Nhận diện khó khăn
Là một trong những cán bộ cốt cán được tham gia khóa tập huấn, bồi dưỡng mô – đun 3 về quản trị tài chính, thầy Mai Xuân Bình - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Rí Cửa 2 (Tuy Phong, Bình Thuận) cho biết: Trước đây việc quản trị tài chính ở nhà trường thường làm theo kinh nghiệm nên chưa thực sự bài bản, khoa học. Vì vậy, khi xây dựng kế hoạch tài chính cho các hoạt động giáo dục còn lúng túng, thiếu chặt chẽ.
Theo thầy Bình, một phần do hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng chưa nắm kĩ nghiệp vụ kế toán nên gặp khó khăn về xây dựng tài chính theo năm học. Mặt khác, việc sử dụng từ nguồn xã hội hóa có hồ sơ nhưng thực hiện chưa đầy đủ với các thông tư và quy định. Đây là thách thức với các trường hiện nay, nhất là khi thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Sau tập huấn, bồi dưỡng thầy Bình đã nắm rõ cách thức quản trị tài chính; biết xây dựng kế hoạch tài chính đúng quy trình, các nguồn ngân sách thu – chi rõ ràng công khai, minh bạch. “Tôi sẽ xây dựng lộ trình vận động xã hội hóa từ nhiều nguồn tài trợ một cách chặt chẽ và rõ ràng thông qua vận dụng thông tư, quy định của nhà nước. Đồng thời chỉ đạo bộ phận thanh tra trong trường học kiểm tra và báo cáo định kì trong các cuộc họp của nhà trường” – thầy Bình tự tin nói đồng thời nhấn mạnh: Công tác quản trị tài chính là việc làm quan trọng và cần thiết để phát triển nhà trường. Tôi sẽ xây dựng kế hoạch hỗ trợ đồng nghiệp để lan tỏa những kiến thức đã lĩnh hội được từ khóa tập huấn.
Thầy Trần Xuân Mạnh – Hiệu trưởng Trường THPT Nam Cao (Hà Nam) cho biết, bản thân còn lúng túng và gặp nhiều khó khăn khi quản trị tài chính theo hướng tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình. Nhiều vấn đề còn mơ hồ nên phần lớn dựa vào kế toán của đơn vị giải trình. Đây là một trong những lý do dẫn đến việc nhà trường chưa kết nối giữa dự toán tài chính hàng năm với các hoạt động khác của nhà trường.
Hỗ trợ đồng nghiệp
Sau khóa tập huấn, thầy Mạnh đã hiểu và nắm được nguyên tắc về cơ chế tự chủ tài chính của nhà trường và nhiệm vụ của bản thân trong công tác quản trị tài chính. Đồng thời hiểu rõ hơn bản chất và quy trình thực hiện vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ với nhà trường để thực hiện đúng và hiệu quả hơn trong công tác vận động tài trợ.
“Tôi sẽ xây dựng kế hoạch tự học và hỗ trợ đồng nghiệp về quản trị tài chính trong nhà trường thông qua các hoạt động: Sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường, các đợt giao ban, hội thảo, hội nghị để chia sẻ bài học kinh nghiệm với đồng nghiệp. Qua đó, nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong quản trị tài chính theo định hướng tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình, đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018” – thầy Mạnh trao đổi.
PGS.TS Trần Hữu Hoan – Phó Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục chia sẻ: Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Học viện đã hoàn thành khóa bồi dưỡng, tập huấn mô – đun 3 về quản trị tài chính cho 4.000 cán bộ cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán. Kết thúc khóa tập huấn, bồi dưỡng, các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cốt cán đã đạt được một số yêu cầu như: Khái quát được nguyên tắc, quy định chung về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và yêu cầu, nhiệm vụ của hiệu trưởng trường tiểu học; Đồng thời, phân tích được mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ quản trị tài chính ở trường tiểu học theo hướng tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình, hướng tới nâng cao kết quả giáo dục học sinh.
Ngoài ra, tổ chức được hoạt động quản trị tài chính trong trường tiểu học, hướng tới kết quả giáo dục học sinh tốt hơn; cùng với đó xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, lập dự toán ngân sách, quản lý thu – chi, báo cáo tài chính, kiểm tra tài chính công khai minh bạch ngân sách. Mặt khác, tổ chức vận động, tiếp nhận quản lý và sử dụng các khoản tài trợ của cơ quan, tổ chức cá nhân trong và ngoài nước; xây dựng được kế hoạch tự học và hỗ trợ đồng nghiệp về quản trị tài chính trường tiểu học, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Điều quan trọng, sau khóa tập huấn, các học viên sẽ chủ động xây dựng kế hoạch hỗ trợ đồng nghiệp và trở thành báo cáo viên để bồi dưỡng đại trà cho cán bộ quản lý giáo dục tại địa phương về quản trị tài chính, đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.