Quảng Ninh chú trọng công tác xóa mù chữ để phát triển kinh tế

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm đến công tác xóa mù chữ, đặc biệt là tại các huyện miền núi, biên giới khó khăn.

Một lớp xóa mù chữ ở huyện Bình Liêu.
Một lớp xóa mù chữ ở huyện Bình Liêu.

Xóa mù chữ để phát triển kinh tế

Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới với dân số hơn 33 nghìn người, trong đó trên 96% là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng tỷ lệ người mù chữ nhiều nhất tỉnh Quảng Ninh.

Bình Liêu có cửa khẩu Hoành Mô, tiếp giáp với Trung Quốc. Những năm gần đây, kinh tế - xã hội ở địa phương này đã có bước phát triển, quốc phòng, an ninh ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Do đó nhu cầu học chữ và trang bị những kiến thức khoa học kỹ thuật, chăn nuôi, trồng trọt để phục vụ lao động sản xuất, đặc biệt giao thương tại vùng biên giới đang trở thành nhu cầu thiết yếu của người dân.

Tuy nhiên, do là vùng miền núi, kinh tế phát triển còn chậm, trình độ hiểu biết, nhận thức của nhân dân không đồng đều. Địa hình hiểm trở, dân cư phân bố thưa thớt, khó khăn cho công tác tập trung học tập.

Học viên đa số là lao động chính trong gia đình, cao tuổi nên việc nhận biết chữ chậm, học trước quên sau, việc duy trì sĩ số gặp nhiều khó khăn...

Vì vậy, việc đẩy mạnh công tác phổ cập xóa mù chữ sẽ góp phần vào quá trình phát triển kinh tế của huyện Bình Liêu, đặc biệt hoạt động giao thương buôn bán khu cửa khẩu.

Theo báo cáo điều tra phổ cập năm 2022, đến nay toàn huyện vẫn còn 1143 người mù chữ mức độ 2 (chưa học hết lớp 5) tương ứng 5,25% số dân trong độ tuổi từ 15 đến 60.

Tất cả người chưa biết chữ đều là đồng bào dân tộc thiểu số Tày, Dao, Sán Chỉ, Nùng… Tập trung nhiều ở các bản vùng cao như Đồng Văn, Đồng Tâm, Hoành Mô.

Chính vì vậy, huyện Bình Liêu luôn quan tâm đến công tác xóa mù chữ. Bên cạnh đó có sự ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan, đoàn thể, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn.

Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về chủ trương, mục đích, ý nghĩa của phổ cập giáo dục nói chung và phổ cập giáo dục- xóa mù chữ nói riêng.

Trưởng các thôn bản đặt địa điểm mở lớp đã tích cực vận động nhân dân trong thôn bản mình tham gia học các lớp xóa mù chữ; các giáo viên biệt phái tại các TTHTCĐ đã chủ động bám thôn bản để điều tra nhu cầu học tập của nhân dân, lập kế hoạch mở lớp, động học viên theo học.

Các trường học trên địa bàn các xã có lớp học xóa mù chữ đã tuyên truyền sâu rộng đến học sinh trong nhà trường trong các buổi chào cờ, ngoại khóa, sinh hoạt lớp... về công tác xóa mù chữ.

Năm 2023, huyện Bình Liêu khai giảng 7 lớp xóa mù chữ với 147 học viên.

Năm 2023, huyện Bình Liêu khai giảng 7 lớp xóa mù chữ với 147 học viên.

Về công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, Phòng GD&ĐT kết hợp cùng với Trung tâm GDNN-GDTX đã tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác phổ cập, đặc biệt là đội ngũ làm công tác xóa mù chữ; hỗ trợ về kỹ thuật sử dụng phần mềm đối với các xã…

Đạt được nhiều thành tựu

Trong nhiều năm qua, với sự phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền, ngành Giáo dục, Trung tâm GDNN-GDTX, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn, huyện Bình Liêu đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác xóa mù chữ.

Theo báo cáo “Tổng kết các lớp học xóa mù chữ khóa 10 năm học 2022”, toàn huyện mở được 7 lớp với 126 học viên, trong đó số học viên duy trì đến cuối khóa và được các Trung tâm học tập cộng đồng cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục xóa mù chữ là 114, đạt 90,4%.

Năm 2023, huyện Bình Liêu khai giảng 7 lớp xóa mù chữ với 147 học viên, thực hiện từ tháng 4/2023. Đến nay đã học được hơn 8 tháng, dự kiến kết thúc vào cuối tháng 12/2023.

Ông Vi Hồng Quân, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Bình Liêu cho biết, mục tiêu đến năm 2025, huyện Bình Liêu phấn đấu tỷ lệ người biết chữ mức độ 2 trong độ tuổi từ 15 đến 60 đạt 96,5%, tăng 1,75% so với năm 2022 (ước tính cần xóa mù chữ thêm 390 người).

Sắp tới, huyện sẽ chú trọng nâng cao vai trò của các Trung tâm học tập cộng đồng và trưởng bản trong việc phối hợp, vận động người dân tham gia học xóa mù chữ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh tư liệu

Nghe Trịnh để yêu ngày tới...

GD&TĐ - Những cô gái trong nhạc Trịnh luôn đẹp nhưng không thể chạm, tưởng như trước mắt mà thật xa xôi, nhìn thấy mà vời vợi biết mấy.