Cho đến thời điểm này, hạ tầng viễn thông, Internet tại địa bàn tỉnh Quảng Bình được đầu tư đồng bộ từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Mạng thông tin di động 3G, 4G đã cơ bản cung cấp dịch vụ gần 100% địa bàn dân cư, Internet tốc độ cao đã đến với 157/159 trung tâm các xã, phường, thị trấn (trừ 02 xã Tân Trạch, Thượng Trạch).
Phần mềm dùng chung về quản lý văn bản và điều hành đã triển khai 43 đơn vị trong toàn tỉnh, bảo đảm kết nối gửi nhận liên thông văn bản điện tử giữa các đơn vị và Văn phòng UBND tỉnh.
Cổng Thông tin điện tử tỉnh được triển khai hiệu quả, đồng bộ khi sở, ban, ngành và địa phương đã thiết lập Trang Thông tin điện tử, đảm bảo cung cấp thông tin kịp thời cho người dân và doanh nghiệp.
Các ứng dụng chuyên ngành trong quản lý giáo dục, y tế, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, tài chính, tư pháp, lao động cũng được triển khai sâu rộng và phát huy hiệu quả…
Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định: Việc xây dựng Chính quyền điện tử là rất quan trọng, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp cùng toàn thể người dân.
Chính quyền điện tử sẽ hiện đại hóa hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính, hệ thống quản lý điện tử, không giấy tờ, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, cung cấp thông tin trên cổng Thông tin điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp…
Để triển khai hiệu quả Chính quyền điện tử, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin hoạt động trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh đầu tư, phát triển hạ tầng viễn thông; tổ chức nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hiệu quả cho việc xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh...