Tăng cường tự chủ, gắn với trách nhiệm giải trình
Ngay trong buổi khai mạc, 200 cán bộ quản lý cơ sở giáo cốt cát trường tiểu học của 6 tỉnh: Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp chính thức bước vào các nội dung của khóa bồi dưỡng tập huấn.
Phát biểu tại lễ khai mạc, PGS.TS Trần Hữu Hoan – Phó Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục chia sẻ, trước khi đến với khóa bồi dưỡng, tập huấn này, Học viện đã hoàn thành khóa bồi dưỡng, tập huấn 2 mô – đun cho 4000 hiệu trưởng, hiệu phó cốt cán các trường phổ thông trên toàn quốc. Cụ thể là: mô - đun 1 - “Quản trị hoạt động dạy học, giáo dục trong trường tiểu học/THCS/THPT” (năm 2019); mô - đun 2 - "Quản trị nhân sự trong trường tiểu học/THCS/THPT" (năm 2020).
Kết quả khảo sát cho thấy, gần 99% cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán hài lòng với mô - đun bồi dưỡng trên các phương diện như: mục tiêu, nội dung mô - đun bồi dưỡng, phương pháp bồi dưỡng, đánh giá kết quả, học liệu, công tác tổ chức, báo cáo viên/giảng viên và tác động của mô đun bồi dưỡng.
Đây là động lực để Ban tổ chức tiếp tục triển khai, thực hiện Chương trình bồi dưỡng mô - đun 3 về quản trị tài chính trường tiểu học/THCS/THT theo hướng tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình.
“Điều chúng tôi mong muốn là, sau khóa bồi dưỡng, tập huấn; các học viên sẽ hỗ trợ đồng nghiệp, bồi dưỡng đại trà cho các cán bộ quản lý giáo dục ở địa phương về quản trị tài chính đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018” - PGS.TS Trần Hữu Hoan nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Đình Chuẩn – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), sau khi hoàn thành khóa bồi dưỡng, tập huấn mô – đun 3, học viên cần đạt được một số yêu cầu như: Khái quát được nguyên tắc, quy định chung về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và yêu cầu, nhiệm vụ của hiệu trưởng trường tiểu học;
Đồng thời, phân tích được mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ quản trị tài chính ở trường tiểu học theo hướng tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình, hướng tới nâng cao kết quả giáo dục học sinh.
Ngoài ra, học viên cần tổ chức được hoạt động quản trị tài chính trong trường tiểu học hướng tới kết quả giáo dục học sinh tốt hơn; xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, lập dự toán ngân sách, quản lý thu – chi, báo cáo tài chính, kiểm tra tài chính công khai minh bạch ngân sách.
Mặt khác, tổ chức vận động, tiếp nhận quản lý và sử dụng các khoản tài trợ của các cơ quan, tổ chức cá nhân trong và ngoài nước; xây dựng được kế hoạch tự học và hỗ trợ đồng nghiệp về quản trị tài chính trường tiểu học, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp
Bày tỏ vui mừng khi được là cán bộ quản lý cốt cán tham gia khóa bồi dưỡng, tập huấn, thầy Ngô Lê Tám – Hiệu trưởng Trường tiểu học Minh Tân (Sơn Lộc, Đồng Nai) bộc bạch, trước đây việc quản trị tài chính ở nhà trường thường được làm theo kinh nghiệm nên chưa thực sự bài bản, khoa học. Vì vậy, khi xây dựng kế hoạch tài chính cho các hoạt động giáo dục còn lúng túng, thiếu chặt chẽ.
Tâm đắc với khóa bồi dưỡng, tập huấn mô – đun 3, thầy Tám tin tưởng, sau khóa bồi dưỡng, tập huấn sẽ việc xây dựng được kế hoạch tài chính của nhà trường “chuẩn chỉ”, đúng với Luật Ngân sách và các văn bản quy định hiện hành.
Quan trọng hơn, thầy sẽ xây dựng kế hoạch tự học, tự bồi dưỡng và hỗ trợ đồng nghiệp tại địa phương về quản trị tài chính thông qua các hoạt động như: sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường, các đợt giao ban, hội thảo, hội nghị để chia sẻ các bài học kinh nghiệm với đồng nghiệp. Qua đó, nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong quản trị tài chính theo định hướng tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình, đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.