Quảng Nam: Giáo viên mầm non bị thủng màng nhĩ vì phụ huynh hành hung tập thể

GD&TĐ - Thấy vết bầm trên cơ thể con, ông P.M.T. đến trường chất vấn giáo viên, được các cô giáo giải thích, ông T. đưa con quay về nhà rồi rủ thêm 2 – 3 người khác trở lại trường tìm gặp cô giáo Nguyễn Thị Xuân Mai đánh tới tấp đến mức phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương.

 Cô Nguyễn Thị Xuân Mai hiện vẫn đang điều trị tại bệnh viện.
Cô Nguyễn Thị Xuân Mai hiện vẫn đang điều trị tại bệnh viện.

Sự việc xảy ra vào ngày 21/6 tại trường Mầm non Sen Hồng (đường số 33, thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung, Thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Giáo viên bị đánh là cô giáo Nguyễn Thị Xuân Mai, hiện đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Vĩnh Đức (Quảng Nam).

Vết bầm trên đùi trẻ

Cô Mai vẫn chưa hết bàng hoàng và đau đớn khi kể lại sự việc xảy ra vào chiều ngày 21/6. Đang trong giờ trả trẻ thì ông P.M.T – phụ huynh của cháu P.T.M.T dẫn con vào trường và hỏi cô nào đã đánh cháu đến mức bầm dập. Cô Mai tuy không phải là giáo viên của lớp cháu M.T nhưng đã cùng cô Minh, giáo viên đứng lớp của cháu T. hỏi han tình hình. “Chúng tôi xem thì thấy đây là vết bầm nhẹ ở háng, cháu có thể đã bị lâu rồi nên có giải thích với phụ huynh là có thể do cháu ngồi xe đạp bị hằn chứ các cô không ai đánh cháu cả” – cô Mai kể lại.

Ông T. đưa con về nhà rồi quay trở lại trường ngay sau đó cùng 2 – 3 người khác nữa và tìm gặp cô Mai. Vừa bước ra khỏi lớp, cô Mai đã bị ông T xông đến tát liên tục vào mặt và đầu khiến cô Mai bị ngã sấp vào tường. “Ngoài ông T thì tôi còn thấy ông H. – người đi cùng ông T. và thêm một người đàn ông khác nữa cùng xông đến đánh tôi liên tục. Khi bị ngã xuống, tôi bị những người này đạp khắp người cho đến khi bị ngất xỉu” – cô Nguyễn Thị Xuân Mai kể lại.

Trao đổi với bác sĩ Nguyễn Văn Cư – bác sĩ trực tiếp điều trị cho cô Mai thì cô Mai được chuyển đến bệnh viện Vĩnh Đức trong tình trạng hôn mê, nhức đầu, buồn nôn, đau vùng đầu và tai phải, đau vùng xương cụt. Kết quả kiểm tra, chụp CT cho thấy cô Nguyễn Thị Xuân Mai bị thủng màng nhĩ do bị sang chấn. “Cụ thể là bị một lực mạnh tác động từ bên ngoài. Qua điều trị thì hiện nay chị Mai chỉ còn bị nhức đầu nhẹ và ù tai. Vết thương thủng màng nhĩ thì phải sau 6 tháng mới có thể đưa ra phác đồ điều trị tiếp theo. Nếu vết thủng không tự liền lại được thì phải phẫu thuật để vá lại. Việc thủng màng nhĩ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng thị giác, nếu nặng sẽ bị điếc” – bác sĩ Cư cho biết.

Cơ quan công an vào cuộc

Bà Nguyễn Thị Lệ Thu – chủ cơ sở mầm non Sen Hồng cho biết: “Qua trích xuất camera của nhà trường thì không hề có việc cô giáo đánh trẻ; chưa kể là cô Nguyễn Thị Mai không phải là giáo viên đứng lớp cùa bé P.T.M.T mà là giáo viên của lớp khác”. Bà Thu cũng khẳng định, vết thương mà gia đình cho là vết đánh đập ở háng của bé M.T là khá mờ , không bị thâm tím như vết đánh. “Có thể do bé đi xe đạp, ngồi lâu thì gây nên vết như thế. Cô Mai cũng không được phân công trực tiếp dạy lớp cháu PTMT. mà dạy một lớp khác” - bà Thu khẳng định.

Gia đình cô giáo Nguyễn Thị Xuân Mai đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an Thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) để yêu cầu điều tra làm rõ hành vi côn đồ của ông T. và nhóm người đi cùng ông vào chiều ngày 21/6.

Trung tá Lê Văn Hùng – Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp (Công an Thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) cũng xác nhận đã tiếp nhận đơn trình bày, tố cáo vụ việc của cô giáo Nguyễn Thị Xuân Mai. Hiện cơ quan công an đang thụ lý vụ việc theo đúng trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định.

Báo GD&TĐ sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.