Hàng trăm điểm sạt lở sau bão số 3 'đe dọa' người dân Yên Bái

GD&TĐ -Sau bão số 3, hàng trăm điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở cao đe dọa tính mạng, tài sản của người dân Yên Bái.

Sau bão số 3, Yên Bái còn 200 điểm sạt lở chưa thể khắc phục. (Ảnh: Hà Thắng)
Sau bão số 3, Yên Bái còn 200 điểm sạt lở chưa thể khắc phục. (Ảnh: Hà Thắng)

"Hàm ếch", đất bùn treo lơ lửng

Sau bão số 3, cuộc sống người dân tại Yên Bái bị đảo lộn bởi ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ để lại.

Hàng trăm điểm sạt lở, nguy cơ sạt lở cao đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân.

Trước tình hình cấp bách, các địa phương ở Yên Bái đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để người dân chủ động giải pháp xử lý san gạt ta luy dương, hạ độ dốc, gia cố sườn đồi nhằm khôi phục lại chỗ ở, phòng chống sạt lở tiếp diễn. Tuy nhiên, qua hơn 1 tháng thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn.

Nhiều hộ gia đình đất đá đã sạt xuống một phần ở phía dưới, phần phía trên đất bùn còn treo lơ lửng, tạo ra các hàm ếch, có thể sạt xuống bất cứ lúc nào, rất nguy hiểm.

4e97f4df-9244-4b90-ab30-5c4e42547ea1-4462-1859.jpg
Nguy hiểm thường trực bởi những "hàm ếch", đất bùn treo lơ lửng có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào.

Gia đình chị Phạm Thị Hồng (tổ 4, phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái) cũng như nhiều hộ dân khác sống ở khu vực này bị đất đá sạt lở vào nhà gây hư hỏng. Tuy vậy, đến đầu tuần vừa rồi những gia đình ở khu vực này mới tìm được máy móc, phương tiện để dọn dẹp sạt lở, bạt ta luy dương nhằm hạ độ dốc và xử lý các vết nứt. Vừa mới triển khai được mấy ngày thì trời lại mưa.

"Sạt lở nhiều quá họ làm không xuể, không có xe, không tìm được người múc nên toàn phải đi ở nhờ chỗ khác. Bây giờ đang xác định khoảng 6 đến 7 nghìn mét khối, giá cả thì đắt lắm, trước khoảng 60 đến 70 nghìn đồng/m3, giờ một khối nổi múc lên xe chở đi họ bảo cũng phải tầm giá đấy, đang lo không đủ tiền...", chị Phạm Thị Hồng chia sẻ.

Do địa hình phức tạp, chật hẹp không thể đưa máy móc vào mà phải thuê các nhóm lao động lên đào, bóc các lớp đất đá, hạ độ cao.

Anh Đặng Anh Tuấn, ở tổ 5, phường Minh Tân cho biết: "Ở đây đánh tính theo xe, mỗi xe đất đánh xuống rồi vận chuyển đi là 700 nghìn đồng, mỗi xe chỉ được khoảng 2,5 đến 3 khối thôi. Còn tùy thuộc vào chủ, hôm nào tìm được xe 3 khối thì tốt, nếu chỉ tìm xe chở được 2,5 khối thì mình lại là người chịu thiệt, vì tính tiền theo xe".

200 điểm sạt lở chưa thể khắc phục

Theo thống kê, sau bão số 3, thành phố Yên Bái có trên 550 điểm sạt lở, ảnh hưởng đến trên 3 nghìn hộ dân và một số cơ quan, trường học.

8fdb34ce-71e7-46f8-936c-b1dae49d9c04-8707-4683.jpg
Có nhiều khó khăn như địa hình, kinh tế, thời tiết... khiến việc khắc phục những điểm sạt lở đất trở nên gian nan với người dân Yên Bái.

Sau hơn 1 tháng nỗ lực của người dân và cả hệ thống chính trị, tại thành phố Yên Bái đã có hơn 130 điểm sạt lở được khắc phục, trên 200 điểm đang được tiến hành.

Ông Mã Đức Thành, Trưởng phòng Quản lý Đô thị thành phố Yên Bái cho biết: "Trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng gây thiệt hại lớn cho người dân và nguy cơ sạt lở tiếp tục đe dọa nhiều khu dân cư, địa phương đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn người dân và các đơn vị thi công san gạt, hót, dọn theo từng giai đoạn, phù hợp với tình hình thực tế".

Tuy nhiên, hiện vẫn còn hơn 200 điểm với hàng trăm hộ dân chưa thể thực hiện dọn đất đá sau sạt lở. Chưa thể khắc phục hàng trăm điểm sạt lở do những nguyên nhân như: Máy móc, phương tiện hạn chế.

Ngoài ra kinh phí lớn, nhiều nhà mất hết tài sản, nhà cửa sau bão nên gặp khó khăn về kinh tế để có thể khắc phục. Khối lượng đất đá cần múc, hót, dọn còn nhiều nên việc hạ độ dốc, xử lý sạt lở ta luy sau bão số 3 ở thành phố Yên Bái vẫn còn nhiều gian nan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Liệu có lợi hại hơn?

GD&TĐ - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã biến nghi thức nhậm chức thành một lễ hội lớn thực sự nhằm tôn vinh sự trở lại của mình.