn dân, lấy người dân và doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm và lấy cấp cơ sở làm nền tảng trong phòng, chống dịch.

Qua đó, nhằm chủ động giám sát, triển khai hiệu quả các biện pháp ngăn chặn biến thể xâm nhập; đồng thời phát hiện sớm nhất sự xuất hiện của biến thể Omicron trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các phương án kiểm soát, can thiệp kịp thời, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh đối với sức khỏe người dân và hoạt động kinh tế - xã hội nếu xuất hiện biến thể nguy hiểm trên địa bàn tỉnh.

Hàng loạt các biện pháp quyết liệt đã được Quảng Ninh triển khai như: Tăng cường giám sát, kiểm dịch quốc tế tại các cửa khẩu hàng không, cảng biển và cửa khẩu đường bộ; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 tại địa bàn dân cư, cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp; tổ chức giám sát bằng xét nghiệm nhằm phát hiện sớm nhất các trường hợp nhiễm biến thể Omicron trên địa bàn tỉnh; tăng cường cập nhật thông tin về biến thể Omicron; chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa, can thiệp và tổ chức truyền thông phù hợp, hiệu quả.

Đặc biệt, tỉnh triển khai đầy đủ, kịp thời, nhanh nhất việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3 (mũi tăng cường) theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế với số lượng thực hiện tiêm chủng dự kiến là 949.351 liều. 

Thời gian triển khai tiêm: Đợt 1: Từ ngày 20/12/2021 đến ngày 15/01/2021: Tiêm cho 675.219 người (bằng 71,12% kế hoạch). Đợt 2: Từ ngày 15/01/2022-25/01/2022: Tiêm cho 232.066 người (bằng 24,44% kế hoạch). Đợt 3: Ngày 25, 26/01/2022: Tiêm cho 52.066 người còn lại tại 13 địa phương.

Song song với đó, Quảng Ninh cũng chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch tiêm phòng cho trẻ em từ 5-11 tuổi và tiêm phòng mũi 3 cho trẻ từ 12-18 tuổi khi có hướng dẫn của Bộ Y tế. Rà soát tiêm tối đa toàn bộ người dân có chỉ định tiêm; kịp thời tiêm bổ sung cho người lao động đến địa bàn tỉnh và các đối tượng phát sinh đủ điều kiện tiêm ngừa Covid-19.

Cùng với các giải pháp cụ thể trên, tỉnh cũng kiện toàn và triển khai đồng bộ hệ thống kiểm dịch từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cấp xã; ứng phó linh hoạt tùy thuộc theo cấp độ nguy hiểm của dịch do biến thể Omicron gây ra.

Tiếp tục triển khai đầy đủ và hiệu quả các Trạm Y tế lưu động; tổ chức cơ sở thu dung cách ly điều trị cho F0 không triệu chứng ngoài cơ sở Y tế tại cộng đồng với dự phòng khoảng 10% dân số của tỉnh là F0. Củng cố phương án thu dung cách ly điều trị tại các cơ sở y tế.

Tiếp tục mở rộng rà soát nâng cao hơn các cơ sở gia đình đủ điều kiện cách ly F0 F1 tại nhà. Tiếp tục chuẩn bị dự phòng trang thiết bị, vật tư y tế, oxy y tế, kít, test xét nghiệm. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K và các nội dung chỉ đạo của địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ diễu binh, diễu hành là điểm nhấn của Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: ITN

Bài học giá trị cho thế hệ trẻ

GD&TĐ - Nhiều nhà khoa học, giảng viên đã thảo luận phương thức GD HSSV về ý nghĩa Chiến thắng Điện Biên Phủ, vận dụng trong GD quốc phòng và an ninh hiện nay.