Quản lý karaoke ở Thanh Hóa, nơi chấp hành, nơi buông lỏng

GD&TĐ - Sau nhiều tháng khắc phục, đến nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá chỉ có 164/828 cơ sở kinh doanh karaoke hoạt động trở lại.

Cơ sở kinh doanh karaoke đã đáp ứng được các điều kiện về PCCC và được hoạt động trở lại.
Cơ sở kinh doanh karaoke đã đáp ứng được các điều kiện về PCCC và được hoạt động trở lại.

Trong khi nhiều cơ sở karaoke nỗ lực cải tạo nhằm đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) để hoạt động thì cũng có những cơ sở không đủ điều kiện vẫn ngang nhiên mở cửa đón khách.

Gần 20% cơ sở hoạt động trở lại

Sau thời gian cao điểm lực lượng chức năng ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm PCCC, hầu hết các cơ sở karaoke trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá phải tạm dừng hoạt động do không đảm bảo các yêu cầu theo quy định.

Sau nhiều tháng khắc phục, đến nay địa phương này cũng chỉ có 164/828 cơ sở kinh doanh karaoke hoạt động trở lại. Nhiều chủ cơ sở phải giải thể, một số cơ sở phải giảm số phòng hát vì không thể cải tạo để đảm bảo các điều kiện PCCC.

Chị Đỗ Thị Dung, chủ cơ sở karaoke An Viên, thị trấn Ngọc Lặc (huyện Ngọc Lặc), chia sẻ: “Cơ sở của gia đình mới trở lại hoạt động được 3 tháng nay sau 3 năm phải tạm dừng hoạt động do dịch Covid-19 và chưa đảm bảo điều kiện PCCC. Để trở lại hoạt động, gia đình tôi phải đầu tư rất nhiều, khoảng 200 - 300 triệu đồng vào thiết bị PCCC. Tuy nhiên cũng chỉ được 3 phòng đảm bảo”.

Ông Phạm Văn Đồng, Chủ tịch UBND thị trấn Ngọc Lặc, cho biết: “Thị trấn Ngọc Lặc có 11 cơ sở kinh doanh karaoke. Trước khi chưa thực hiện theo quy định mới về PCCC, hầu hết cơ sở không đảm bảo điều kiện theo quy định nên đã yêu cầu đóng cửa và khắc phục. Đến nay có 5 cơ sở đã đủ điều kiện hoạt động trở lại”.

Toàn huyện Ngọc Lặc có 29 cơ sở karaoke. Hiện đã khắc phục và đưa vào hoạt động 14 cơ sở. Trong đó, 3 cơ sở không thể cải tạo được, buộc phải chuyển sang công năng khác.

Tại huyện Thường Xuân, có 29 cơ sở karaoke. Địa phương này có 17 cơ sở phải ngừng hoạt động hoàn toàn vì không thể cải tạo để đảm bảo công tác PCCC. Hiện nay, toàn huyện có 9 cơ sở đã hoạt động trở lại.

“Cơ sở của gia đình tôi có 6 phòng, nhưng mới chỉ khắc phục các điều kiện PCCC được 5 phòng và xin cấp phép hoạt động trở lại từ tháng 6/2023”, chị Lê Thị Hương, chủ cơ sở karaoke Đức Hương, thị trấn Thường Xuân (huyện Thường Xuân) cho biết.

Theo thông tin từ Công an huyện Thường Xuân, nhiều cơ sở karaoke do diện tích hẹp, đa số là nhà ở kết hợp kinh doanh nên khi quy định mới ra đời đã không đảm bảo về hành lang, thang thoát hiểm. Nhiều cơ sở không thể cải tạo, sửa chữa được phải ngừng hoạt động hoàn toàn.

Ghi nhận thực tế tại các địa phương, đối với các cơ sở karaoke 2 tầng trở lên còn tồn tại vấn đề như: Vật liệu trang trí nội thất trong các phòng hát đang là vật liệu dễ cháy, cửa các phòng chưa phải là cửa chống cháy, không mở theo chiều thoát nạn, thang thoát nạn ngoài nhà chưa có, chưa làm buồng thang thoát nạn kín bên trong nhà, chưa lắp đặt hệ thống báo cháy liên động với hệ thống điện…

Đối với các cơ sở karaoke 1 tầng, một số cơ sở điều kiện thoát nạn từ các phòng hát ra bên ngoài hành lang không đảm bảo chiều rộng thoát nạn, cửa các phòng hát không mở theo chiều thoát nạn, chưa lắp đặt hệ thống báo cháy liên động với hệ thống điện…

Tại thời điểm kiểm tra, chủ quán karaoke Kiên Chung không cung cấp được giấy tờ, hồ sơ hoạt động theo quy định.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ quán karaoke Kiên Chung không cung cấp được giấy tờ, hồ sơ hoạt động theo quy định.

Bị tạm dừng hoạt động vì chưa đảm bảo các điều kiện PCCC, cơ sở kinh doanh karaoke Kiên Chung (thị xã Nghi Sơn) vẫn ngang nhiên hoạt động.

Bị tạm dừng hoạt động vì chưa đảm bảo các điều kiện PCCC, cơ sở kinh doanh karaoke Kiên Chung (thị xã Nghi Sơn) vẫn ngang nhiên hoạt động.

Vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý

Thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa có 58 cơ sở kinh doanh karaoke, toàn bộ cơ sở này không đủ điều kiện đảm bảo quy định về PCCC và đang bị tạm dừng hoạt động.

Ông Trịnh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn cho biết: “Đến giờ phút này, các đơn vị không có hoạt động kinh doanh karaoke. Trên địa bàn có 9 cơ sở (karaoke 1 tầng) có thể khắc phục được công tác PCCC. Chúng tôi dự kiến khoảng 2 tuần nữa sẽ có những cơ sở karaoke đầu tiên được cấp phép hoạt động trở lại”.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn cũng khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo Công an thị xã, các ban ngành có liên quan tăng cường công tác theo dõi, giám sát việc dừng hoạt động của các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC.

Tuyệt đối không để xảy ra trường hợp hoạt động chui, hoạt động khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH. Đối với những trường hợp cố tình hoạt động trái phép, thị xã Nghi Sơn đã xử lý nghiêm, điển hình là cơ sở karaoke Sun Club, karaoke Hưng Biển, karaoke Minh Nhật…

Tuy nhiên, 3 ngày sau buổi làm việc với lãnh đạo thị xã Nghi Sơn, tối 3/12, phóng viên trong vai khách có nhu cầu hát đã ghi nhận một số cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn này vẫn có dấu hiệu hoạt động bình thường… Dù chưa được cấp phép nhưng các chủ quán đều không từ chối đón khách.

Tại cơ sở karaoke Kiên Chung, cách UBND thị xã Nghi Sơn chưa đầy 1 km, bất chấp yêu cầu dừng hoạt động, việc kinh doanh vẫn diễn ra công khai.

Lực lượng công an thị xã Nghi Sơn chỉ nắm bắt được tình hình kinh doanh dịch vụ hát karaoke “chui” sau khi phóng viên cung cấp thông tin và đề nghị xuống kiểm tra thực tế.

Tại thời điểm kiểm tra, có 3 phòng đang sử dụng dịch vụ. Lực lượng công an đã lập biên bản ghi nhận hiện trạng kinh doanh trái phép dịch vụ karaoke; đồng thời tiến hành kiểm tra các điều kiện về PCCC.

Qua kiểm tra cho thấy, các thiết bị PCCC đều không hoạt động được; lối thoát hiểm thứ 2 không đảm bảo theo quy định; cơ sở cũng không cung cấp được các giấy tờ, hồ sơ hoạt động theo quy định.

Trong khi đó, vấn đề PCCC tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện như karaoke đang là vấn đề nóng cần được quan tâm, quản lý chặt. Một số vụ cháy quán karaoke gây hậu quả thương tâm trong thời gian qua trên địa bàn cả nước cũng có nguyên nhân từ chính sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ