Trường sụt lún, nứt tường do nạn khai thác than 'thổ phỉ'
Những ngày này, Trường THCS Cao Xanh vẫn trong tình trạng khóa cổng, ngôi trường vắng tanh, sân trường và khu vực xung quanh cỏ mọc um tùm.
Tại đây, chỉ có hai bảo vệ thay phiên nhau túc trực ngày đêm. 'Ngôi trường này dừng hoạt động đã gần 10 năm rồi. Từ ngày dừng hoạt động đều có bảo vệ trông coi. Nhà tôi ở gần đây và được nhận vào làm bảo vệ gần hai năm nay với mức lương 4 triệu đồng mỗi tháng. Nhìn cảnh ngôi trường bỏ không mà thấy xót xa quá', ông Tiến (56 tuổi) là bảo vệ nói.
Theo ông Tiến, những năm gần đây ngôi trường không còn hiện tượng lún, nứt tường thêm nữa, địa chất đã ổn định. Để tránh lãng phí, chính quyền nên bố trí để đưa ngôi trường này vào sử dụng, có thể cho doanh nghiệp thuê hoặc dùng làm trụ sở cơ quan Nhà nước.
Theo tìm hiểu, Trường THCS Cao Xanh được đưa vào sử dụng năm 2008. Đây còn là công trình gắn biển chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập TP Hạ Long.
Trường có vị trí đẹp, nằm trên một ngọn đồi tại tổ 34, khu 3, phường Cao Xanh. Nhìn từ trường xuống bên dưới có thể bao quát trung tâm TP Hạ Long. Trường có quy mô ba tầng, gồm 15 phòng học, một khu nhà hiệu bộ, có thể đáp ứng được nhu cầu học tập và giảng dạy của trên 500 học sinh và giáo viên.
Tuy nhiên, sau khi hoạt động được ít năm, ngôi trường đã xuất hiện hiện tượng lún, nứt tường. Xung quanh móng ngôi trường này bị nứt với khe rộng 5 - 7 cm. Tường và trần nhà xuất hiện rãnh nứt rộng từ tầng một lên đến tầng ba.
Khu vực tầng một của ngôi trường có nhiều vết nứt kéo dài. Tại các cột chịu lực chính, các vết nứt chằng chịt đan chéo vào nhau. Tại khe co giãn giữa hai khối nhà xuất hiện tình trạng lún, xô lệch rộng 6 - 7 cm.
Đến năm 2013, do lo sợ tình trạng lún nứt ảnh hưởng tới sự an toàn của học sinh. TP Hạ Long đã chuyển toàn bộ học sinh Trường THCS Cao Xanh về địa điểm mới cách chỗ cũ hơn 2 km.
Ông Nguyễn Công Thành (71 tuổi) Tổ trưởng Tổ 34, Khu 3, phường Cao Xanh cho biết, trước đây phường Cao Xanh là điểm nóng về nạn khai thác than 'thổ phỉ'. Trong đó, có cả khu đồi mà Trường THCS Cao Xanh xây dựng.
'Trước đây có một số nhà dân sống cạnh khu vực Trường THCS Cao Xanh cũng bị sụt lún và đã được chính quyền hỗ trợ di dời đi nơi khác ở', ông Thành nói.
Được biết, khoảng 15 năm về trước, nạn than thổ phỉ hoành hành khắp tỉnh. Từ những quả đồi, vườn nhà dân cho đến phía trong rừng sâu đều trở thành các tụ điểm khai thác than trái phép.
Những lò than thổ phỉ ăn sâu dưới lòng đất, được chống thô sơ bằng gỗ bạch đàn. Nạn khai thác than khiến nhiều ngôi nhà trên đồi cao ở TP Hạ Long bỗng dưng đổ sập. Những cuộc di dân diễn ra ngay tại thành phố thủ phủ của tỉnh Quảng Ninh.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đã thực hiện nhiều cuộc truy quét quy mô lớn. Đỉnh điểm là năm 2007, gần 400 lượt cửa lò than thổ phỉ bị đánh sập, 277 người bị bắt, hơn 30.000 tấn than bị tịch thu.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long cho biết, nguyên nhân trường sụt lún, nứt tường là do bị ảnh hưởng bởi những lò than thổ phỉ trước đây.
'Khi trường được xây dựng xong, phát hiện nền móng có hiện tượng nứt. Quá trình khảo sát lại thì thấy bên dưới vẫn còn những lò than thổ phỉ ngày xưa. Nên nền bị kéo xuống. Vì sự an toàn của các cháu, thời điểm đó thành phố đã chuyển các cháu đến một ngôi trường khác', ông Sơn nói.
Tại khe co giãn giữa hai khối nhà xuất hiện tình trạng lún, xô lệch rộng 6 - 7 cm vẫn chưa được khắc phục |
Sẽ trưng dụng để làm trụ sở
Cuối năm 2021, khi đại dịch Covid-19 đang trong giai đoạn đỉnh điểm. TP Hạ Long đã sửa chữa cải tạo, đưa Trường THCS Cao Xanh trở thành Bệnh viện dã chiến để điều trị F0.
Ngôi trường sau đó được vá các vết nứt, hệ thống điện được lắp đặt, toàn bộ ngôi trường được sơn mới. Diện mạo ngôi trường mới lộ ra, không giống với cảnh hoang tàn như trước đó.
Thành phố cũng đã lắp toàn bộ thiết bị y tế, giường… để phòng chống dịch Covi-19. Tuy nhiên, bệnh viện dã chiến này chưa từng hoạt động. Khi tình hình dịch bệnh đã ổn định, TP Hạ Long đã thống nhất rút toàn bộ thiết bị ở đây về.
Từ đó cho đến nay, ngôi trường tiếp tục bị bỏ không. Cổng luôn trong tình trạng khóa, cỏ mọc um tùm khắp nơi. Do thấy ngôi trường bỏ hoang, trong khi sân trường rộng kèm nhiều bóng cây mát mẻ, nhiều người dân sống cạnh đó muốn vào tập thể dục mỗi buổi sáng và chiều nhưng đều bị bảo vệ từ chối.
“Đến nay, không còn hiện tượng sụt lún nữa và đã ổn định. Có thể chuyển công năng để sử dụng. Thành phố sẽ sửa chữa và cho một cơ quan của thành phố về đây làm việc để tránh lãng phí.
Hiện, chúng tôi đang triển khai các thủ tục. Việc cơ quan nào về đó làm việc, thành phố sẽ thống nhất và bố trí cho phù hợp”, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long nói.