“Quán quân”… buồn

GD&TĐ - 8,3 lít cồn, tương đương 470 chai bia - đó là con số thống kê mà mỗi người Việt Nam trưởng thành tiêu thụ trong 1 năm, đạt mức “quán quân” thế giới. Nhưng ấy đã là con số cũ, bởi nó được thống kê từ năm 2016, do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố. 

“Quán quân”… buồn

Tại hội thảo “Xây dựng chính sách về phòng, chống tác hại của rượu bia”, do Bộ Y tế tổ chức ngày 22/4, PGS. TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế - cho biết, mức độ tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng.

Năm 2015, Việt Nam sản xuất 3,4 tỷ lít bia, 70 triệu lít rượu công nghiệp và khoảng 250 triệu lít rượu thủ công… Đó cũng là con số cũ, và không thể chính xác. Chỉ chính xác một điều là, ngôi vị “quán quân” ấy thật đáng buồn, đáng báo động. Chính TS Kidong Park - Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam - cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng sử dụng bia rượu của người Việt.

Không quan ngại sao được, khi kết quả điều tra nguy cơ mắc bệnh lây nhiễm năm 2015 cho thấy, 44% số người uống rượu bia ở Việt Nam uống quá độ, 48% số thanh niên từ 14 - 17 tuổi uống rượu bia, 48% số người trưởng thành là nam giới lái xe sau khi uống rượu bia…

Một thống kê cũ khác, việc sử dụng rượu bia ở Việt Nam dẫn đến 79.000 ca tử vong năm 2016, hàng trăm nghìn người khác phải nhập viện điều trị liên quan đến rượu bia như đột quỵ, suy tim, tổn thương gan, xơ gan, viêm tuỵ cấp, mãn tính… Ấy là còn chưa kể đến những hậu quả khác do “ma men” gây ra, liên quan đến bạo lực gia đình, tội phạm… Đáng quan ngại hơn, cứ sau mỗi dịp lễ, Tết, số vụ tai nạn giao thông do bia, rượu gây ra được thống kê cũng gióng lên hồi chuông báo động. Nhưng năm này qua năm khác, tình trạng đó vẫn lặp đi, lặp lại.

Nguyên nhân thì có nhiều, do thói quen, do nhu cầu, do sự cả nể, dễ dãi… của mỗi người dân. Điều ấy thật không dễ để tuyên truyền, giáo dục, quán triệt, thực hiện nghiêm chỉnh, nếu tự thân mỗi người không tự ý thức. Vấn đề lớn hơn, đó là hệ thống pháp luật về phòng chống tác hại của rượu, bia ở nước ta còn nhiều khoảng trống. Đó mới chỉ là những chính sách mang tính định hướng, chứ chưa được thể chế hóa thành các quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao.

Tôi đã nhiều lần đến một số nước trên thế giới và thấy không ít quốc gia có chính sách kiểm soát rượu, bia rất chặt chẽ, nghiêm minh, nhất là trong việc quy định khu vực được bán, người được mua, cũng như chính sách sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, tiêu thụ bia, rượu. Và kết quả đạt được rất khả quan, tai nạn giao thông giảm, bệnh tật do bia rượu gây ra được hạn chế, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm…

Đành rằng mỗi quốc gia có cách làm riêng, không thể áp dụng một cách máy móc, cứng nhắc trong việc kiểm soát rượu, bia. Nhưng có một điểm chung, chỉ khi ban hành được các quy định nghiêm khắc trong việc sản xuất, tiêu thụ rượu, bia thì mới tác động từng bước, tiến tới kiểm soát, ngăn ngừa được tình trạng sử dụng bia, rượu tràn lan, lãng phí, gây nhiều tác động tiêu cực tới gia đình, xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.