Quảng bá di sản

GD&TĐ - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã được hơn 10 năm (6/12/2012).

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Dù trước đó có nhiều di sản văn hóa phi vật thể như: Nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, ca trù, dân ca quan họ, hội Gióng… được UNESCO công nhận, nhưng cảm xúc trước tin vui này dường như đặc biệt hơn với mỗi người Việt Nam.

Cũng bởi, đó là niềm vinh dự khi nhận được sự đánh giá cao của thế giới đối với đời sống tâm linh người Việt được thể hiện qua tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Cùng với đó, giá trị nhân văn của tín ngưỡng được đặc biệt đề cao vì nó luôn cần thiết đối với mọi dân tộc trên thế giới để “thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tổ tiên, từ đó nâng lên lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng”, như UNESCO đã khẳng định khi ghi danh.

Mặt khác, đó còn là niềm tự hào vì các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, nhất là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, ngày càng chứng tỏ được sức sống mạnh mẽ bằng những yếu tố độc đáo, ấn tượng và có khả năng hội nhập vào nền văn hóa thế giới.

Đi cùng với đó là sứ mệnh của thế hệ hôm nay đối với việc bảo tồn, phát huy, lan tỏa các di sản đó như thế nào trong “vườn hoa” di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận trên khắp thế giới.

Đồng thời, việc quảng bá di sản đến bạn bè quốc tế càng đặc biệt cần thiết để tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành biểu tượng, góp phần khích lệ nhận thức về lòng biết ơn tổ tiên đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy tôn trọng sự đa dạng văn hóa trong thế giới phẳng, hội nhập toàn cầu.

Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm được UNESCO ghi danh, cùng với việc được công nhận là Quốc lễ, việc thực hành tín ngưỡng Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10/3 (âm lịch) hằng năm ở Việt Nam ngày càng được quan tâm, đề cao.

Mỗi dịp này, cùng việc hành hương về đất Tổ, người dân khắp mọi miền đất nước còn tự tay làm lễ phẩm tiêu biểu như bánh chưng, bánh giầy… để thành kính dâng lên tỏ lòng biết ơn các vị Vua Hùng, những bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước. Qua đó, giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cũng như nhân thêm lòng tự hào về cội nguồn độc lập, tự chủ.

Tuy nhiên, dường như các hoạt động đó còn bó hẹp, chưa thực sự “tròn vai” sứ mệnh: Quảng bá giá trị di sản quý giá đó ra thế giới. Vì, khi được vinh danh, di sản phải thuộc về nhân loại chứ không phải chỉ cộng đồng đó biết còn thế giới quên lãng.

Bởi thế, quốc gia sở hữu di sản cần chủ động quảng bá thông qua những hoạt động được đầu tư bài bản, mẫu mực, có chiều sâu. Đó là việc tổ chức thực hành tín ngưỡng sao cho khoa học, thể hiện sự đa dạng với những bản sắc văn hóa vùng miền độc đáo, ấn tượng mà vẫn luôn bảo tồn được các giá trị nguyên gốc.

Tất cả cần được tích cực giới thiệu qua những kênh thông tin chính thống, uy tín trên toàn cầu để bạn bè quốc tế biết đến, yêu thích, hiểu đúng, trân quý và cùng chung tay phát huy.

Từ đây còn mở ra cơ hội thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa tâm linh với điểm đến là Việt Nam để lan tỏa những giá trị cao đẹp của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đến nhân loại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.