(GD&TĐ) - Ngành GD&ĐT Thủ đô đang tận dụng cơ hội mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm tăng khả năng cạnh tranh về chất lượng giáo dục, thiết lập các sự liên kết, tiến tới xây dựng các diễn đàn, hội nghị quốc tế tạo sức bật trong các nhà trường... PV báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Trường - Trưởng phòng Quản lý giáo dục có yếu tố nước ngoài - Sở GD&ĐT Hà Nội xung quanh công tác quản lý các trường phổ thông có yếu tố nước ngoài trên địa bàn Thủ đô.
Học sinh tại các trường song ngữ quốc tế cùng lúc học 2 chương trình phổ thông trong nước và nước ngoài |
Xin ông giới thiệu đôi nét mô hình phát triển trường phổ thông có yếu tố nước ngoài ở Hà Nội hiện nay?
- Tính đến tháng 9/2013 số lượng các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài (GDCYTNN) ở Hà Nội có vốn đầu tư nước ngoài được Sở GD&ĐT Hà Nội cấp phép và quản lý hoạt động theo hình thức đầu tư có lợi nhuận là 70 dự án giáo dục trên tổng số 29 pháp nhân có vốn đầu tư nước ngoài cung cấp các loại hình giáo dục mầm non, phổ thông, đào tạo ngắn hạn ngoại ngữ và các chuyên ngành. Thống kê theo cấp học gồm: 18 trường mầm non; 11 trường tiểu học; 9 trường THCS; 6 trường THPT và 26 trung tâm ngoại ngữ, đào tạo ngắn hạn. Bên cạnh đó còn có 7 cơ sở văn hóa, giáo dục nước ngoài hoạt động theo hình thức đầu tư phi lợi nhuận có báo cáo hoạt động với Sở GD&ĐT Hà Nội.
Đó là Hội đồng Anh, Trường Quốc tế Unis, Viện Goethe, VPĐD ĐH Kanazawa Nhật Bản; VPĐD ĐH Tây Anh Quốc, Trường Nhật Bản, Trường Pháp Yersin. Sở GD&ĐT cũng cho phép các trường học công lập và ngoài công lập hợp tác, liên kết với cá nhân, tổ chức nước ngoài triển khai 124 đề án hợp tác đào tạo ở các cấp học với các chương trình tăng cường tiếng Anh với giáo viên nước ngoài, chương trình song ngữ quốc tế, tình nguyện viên, dự án liên kết đào tạo ngắn hạn...
Mô hình trường phổ thông có yếu tố nước ngoài là mô hình mới, đáp ứng nhu cầu hội nhập của ngành GD&ĐT cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng. Vậy công tác quản lý, chỉ đạo các hoạt động của loại hình này tập trung vào những nội dung gì?
- Để nắm bắt được tình hình hoạt động, sự thay đổi về tổ chức, nhân sự, địa điểm của cơ sở GDCYTNN, từ đó kịp thời hướng dẫn và đôn đốc các cơ sở thực hiện đúng các quy định của nhà nước, Sở GD&ĐT yêu cầu các CSGD - ĐTCYTNN sau khi được cấp phép hoạt động phải thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 6 tháng/lần vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm. Đối với những đơn vị trường học có hợp tác, liên kết với nước ngoài phải có đề án khả thi trình Sở GD&ĐT thẩm định, xem xét các điều kiện tổ chức thực hiện; Khi được phép triển khai thì các trường phải thực hiện nghiêm túc việc thành lập các ban điều hành đề án, lên kế hoạch hàng năm, thực hiện tốt các khâu liên quan đến công tác tuyển sinh, thu chi tài chính, tổ chức đào tạo, đánh giá, công nhận kết quả và phát chứng chỉ tốt nghiệp cho học sinh, chịu trách nhiệm về chất lượng liên kết đào tạo; Sở GD&ĐT tổ chức hướng dẫn, thẩm định các điều kiện tổ chức hoạt động của các đề án liên kết tại từng trường. Khi các trường thực hiện nghiêm túc việc báo cáo định kỳ, Sở có thể cập nhật các thông tin liên quan đến tình hình hoạt động, những thay đổi đột xuất hay phát hiện sớm những sự vụ nảy sinh trong quá trình hoạt động của các trường để kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh những yếu kém và phát huy những mặt tích cực, hiệu quả.
Xin ông cho biết công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng dạy và học?
- Do đặc tính riêng, các cơ sở GDCYTNN trên địa bàn TP Hà Nội không chỉ chịu sự quản lý của riêng ngành GD&ĐT mà còn liên quan đến các Sở, ngành khác nên công tác kiểm tra, đánh giá cũng cần sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ hơn. Để triển khai các hoạt động của Ban kiểm tra liên ngành Thành phố (QĐ 08/QĐ-UBND ngày 04/01/2011), Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, phối kết hợp với các cơ quan trên địa bàn, Phòng GD&ĐT quận, huyện, các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Công an Thành phố, Cục thuế, Sở Ngoại vụ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội kiểm tra liên ngành toàn bộ hoạt động hành chính và chuyên môn của các CSGD - ĐTCYTNN đã đăng ký hoạt động và chưa đăng ký hoạt động trên địa bàn.
Qua thanh kiểm tra, tiếp xúc, dự giờ, trao đổi trực tiếp với lãnh đạo, giáo viên và học sinh, thông qua kiểm tra hồ sơ quản lý hành chính, hồ sơ học sinh... tại các CSGD - ĐTCYTNN Sở đã phát hiện được những điểm tích cực, những kinh nghiệm hay trong việc tổ chức hoạt động đảm bảo hiệu quả, chất lượng, những cơ sở chấp hành tốt các quy định của nhà nước, đồng thời phát hiện được những sai phạm, những nội dung chưa đúng quy định để kịp thời chấn chỉnh, tăng cường các biện pháp quản lý.
Học sinh Việt Nam học tại Trường quốc tế Singapore Hà Nội |
Ông có thể nói rõ hơn việc quản lý chương trình giáo dục các loại hình trường có yếu tố nước ngoài được tiến hành ra sao?
- Hiện nay trên địa bàn TP có 3 trường THPT có vốn đầu tư nước ngoài có học sinh Việt Nam theo học là Trường quốc tế Singagpore và Trường song ngữ quốc tế Horizon, Trường BVIS đảm bảo được việc thực hiện giảng dạy chương trình, SGK phổ thông môn học theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT. Sở GD&ĐT Hà Nội đặc biệt coi trọng việc giám sát bảo đảm chất lượng và chương trình, SGK giáo dục phổ thông tại các cơ sở GD quốc tế và liên kết quốc tế.
Đối với các chương trình quốc tế khác, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các cơ sở đăng ký chương trình và các tài liệu chi tiết. Chương trình đảm bảo không có nội dung truyền bá tôn giáo và không trái với pháp luật Việt Nam. Chương trình đã được kiểm định, công nhận bởi một cơ quan kiểm định có đầy đủ tư cách pháp lý của quốc tế hoặc nước ngoài. Đối với các trường học công lập và ngoài công lập có hợp tác, liên kết với cá nhân, tổ chức nước ngoài, Sở chỉ cho phép triển khai tăng cường chương trình tiếng Anh với GV nước ngoài, chương trình song ngữ quốc tế, tình nguyện viên, dự án liên kết đào tạo ngắn hạn...
Qua thực tế vận hành các trường phổ thông có yếu tố nước ngoài ở Hà Nội, Sở có kiến nghị, đề xuất gì, thưa ông?
- Hiện nay, các CSGD-ĐTCYTNN đang vận hành theo khá nhiều chương trình: Chương trình hoàn toàn của nước ngoài, có bổ sung một phần nhỏ học về văn hoá Việt Nam; Chương trình các môn học, đặc biệt là khoa học Tự nhiên và Công nghệ là của nước ngoài nhưng học thêm một số môn Khoa học xã hội và nhân văn bám sát chương trình Việt Nam; Chương trình song ngữ, đồng thời dạy bằng tiếng nước ngoài và tiếng Việt Nam đối với một số môn, trong đó có một vài môn dạy hoàn toàn tiếng nước ngoài theo chương trình nước ngoài.
Chương trình giáo dục của Việt Nam có tăng cường thêm Tiếng Anh và dạy song ngữ đối với một vài môn (chủ yếu theo chương trình Việt Nam); đối với các trường sử dụng chương trình Việt Nam là chủ yếu thì đã bám sát mục tiêu đào tạo được qui định trong các văn bản pháp qui của Nhà nước, của ngành. Riêng đối với học sinh là người Việt học tại các trường chỉ sử dụng chương trình nước ngoài thì còn có một số vấn đề gây tranh cãi, liên quan đến mục tiêu hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực của con người Việt Nam, hội nhập được với quốc tế nhưng vẫn phải giữ được bản sắc Việt Nam.
Để công tác quản lý đạt được sự đồng bộ, phối hợp chặt chẽ từ khâu cấp phép đến khâu quản lý hoạt động, tránh tình trạng thương hiệu lớn mà chất lượng lại nhỏ trong các CSGD -ĐTCYTNN, Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra 3 kiến nghị, đề xuất:
Mong muốn của Sở GD&ĐT là được Bộ GD&ĐT, Vụ Hợp tác quốc tế quan tâm, hỗ trợ các chương trình, đề án đào tạo và bồi dưỡng giáo viên trong và ngoài nước; Nối kết các mối quan hệ hợp tác của nước ngoài đối với Giáo dục Thủ đô, tạo cơ hội và điều kiện cho ngành GD&ĐT được giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác với các nước trong trong khu vực và quốc tế.
Sở cũng đề nghị Bộ GD&ĐT sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 73/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, đáp ứng những yêu cầu thực tiễn trong quản lý và hoạt động, đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo đối với các cơ sở giáo dục hợp tác, đầu tư của nước ngoài ở Việt Nam và nghiên cứu ban hành Quy định dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong các trường phổ thông nhằm tạo thuận lợi cho các cơ quan quản lý giáo dục trong quá trình giám sát, đánh giá.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Kỳ Vũ (Thực hiện)
TIN LIÊN QUAN |
---|