Quảng Bình tiếp tục chủ động, linh hoạt, đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục

GD&TĐ - Chiều 2/12, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ đến giữa học kì I.

Sở GD&ĐT Quảng Bình tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ đến giữa học kỳ I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm đến hết học kỳ học kỳ I.
Sở GD&ĐT Quảng Bình tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ đến giữa học kỳ I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm đến hết học kỳ học kỳ I.

Thực hiện hiệu quả chương trình GDMN, GDPT

Từ đầu năm học 2024 - 2025 đến nay, ngành Giáo dục tỉnh Quảng Bình triển khai các hoạt động giáo dục trong điều kiện khó khăn về biên chế, cơ sở vật chất, đặc biệt là ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt lũ lụt tháng cuối tháng 10, đầu tháng 11 vừa qua.

Nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Bộ GD&ĐT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Bình; sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể; sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp đã giúp toàn ngành vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm từ đầu năm đến giữa học kỳ I năm học 2024-2025.

Mạng lưới trường học toàn tỉnh trong năm học 2024 - 2025 cơ bản đáp ứng. Toàn tỉnh có 553 trường, cơ sở giáo dục (176 trường MN, 170 trường TH, 39 trường TH và THCS, 127 trường THCS, 6 trường THCS và THPT, 26 trường THPT, 8 trung tâm GDNN-GDTX, 1 trung tâm GDTX tỉnh); trong đó có 3 trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật. Có 8.206 lớp MN, phổ thông với 245.213 học sinh; 95 lớp bổ túc văn hóa với 3.910 học viên.

Thời gian qua, Sở GD&ĐT Quảng Bình đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ GDMN với chủ đề “Xây dựng trường học hạnh phúc, lấy trẻ làm trung tâm, dành trọn tình yêu thương cho con trẻ”. Bám sát văn bản về hướng dẫn nhiệm vụ năm học của Bộ GD&ĐT và căn cứ vào tình hình thực tế địa phương, cấp học đã chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn các phòng GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở GDMN tập trung triển khai thực hiện các nội dung trọng tâm.

img-9815.jpg
Đầu năm học 2024-2025, ngành Giáo dục Quảng Bình gặp không ít khó khăn.

Ngành Giáo dục Quảng Bình tiếp tục triển khai các chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, “Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ” gắn với việc triển khai chủ đề năm học đối với GDMN; tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch giai đoạn 2 thực hiện “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non vùng dân tộc thiểu số” trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ, Kế hoạch thực hiện chương trình “Hỗ trợ phát triển GDMN vùng khó khăn giai đoạn 2023-2030”.

100% các cơ sở giáo dục nghiêm túc triển khai Chương trình GDPT 2018 theo hướng dẫn chuyên môn của Sở, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục và kế hoạch bài dạy theo đúng quy định, đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện.

Cùng với đó là việc triển khai thực hiện các giải pháp để tổ chức dạy học môn Tiếng Anh, Tin học cho lớp 3, 4 và chương trình môn Tiếng Anh tự chọn lớp 1, lớp 2; tiếp cận giáo dục Tin học lớp 1, lớp 2 ở những cơ sở giáo dục có điều kiện thuận lợi, với sự đồng thuận của phụ huynh.

Các trường đã chủ động thực hiện giáo dục lồng ghép các nội dung giáo dục địa phương, phòng tránh tai nạn bom mìn; giáo dục đạo đức; giáo dục quốc phòng và an ninh; giáo dục pháp luật; bình đẳng giới… trong đó, chú trọng đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học phát triển tối đa phẩm chất, năng lực học sinh.

Công tác lựa chọn sách giáo khoa lớp 9, lớp 12 theo Chương trình GDPT 2018 đã được các đơn vị triển khai bài bản, minh bạch, khách quan và đúng tiến độ. Việc phối hợp để cung ứng sách giáo khoa phục vụ cho việc dạy và học đảm bảo kịp thời, đầy đủ.

img-9833.jpg
Ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình phát biểu tại hội nghị.

Để chuẩn bị cho năm học mới, Sở GD&ĐT đã tổ chức Hội thảo về phương pháp dạy học các môn học và hoạt động giáo dục lớp 11 thuộc Chương trình giáo dục trung học, GDTX. Đã tiến hành kiểm tra các điều kiện đảm bảo triển khai thực hiện Chương trình GDTX cấp THPT đối với Trung tâm GDTX tỉnh và kiểm tra nhiệm vụ GDTX đối với Trung tâm GDNN-GDTX huyện Minh Hóa.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, 100% các đơn vị trực thuộc Sở và phòng GD&ĐT đã tổ chức khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời; đồng thời triển khai các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ năm 2024 với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời” cùng với đó là tăng cường các hoạt động như: tham gia luân chuyển sách, báo, tài liệu; tập huấn, hướng dẫn về kỹ năng, phương pháp đọc cho học sinh; tổ chức quyên góp sách nhằm xây dựng “tủ sách lớp học”, xây dựng thư viện; đẩy mạnh ứng dụng CNTT nâng cao chất lượng hoạt động thư viện.

Sở chỉ đạo các trung tâm GDNN-GDTX tiếp tục tích cực, đẩy mạnh việc mở lớp và dạy học Chương trình xóa mù chữ theo chỉ đạo của Bộ GDĐT và UBND tỉnh. Đến nay, đã có 4 lớp xóa mù chữ được mở tại các huyện Bố Trạch, Lệ Thủy và Minh Hóa.

Bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục

Sở GD&ĐT đã chỉ đạo triển khai các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số đáp ứng thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ MN, học sinh TH vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”; chú trọng xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt qua các hoạt động dạy học tiếng Việt trong các môn học và hoạt động giáo dục.

Các trường học tập trung tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên mầm non năng lực tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số, chỉ đạo đơn vị điểm về mô hình tăng cường tiếng Việt tại huyện Bố Trạch, tổ chức các hoạt động nhằm đẩy mạnh, tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non.

img-9824-min.jpg
Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Từ Dương Văn Trai phát biểu tại Hội nghị.

Học sinh dân tộc thiểu số được huy động và duy trì đảm bảo số lượng. Tỉ lệ học sinh dân tộc thiểu số đến trường cấp mầm non: 97,6%, cấp TH: 100%, cấp THCS: 99,5%, cấp THPT: 48,2%. Tỉ lệ học sinh bỏ học giảm, tỉ lệ học sinh hoàn thành chương trình TH đạt 100%, tỉ lệ HS tốt nghiệp THCS đạt 98,5%.

Các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn luôn thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người dạy, người học. Cơ sở vật chất, phòng học, phòng nội trú cho học sinh dân tộc thiểu số được hỗ trợ xây dựng mới, tu sửa, mua sắm đảm bảo đáp ứng tốt hơn cho hoạt động dạy học, giáo dục. Đội ngũ giáo viên công tác ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi phát triển cả số lượng và chất lượng.

Tại hội nghị, lãnh đạo các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục trực thuộc Sở chia sẻ những khó khăn đồng thời tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Sở những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Ông Hoàng Văn Phúc, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuyên Hóa bày tỏ những khó khăn mà địa bàn đang gặp phải, cụ thể: tỉ lệ phần trăm dân tộc thiểu số tại huyện Tuyên Hóa cao, nhiều trường học có quy mô nhỏ nên việc phấn đấu đạt chuẩn quốc gia rất khó, cơ sở vật chất nhiều trường học chưa đáp ứng tiêu chuẩn để công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia.

img-9829.jpg
Ông Nguyễn Minh Phương, Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quảng Trạch Phan Xuân Linh thông tin rằng, tính đến thời điểm hiện tại, huyện mới có 18/55 trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 31%. Ngoài ra, chất lượng ngoại ngữ của học sinh tại địa bàn này chưa cao nên huyện đang giao tổ chuyên môn để tìm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo đại diện của các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở, ngành Giáo dục Quảng Bình vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên Tin học, tiếng Anh nên phải tăng tiết hoặc dạy trực tuyến, một số trường học số lượng lớp tăng cao; không ít trường có quy mô nhỏ; nhiều trường thiếu phòng bộ môn, nhà vệ sinh của học sinh; một số trường trong lộ trình sáp nhập nên phải lùi thời gian thực hiện theo kế hoạch.

Nâng cao chất lượng giáo dục

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đặng Ngọc Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình cho biết, từ đầu năm học đến nay, ngành Giáo dục gặp nhiều khó khăn như thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên nhất là giáo viên tiếng Anh.

Thời gian tới, ngành Giáo dục Quảng Bình đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung chỉ đạo các cơ sở giáo dục tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh.

img-9820.jpg
Ngành Giáo dục Quảng Bình quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ thời gian tới.

Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục chủ động, linh hoạt triển khai dạy học và các hoạt động giáo dục; tập trung đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chương trình GDPT 2018; có giải pháp nâng cao chất lượng để hoàn thành chương trình học kì I đảm bảo tiến độ theo khung kế hoạch thời gian năm học. Chỉ đạo tổ chức kiểm tra học kì I đảm bảo nghiêm túc, đánh giá thực chất kết quả học tập của học sinh.

Đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS; thực hiện tốt nội dung giáo dục hướng nghiệp, đa dạng hóa các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với lứa tuổi học sinh. Làm tốt công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm và công tác xã hội, tư vấn tâm lý học đường cho học sinh.

Sở đề nghị các cơ sở giáo dục thống kê, rà soát số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên để xây dựng kế hoạch chuẩn bị đội ngũ cho năm 2025. Tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện công tác xây dựng trường đạt KĐCLGD, trường đạt Chuẩn quốc gia trên địa bàn.

Tiếp tục kiểm tra, rà soát hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học để kịp thời chấn chỉnh việc tổ chức, hoạt động của các trung tâm; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong toàn ngành; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; triển khai thực hiện học bạ số, thư viện số, quản lý hồ sơ chuyên môn trên môi trường số theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT.

Làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về GD&ĐT; chủ động nắm bắt các vấn đề phát sinh, vướng mắc trong toàn ngành để quản lý, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Đẩy mạnh các phong trào thi đua, chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thành công Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến giai đoạn 2020-2025 ở các cơ sở giáo dục và Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến giai đoạn 2020-2025 ngành GD&ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ