Tính đến năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh có 10 trường phổ thông dân tộc nội trú, với hơn 3.000 học sinh (chủ yếu là học sinh dân tộc Khmer). Tất cả học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú đều học tập, sinh hoạt và ăn ở tại trường (ở nội trú).
Tại khoản 2, Điều 2 Thông tư 109/2009/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009 của Bộ Tài chính và Bộ GD& ĐT, hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và trường dự bị đại học, quy định “mức học bổng chính sách bằng 80% mức lương tối thiểu của Nhà nước và được hưởng 12 tháng trong năm”. Do đó, cử tri Sóc Trăng đề nghị tăng lên từ 80% lên 100% mức lương tối thiểu, nhằm thực hiện tốt công tác nuôi dưỡng và cải thiện các bữa ăn đầy đủ, đảm bảo sức khỏe cho học sinh học tập tốt hơn.
Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Hiện nay, học bổng chính sách đối với học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú đang được hưởng ở mức 80% mức lượng cơ sở/tháng quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 9, Chương IV Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Giáo dục.
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng báo cáo, đề xuất Chính phủ theo hướng sửa đổi, bổ sung học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú là đối tượng hưởng hỗ trợ gạo (15kg/tháng và hưởng 9 tháng/năm) theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; và tích hợp các nội dung, chính sách trong Thông tư 109 vào một số văn bản chính sách khác. Sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng văn bản sửa đổi, bổ sung và trình Chính phủ xem xét phê duyệt trong năm 2022.