Quảng Bình: Tiêu hủy gần 73 tấn hải sản tồn kho không đảm bảo an toàn thực phẩm

GD&TĐ - Ngày 14/12, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình cũng đã có Báo cáo số 182/BC-STNMT về Công tác tiêu hủy hải sản tồn kho không đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.  

Gần 73 tấn hải sản tồn kho không đảm bảo an toàn thực phẩm bị tiêu hủy. Ảnh: TNMT.
Gần 73 tấn hải sản tồn kho không đảm bảo an toàn thực phẩm bị tiêu hủy. Ảnh: TNMT.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Ngân tại cuộc họp Hội đồng bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển, trong đó giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện tiêu hủy số hải sản tồn kho không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở TNMT tỉnh Quảng Bình vừa hoàn thành việc tiêu hủy 72.695kg hải sản tồn kho không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Trong đó, địa bàn huyện Lệ Thủy: 13.260 kg; huyện Quảng Ninh: 9.840 kg; huyện Bố Trạch: 270 kg; thị xã Ba Đồn: 40.325 kg; huyện Quảng Trạch: 9.000 kg. Vị trí tiêu hủy là tại bãi rác Cỏ Cúp xã Lộc Ninh, thành phố Đồng Hới.

Số hải sản tồn kho không đảm bảo an toàn thực phẩm là sứa biển. Sở TNMT tỉnh Quảng Bình đã lập các tổ thực hiện việc tiếp nhận và tiêu hủy sứa tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn và TP.Đồng Hới.

Để tiêu hủy số hải sản tồn kho không đảm bảo an toàn thực phẩm trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thành lập 3 tổ thực hiện việc tiếp nhận và tiêu hủy sứa, cụ thể: 1 tổ thực hiện tiếp nhận tại huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh; 1 tổ thực hiện việc tiếp nhận tại huyện Bố Trạch, Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn; 1 tổ thực hiện việc giám sát tiêu hủy tại bãi rác Cỏ Cúp - thành phố Đồng Hới.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã giao cho Chi cục Bảo vệ môi trường phối hợp với UBND các huyện, thị xã và các chủ cơ sở tiến hành việc giao nhận hải sản tồn kho không đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh hoàn thành tại 11 cơ sở và vận chuyển đi tiêu hủy bằng xe bồn, xe đông lạnh, xe tải.

Quá trình tiêu hủy hải sản tồn kho thực hiện theo đúng quy trình về việc tiêu hủy hải sản nhiễm độc; kỹ thuật thu gom, chôn lấp thủy, hải sản chết để phòng ngừa ô nhiễm môi trường; quá trình tiêu hủy đảm bảo vệ sinh môi trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ