Trước ý tưởng xây dựng Tp. Đồng Hới trở thành “Thành phố thông minh” trong tương lai, Báo GD&TĐ đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Hữu Hoài, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình về ý tưởng này.
PV: Thưa ông! ông đánh giá thế nào về tình hình phát triển du lịch của địa phương trong thời gian tới đây
Ông Nguyễn Hữu Hoài: Có thể nói, nhắc đến Quảng Bình mọi người đều biết rằng đó là “Vương quốc Hang động” bởi tỉnh Quảng Bình là một địa chỉ du lịch mới, hấp dẫn, độc đáo, khác biệt với hệ thống Hang động nhiều và đẹp như Động Sơn Đoòng, Thiên Đường, Hang Va… nằm trong quần thể Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.
Từ tiềm năng đó, từ lâu tỉnh Quảng Bình đã có định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thông qua những sản phẩm du lịch về hang động độc đáo, là thiên đường của du khách thập phương.
Mặt khác, với hệ thống giao thông khá đồng bộ và thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Có hệ thống khách sạn đáp ứng nhu cầu trên 10.000 phòng với nhiều khách sạn cao cấp có thể đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch thập phương khi đến tham quan tại đây.
Tuy nhiên, do ngành du lịch Quảng Bình vẫn còn mới mẻ nên hạ tầng vẫn còn một số khó khăn chưa đáp ứng đầy đủ. Tỉnh đang kêu gọi đầu tư để hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch… và trong tương lai gần chắc chắn ngành Du lịch tỉnh Quảng Bình sẽ mang lại diện mạo mới cho một tỉnh nghèo còn gặp nhiều khó khăn tại dải đất miền Trung này.
PV: Thưa ông! Tỉnh Quảng Bình rất quan tâm đến dự án xây dựng thành phố thông minh (hay còn gọi là smart city) dự án này triển khai như thế nào... để tạo điểm nhấn hỗ trợ sự phát triển du lịch (?)
Ông Nguyễn Hữu Hoài: Như tôi đã nói, tỉnh Quảng Bình xác định Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và rõ ràng để thu hút khách, phát triển du lịch của địa phương cần phải có ngành dịch vụ đảm bảo tốt nhất để phục vụ du khách.
Chính vì điều đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình rất quan tâm đến việc xây dựng thành phố thông minh để đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách khi đến với Quảng Bình.
Việc phát triển “Thành phố thông minh” đó là một tất yếu khách quan, gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Thành phố thông minh là một thành phố sáng tạo sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả hoạt động của dịch vụ đô thị, đáp ứng được nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về kinh tế, xã hội, môi trường.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án đã và đang triển khai, như: Lắp đặt hệ thống camera an ninh trên Quốc lộ 1A và các tuyến đường chính của thành phố Đồng Hới; chiếu sáng công cộng kết nối với mạng dữ liệu quản lý mức độ chiếu sáng đô thị; xây dựng hệ thống truy cập Internet không dây công cộng nhằm cung cấp dịch vụ wifi công cộng phục vụ miễn phí cho người dân và du khách tại một số điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh còn tập trung xây dựng Trung tâm hành chính công cấp tỉnh phục vụ người dân và doanh nghiệp…
PV: Thưa ông! Tỉnh Quảng Bình sẽ gặp những khó khăn gì khi triển khai dự án này...
Ông Nguyễn Hữu Hoài: Hiệu quả từ dự án này có thể đánh giá được và đó chính là giải pháp hữu ích để nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp môi trường sống ngày càng tốt hơn, người dân được phục vụ tốt hơn và tạo điều kiện cho người dân tham gia quản lý đô thị và giám sát chính quyền.
Việc triển khai xây dựng thành phố thông minh nhận được rất nhiều sự đồng thuận của lãnh đạo tỉnh và sự hỗ trợ tích cực từ các đơn vị triển khai trên địa bàn.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa dự án này việc đòi hỏi sự tham gia đầu tư từ nhiều thành phần. Quảng Bình hiện tại vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế và chỉ có thể hỗ trợ một số hạng mục hoặc một số công việc cụ thể.
Muốn xây dựng được “thành phố thông minh” thì việc tham gia của xã hội là vô cùng quan trọng, do đó cần có cơ chế chính sách hợp lý để khuyến khích các thành phần tham gia đầu tư từ khâu học tập nâng cao trình độ, đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất đến cấu trúc vận hành…
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.