Một nghiên cứu gần đây đang làm sáng tỏ nghi thức an táng đặc biệt của nền văn hóa cổ Xiaohe – một nền văn hóa chôn người chết trong những chiếc thuyền giữa lòng sa mạc.
Ban đầu, nghĩa trang của văn hóa Xiaohe hiện lên trước mắt các nhà khảo cổ như những cây cọc dựng đứng giữa sa mạc. Tuy nhiên, khi khai quật xuống bên dưới, toàn bộ khu vực hiện ra như một hạm đội thuyền có mái chèo, tựa như đang tiến vào bờ.
Văn hóa Xiaohe từng tồn tại ở lưu vực Tarim, nay là khu Tân Cương, Trung Quốc, một vùng sa mạc có những dòng nước nông chảy len qua cát. Cụ thể, họ sinh sống ở lưu vực Tashkurgan, nơi hình thành các ốc đảo nhờ lượng mưa mùa hè.
Nền văn hóa thời kỳ đồ đồng này sống cùng đàn gia súc từ khoảng năm 1950 đến 1400 trước Công nguyên, trong điều kiện được mô tả là gần như mơ mộng.
Dù có các nghi thức chôn cất riêng biệt, giới khảo cổ hiện vẫn biết rất ít về họ, phần lớn kiến thức dựa trên số lượng mộ táng hiếm hoi được khai quật.
Một nghiên cứu mới đăng trên Asian Archaeology đã nỗ lực xem xét lại các quan tài hình thuyền của Xiaohe trong bối cảnh văn hóa và môi trường rộng lớn hơn, với hy vọng giải mã thêm những bí ẩn xoay quanh nền văn hóa này.
Nghi thức mai táng kỳ lạ từ Trung Hoa cổ đại
Nghiên cứu của tiến sĩ Gino Caspari tập trung vào nét thi vị trong văn hóa Xiaohe, mô tả các quan tài hình thuyền có chứa thi thể được bảo quản cực kỳ tốt – nhờ điều kiện khô ráo của khu vực.
Đáng chú ý, những cọc gỗ đánh dấu mộ có hình dạng như mái chèo, càng làm tăng vẻ bí ẩn cho khu nghĩa trang.
Dù được phát hiện từ đầu thế kỷ 20, nhưng đến những năm 2000, Viện Khảo cổ Tân Cương mới tiến hành khai quật quy mô lớn và phát hiện thêm 167 ngôi mộ hình thuyền, nâng tổng số lên đáng kể so với 12 mộ ban đầu. Theo trang Phys, tổng số mộ ban đầu có thể lên đến khoảng 350, song nhiều mộ đã bị xói mòn và hủy hoại theo thời gian.
Sự nguyên vẹn đáng kinh ngạc của các thi hài, trong đó có cả dấu tích sữa và đồ uống lên men giống kefir, khiến ông Caspari cho rằng cần có một cách tiếp cận nghiêm túc hơn trong việc lý giải khu vực này.
Các nghi lễ chôn cất thường hé lộ cấu trúc xã hội, vai trò và danh tính trong cộng đồng, nhưng khu nghĩa trang đặc biệt này vẫn chưa được phân tích sâu.

Ba kiểu mộ chôn người
Phần lớn các thi hài được đặt trong quan tài gỗ hình thuyền và chôn trực tiếp xuống hố cát. Tuy nhiên, chỉ có 4 ngôi mộ được bọc thêm lớp đất sét, điều này có thể phản ánh địa vị xã hội cao hơn. Đáng nói, cả 4 mộ đất sét này đều chứa hài cốt phụ nữ.
Ở phía bắc khu nghĩa trang, một lối vào hình thang được dựng bằng các cọc và ván gỗ dẫn đến một buồng hình chữ nhật.
Kỳ lạ thay, dù có phát hiện hộp sọ và da bò, các nhà khảo cổ lại không tìm thấy bất kỳ thi thể người nào, làm dấy lên nhiều nghi vấn về chức năng thực sự của cấu trúc này.
Trước đây, một số giả thuyết cho rằng các cọc gỗ đặt ở đầu quan tài mang hình tượng sinh thực khí: đầu sơn đỏ được hiểu là biểu tượng dương vật, còn đầu hình oval là biểu tượng âm hộ.
Tuy nhiên, những dấu hiệu này lại không phân bổ theo giới tính người chết, khiến đức tin của người Xiaohe vẫn là điều bí ẩn.
Để mở ra hướng tiếp cận mới, ông Caspari đưa ra giả thuyết dựa trên môi trường và văn hóa Xiaohe.
Nghiên cứu nhấn mạnh: lưu vực Tarim được hình thành bởi các con sông và ốc đảo – chính là mạch sống giữa sa mạc – nơi người Xiaohe cư trú.
Điều này cho thấy, việc đặt người chết vào “thuyền” có thể biểu tượng cho hành trình đến thế giới bên kia – phản ánh cách họ sinh sống hàng ngày.
Ông Caspari cho rằng, những cọc gỗ có thể tượng trưng cho mái chèo hoặc cột neo, nhằm dẫn đường và giữ chỗ cho người đã khuất nơi thế giới bên kia.
Dù chưa thể giải mã toàn bộ ký hiệu đặc trưng, nhưng hình dáng dựng đứng của chúng có thể gợi mở niềm tin về một thế giới đảo ngược – quan niệm từng xuất hiện ở nhiều nền văn hóa cổ đại khác.

Xiaohe là ai?
Nguồn gốc của văn hóa Xiaohe xuất hiện khá đột ngột trong lịch sử Trung Quốc. Các nghiên cứu ADN ty thể vào năm 2010 và 2015 phát hiện dòng gen hỗn hợp từ Siberia trung tâm và phía đông, Tây Á – châu Âu và cả Nam Á, điều này đã thách thức các giả định trước đó.
Tuy nhiên, các nghiên cứu di truyền gần đây đã bác bỏ giả thuyết này, cho rằng đây có thể là một nhóm dân cư biệt lập về mặt di truyền.
Truyền thống khảo cổ trước đây thường nghiên cứu Xiaohe như một hiện tượng tách biệt, theo logic di truyền. Tuy nhiên, nghiên cứu mới kêu gọi giới khoa học cần đặt họ vào bối cảnh văn hóa và môi trường rộng lớn hơn.
“Lúc này, tất cả vẫn chỉ là suy đoán. Chúng tôi đơn giản là chưa có đủ dữ liệu. Việc tiếp cận khu vực này cực kỳ khó khăn (ngay cả với các nhà nghiên cứu Trung Quốc), nên sẽ còn lâu mới có câu trả lời chắc chắn.
Điều này rất đáng tiếc và đôi khi gây nản lòng, bởi Tân Cương đóng vai trò quan trọng trong việc hiểu được động lực tiền sử của Trung Á,” ông Caspari chia sẻ trên Phys.