Ngày 23/10, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức cuộc họp trực tuyến về công tác triển khai ứng phó với bão Trami.
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, hiện đã lập 2 phương án sơ tán dân khi bão đổ bộ trực tiếp vào địa phương.
Cụ thể, ở phương án bão mạnh, tỉnh Quảng Nam sẽ di dời và sơ tán 212.000 dân.
Đồng thời sẽ di dời 396.000 dân nếu bão đổ bộ vẫn ở mức siêu bão, đến các nhà kiên cố hoặc sơ tán tập trung đến các cơ quan công sở, trường học.
Bên cạnh đó, tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở...
Các địa phương ven biển, cửa sông rà soát đảm bảo an toàn các trụ sở Sơ tán tập trung, sẵn sàng phương án sơ tán dân cư khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xảy ra.
Tại cuộc họp, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, trong vòng 3 năm nay, tỉnh Quảng Nam không có bão lớn đổ bộ nên chắc chắn người dân có sự chủ quan. Qua đó cần tích cực để người dân hiểu được việc phòng chống bão để giảm thiệt hại khi bão đổ bộ. Hiện nay chỉ còn 2 ngày để cho người dân và các địa phương chuẩn bị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam lưu ý, khi mưa lớn chắc chắn sẽ có hiện tượng sạt lở ở 9 huyện miền núi. Do đó, các địa phương cần kiểm tra công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu ở địa phương, nhất là ở những địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do bão lũ.
Đồng thời, các địa phương cũng cần cắt tỉa cây cối, gia cố lại các biển hiệu quảng cáo, trụ điện để khi bão vào không bị ảnh hưởng lớn đến hệ thống điện và thông tin liên lạc.
Ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương đơn vị phải có lãnh đạo thường trực 24/24 để chỉ đạo phòng chống bão, tăng cường kiểm tra lực lượng trang bị “4 tại chỗ”. Đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt từ tỉnh đến huyện, từ huyện đến xã để kịp thời nắm bắt thông tin từ cấp địa phương.
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn xem xét tình hình để tổ chức cấm biển để đảm bảo an toàn.
Đề nghị các lực lượng vũ trang sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống. Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Chủ động di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam sẽ thành lập ngay các tổ công tác đi kiểm tra một số nơi thiết yếu ở vùng biển và miền núi có khả năng bị thiệt hại cao do bão đổ bộ.
"Các địa phương cần tích cực tuyên truyền để người dân không được lơ là, có ý thức phòng chống bão mạnh. Thông báo, tuyên truyền cho nhân dân tự kiểm tra hệ thống điện, chủ động chặt tỉa cây xanh xung quanh nhà... để giảm thiểu thiệt hại khi có thiên tai xảy ra", ông Dũng nhấn mạnh.