Quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT vừa ban hành quy định công tác quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam.

Quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam

Quy chế này quy định công tác quản lý người nước ngoài học tập tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam, bao gồm: học sinh tiểu học, THCS, THPT, TCCN; sinh viên CĐ, ĐH; học viên chương trình đào tạo thạc sĩ; nghiên cứu sinh; học viên chương trình bồi dưỡng nâng cao trình độ; thực tập sinh.

Theo đó, lưu học sinh (LHS) phải đáp ứng các điều kiện về học vấn, chuyên môn, sức khỏe, độ tuổi, hồ sơ.

Cụ thể, LHS vào học chương trình trung học phổ thông, TCCN, CĐ, ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ phải có văn bằng tốt nghiệp tối thiểu tương đương văn bằng tốt nghiệp của Việt Nam quy định với từng cấp học và trình độ đào tạo. Đồng thời đạt các yêu cầu về trình độ tiếng Việt, về học vấn, chuyên môn… theo quy định của cơ sở tiếp nhận.

Bên cạnh đáp ứng các điều kiện về sức khỏe, LHS thỏa mãn các điều kiện về tuổi đối với lưu học sinh Hiệp định thực hiện theo các Hiệp định, Thỏa thuận của Việt Nam ký kết với các nước, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế. Không hạn chế tuổi đối với lưu học sinh học bổng khác và lưu học sinh tự túc.

LHS chưa đủ trình độ tiếng Việt để học chương trình đào tạo chính thức bằng tiếng Việt thì phải học dự bị tiếng Việt.

Việc học bổ sung kiến thức chuyên ngành để đạt yêu cầu được vào học trình độ thạc sĩ, tiến sĩ (nếu cần) do cơ sở giáo dục tiếp nhận đào tạo tổ chức thực hiện cho LHS trong thời gian tối đa là 1 năm học sau khi lưu học sinh hoàn thành khóa học dự bị tiếng Việt.

Sau khi kết thúc khóa học dự bị, lưu học sinh phải tham dự kiểm tra trình độ tiếng Việt, nếu đạt yêu cầu sẽ được chuyển vào học chương trình chính thức; nếu không đạt yêu cầu thì phải tiếp tục học bổ sung và dự đợt kiểm tra khác đến khi đạt yêu cầu và được cấp chứng chỉ để được chuyển vào học chương trình chính thức.

LHS học chương trình TCCN, CĐ, ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ được miễn áp dụng chuẩn ngoại ngữ đầu ra quy định đối với công dân Việt Nam học các chương trình đào tạo tương ứng giảng dạy bằng tiếng Việt.

LHS học chương trình TCCN, CĐ, ĐH được miễn học môn Giáo dục quốc phòng - an ninh và được lựa chọn học môn học thay thế bao gồm: tiếng Việt nâng cao, Văn hóa Việt Nam, Lịch sử Việt Nam hoặc các môn tự chọn khác do thủ trưởng cơ sở giáo dục quyết định căn cứ vào điều kiện thực tế của cơ sở giáo dục.

Quy định trên không áp dụng đối với trường hợp lưu học sinh được tiếp nhận vào học các chuyên ngành về quốc phòng - an ninh.

Đặc biệt, các LHS phải thực hiện đăng ký, cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin vào hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử quản lý lưu học sinh tại địa chỉ http://lhsnn.vied.vn chậm nhất 30 ngày sau khi đến Việt Nam nhập học và cập nhật thông tin hằng năm hoặc khi có sự thay đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ