Quảng Ninh nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

GD&TĐ - Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) quyết tâm tiếp tục nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp dạy học.

Cô trò Trường THPT Cẩm Phả những ngày đầu năm học mới.
Cô trò Trường THPT Cẩm Phả những ngày đầu năm học mới.

Đầu tư cơ sở vật khang trang, hiện đại

Những năm qua TP Cẩm Phả chú trọng việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, huy động nguồn lực để cải tạo và xây mới phòng học, phòng chức năng, các công trình vệ sinh, bổ sung trang thiết bị, đồ dùng dạy học, dựa trên điều kiện thực tiễn của từng trường.

Từ đó nhằm chuẩn hóa cơ sở vật chất trường, lớp theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần quan trọng vào việc củng cố vững chắc công tác phổ cập giáo dục các cấp học, tạo các điều kiện tốt để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.

Hiện toàn thành phố có 66 cơ sở giáo dục với hơn 1.500 lớp học và trên 50.000 học sinh ở các cấp học Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT và GDNN-GDTX; trong đó 49/53 trường công lập được công nhận chuẩn quốc gia.

Do được chú trọng đầu tư, cơ sở vật chất trường, lớp trên địa bàn thành phố ngày càng khang trang, hiện đại, từ đó góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng và hiệu quả GD&ĐT của thành phố.

Theo đó, năm học 2022-2023, TP Cẩm Phả vẫn khẳng định được thành tích quan trọng về chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi, với 348 giải cấp thành phố, 123 giải cấp tỉnh trong kỳ thi học sinh giỏi THCS và 160 học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12.

Kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh lớp 10 trên địa bàn duy trì ổn định ở mức cao với tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 99,14%, thuộc tốp đầu của tỉnh; duy trì vị trí thứ 2 của tỉnh về chất lượng mũi nhọn, liên tục 4 năm đứng vị trí thứ nhất của tỉnh về chất lượng học sinh thi tuyển sinh lớp 10 THPT. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được chú trọng, quan tâm, tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo, đạt chuẩn nghề nghiệp cho từng loại hình đều tăng và đạt theo quy định.

Phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa

Năm học 2023-2024, cùng với sự quan tâm của cấp ủy, lãnh đạo thành phố, ngành Giáo dục TP Cẩm Phả quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 20/9/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện GD&ĐT TP Cẩm Phả giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Các hoạt động GD&ĐT phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, chất lượng đội ngũ giáo viên các cấp không ngừng được nâng cao, nhất là về chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nhà giáo.

Cô và trò Trường THCS Thống Nhất (TP Cẩm Phả) quyết tâm dạy tốt, học tốt.
Cô và trò Trường THCS Thống Nhất (TP Cẩm Phả) quyết tâm dạy tốt, học tốt.

Toàn thành phố có khoảng 4.200 cán bộ, giáo viên, trong đó trình độ chuẩn và trên chuẩn đạt hơn 94%. Tổ chức bộ máy trong các trường học hoạt động có hiệu quả. Chất lượng học sinh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi, thi khoa học kỹ thuật, thể dục, thể thao đạt kết quả tốt; đặc biệt là tổ chức nhiều hoạt động đẩy mạnh giáo dục STEM; cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật trong các cấp học; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy và học, góp phần phát triển năng lực học sinh trong thời đại công nghệ 4.0.

Bên cạnh tiếp tục dạy học hiệu quả các môn văn hóa, ngành Giáo dục thành phố còn tăng cường thực hiện chủ trương dạy chữ đi đôi với dạy người, thông qua đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường.

Hiện 100% trường học trên địa bàn thành phố đã lồng ghép, tích hợp giáo dục đạo đức vào các môn học, chuyển việc tổ chức các hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục ngoài giờ, hoạt động ngoại khóa sang hướng hoạt động trải nghiệm sáng tạo, góp phần giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh.

Bí thư Thành ủy, TP Cẩm Phả Nguyễn Anh Tú cho biết, thành phố luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho giáo dục, nhờ đó ngành GD&ĐT thành phố đã có nhiều bước tiến quan trọng, vượt bậc.

Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá phát triển GD&ĐT, thu hút, phát triển giáo dục ngoài công lập, nhất là cấp mầm non, giáo dục phổ thông. Cùng với đó là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số công tác dạy và học, quản lý giáo dục, quản trị nhà trường.

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ