Quảng Nam: Những tín hiệu tốt từ Mô hình Trường học mới

GD&TĐ - Năm học 2014 – 2015 này, 3 trường tiểu học (TH) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (Trường TH Phan Thanh, TH Ngô Gia Tự và TH Lê Thị Hồng Gấm) bước vào năm thứ 3 thực hiện Mô hình Trường học mới (VNEN). 

Quảng Nam: Những tín hiệu tốt từ Mô hình Trường học mới

Các trường này đều thuộc vùng gần biển, vùng xa, ngoại thị TP Tam Kỳ. Từ những năm đầu thực hiện còn nhiều lúng túng, bỡ ngỡ, đến nay mô hình mới này đã có những tín hiệu tốt trên nhiều phương diện.

Cơ sở học tập đảm bảo

Với mô hình mới VNEN, HS được ngồi theo nhóm, mỗi nhóm từ 4 - 6 HS. Giai đoạn đầu, các trường gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí không gian lớp học, sắp xếp chỗ ngồi hợp lý cho HS. Bởi với việc thiết kế theo lối truyền thống trước đây thì không gian phòng học thường rất nhỏ hẹp. Mô hình học tập mới yêu cầu việc sắp xếp nhóm, chỗ ngồi cho các em phải có tính khoa học, hợp lý. Đảm bảo trong quá trình hoạt động, trao đổi, nhóm này không ảnh hưởng đến nhóm kia.

Qua 3 năm thực hiện, các trường đã tìm ra được cách thiết kế, sắp xếp phù hợp cho số lượng khoảng 30 HS trong 1 lớp. Các nhóm ngồi học có khoảng cách. Mỗi nhóm đều có cả HS nam, nữ. Thường các nhóm được sắp xếp ở góc phòng, ngồi sát tường để tạo một khoảng trống trước bàn GV, tiện cho việc di chuyển. Không gian lớp học thoáng đãng và tạo mỹ quan đẹp đẽ.

Các tài liệu học tập theo mô hình này cũng rất phong phú, đa dạng. Thầy Trần Ngọc Liệu, Hiệu trưởng Trường TH Ngô Gia Tự chia sẻ: “So với 2 trường còn lại, Trường TH Ngô Gia Tự nằm ở vùng xa nhất. Ngoài việc các thầy cô giáo phần lớn ở xa thì HS cũng thiếu thốn nhiều các điều kiện học tập. Việc tiếp cận thông tin rất hạn chế”. Trong năm đầu thực hiện, nhà trường gặp nhiều khó khăn trong việc chuẩn bị các loại tài liệu, dụng cụ học tập cho các tiết học. Nhiều trường hợp phát sinh chưa được chuẩn bị trước, GV phải chạy đến tận nội thị TP mới có chỗ photo bài.

Đến thời điểm này, trường gần như giải quyết được các vấn đề này. Các trường đều được đầu tư các máy móc, trang thiết bị mới. Năm vừa qua, Trường TH Lê Thị Hồng Gấm được trang bị kịp thời bộ bàn ghế mới, 2 bộ thiết bị dạy học trị giá trên 200 triệu đồng và máy photocopy. Trường TH Phan Thanh được bổ sung 5 máy tính, máy chụp hình… Trường TH Ngô Gia Tự được trang bị thêm máy photocopy, các thiết bị dạy học giải quyết việc sao chép tài liệu và dụng cụ phục vụ giảng dạy.

Giáo viên theo sát thay đổi về “chất”, về “lượng” của từng HS

Cô Đỗ Thị Kiều Phương, Phó Hiệu trưởng Trường TH Phan Thanh cho biết: “Phụ huynh ở đây chủ yếu làm nghề lưới, làm đồng. Điều kiện kinh tế còn khó khăn, vất vả, nhọc nhằn kiếm sống quanh năm nên quỹ thời gian quan tâm đến con cái cũng ít. Hầu hết, phụ huynh HS giao phó cho nhà trường và GV. Vai trò của GV được thể hiện ngày càng nổi bật”.

Áp dụng mô hình này, GV tuy được khắc phục đặc điểm “nói nhiều” nhưng phải tập trung theo dõi, kèm sát quá trình tự học của từng HS. Việc đánh giá HS cũng không thông qua điểm số. Việc đánh giá bao gồm: HS tự đánh giá mình, HS đánh giá lẫn nhau, GV đánh giá HS, gia đình đánh giá HS. Nếu trước đây, học bạ HS tiểu học là những điểm số với vài dòng nhận xét bên cạnh thì bây giờ sổ theo dõi như một cuốn nhật ký ghi lại những thay đổi của HS qua từng kỳ học. GV không chỉ đánh giá ở những môn học tự nhiên, xã hội mà còn mở rộng đánh giá những phần khác như: Phẩm chất, năng lực, hoạt động giáo dục của HS. Bên cạnh đó, GV còn theo dõi về chiều cao, cân nặng các HS trong lớp. Trong việc đánh giá HS, GV phải thể hiện sự quan sát tỉ mỉ, bao quát những thay đổi, tiến bộ của HS và điền đầy đủ vào sổ theo dõi.

Cũng theo cô Đỗ Thị Kiều Phương, tuy đây là một mô hình đưa ra có khuôn mẫu nhưng vẫn phải đòi hỏi nhiều sự sáng tạo của các GV để thực hiện tốt. GV phải đánh giá đúng trình độ từng nhóm HS để có phương pháp dạy phù hợp. Nội dung chương trình học theo hướng mở nên GV phải nghiên cứu nhiều hơn, tạo ra những thang điểm mới để đánh giá HS. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết GV đã quen và dần thích ứng với Mô hình Trường học mới này, vận dụng được phương pháp giúp HS làm việc nhóm trong các tiết học.

Cô Nguyễn Thị Như Ánh, Phó Hiệu trưởng Trường TH Lê Thị Hồng Gấm chia sẻ: “Điều đáng mừng là HS trong trường quen với Mô hình Trường học mới đã có thể bạo dạn hơn trước đám đông. Các em phát huy được việc tự học, tự quản, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình học. 

Mỗi một HS đều có những ưu điểm nổi trội trong một lĩnh vực nhất định. Điểm hay của hội đồng tự quản là các em có quyền được ứng cử vào các ban trong lớp học như: Ban đối ngoại, ban học tập, ban thư viện, ban nền nếp, ban văn nghệ - TDTT, ban sức khỏe – vệ sinh. Việc tham gia các ban này là một điều kiện, một cơ sở giúp các em định hình và tìm ra cho mình một lĩnh vực phù hợp với tính cách ngay khi còn là một HS tiểu học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ