Có lộ trình sử dụng biển số xe điện tử?
Trong dự thảo Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TT ATGT) lần thứ 5 tới sẽ trình Quốc hội tới đây, Bộ Công an (đơn vị soạn thảo) sẽ đề xuất Quốc hội xem xét đối với phương thức quản lý biển số điện tử.
Theo đó, tại Khoản 9, Điều 37 của dự thảo Luật đề nghị Chính phủ quy định lộ trình sử dụng biển số xe điện tử phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và công nghệ.
Theo đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, hiện nay một số nước trên thế giới như Mỹ, Dubai đã phát triển công nghệ biển số kỹ thuật số hay còn gọi là biển số điện tử. Loại biển số này có nhiều ưu điểm về nhận diện, có thể tích hợp tính năng cứu hộ, thanh toán cước phí đường bộ…
“Hiện nay, chúng ta đang áp dụng loại biển số tôn, sơn. Nhưng với sự phát triển công nghệ như hiện nay thì mọi thứ đều thay đổi và cần phải tính toán đón đầu phù hợp với xu thế. Khi xây dựng luật này, Bộ Công an đã xác định phải làm sao đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu của người dân và phục vụ yêu cầu về quản lý Nhà nước”, đại tá Bình thông tin.
Được biết, tại một số nước, biển số điện tử được gồm tấm kính cứng bảo vệ, màn hình đơn sắc có gắn bo mạch điện tử thể hiện thông số lên màn hình và một số thiết bị phụ trợ khác.
Đồng thời, biển số điện tử có gắn thiết bị định vị GPS phát ra báo động để phòng ngừa việc trộm cắp xe. Cùng với đó, có thể phát ra thông tin tới lực lượng cứu hộ, cứu nạn khi gặp sự cố. Ngoài ra, biển số điện tử còn tích hợp việc mua và thông báo thời hạn của đăng kiểm, bảo hiểm cũng như thu phí giao thông không dừng…
Cần thiết nhưng phải phù hợp với thực tế
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Công Hùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam nhấn mạnh, chủ trương quản lý biển số điện tử của Bộ Công an đúng nhưng cần phải nghiên cứu đánh giá kỹ, xem có phù hợp với thực tiễn và khí hậu tại Việt Nam hay không?
Theo ông Hùng, các nước trên thế giới đã và đang đưa vào quản lý biển số điện tử với các loại phương tiện giao thông. Đặc biệt, là xe cá nhân, xe kinh doanh dịch vụ. Quản việc quản lý chặt chẽ trên tất cả xe ô tô sẽ có gắn hộp đen vì liên quan đến an ninh, hoàn toàn chính đáng.
“Khi Bộ Công an đưa ra phương án, đề xuất đấu giá biển số xe tôi hoàn toàn ủng hộ. Bởi việc này, phụ thuộc vào nhu cầu của từng người, nhu cầu tới đâu thì tham gia tới đó để sử dụng biển số theo mong muốn. Đương nhiên, việc này diễn ra minh bạch. Từ đó, giúp tăng nguồn thu cho Nhà nước…”, ông Hùng nói.
Liên quan đến biển số xe gắn chíp điện tử theo ông Hùng, Bộ Công an cần cân nhắc thật kỹ bởi phải phù hợp với hạ tầng giao thông, phù hợp với thời tiết và khí hậu Việt Nam.
“Ở Việt Nam khí hậu khá khắc nhiệt, liệu chíp điện tử gắn ở biển số xe thì độ bền có được bảo đảm?. Trước đây, khi họp với Cục CSGT có ý kiến gắn chíp vào biển số xe mới màu vàng chữ đen (biển số mới cho xe dịch vụ - PV). Tuy nhiên, qua nghiên cứu khi hậu Việt Nam rất khó để phù hợp với việc này.
Hạ tầng nước ta đang sử dụng là hạ tầng trên nền cũ, các nước hạ tầng phát hiện hơn tốt có thể áp dụng tốt hơn. Cùng với đó, để sửa nâng cấp hạ tầng tại nội thị, nội đô của việt Nam phải có thời gian và kinh tế nhất định…”, ông Hùng phân tích.
Ông Hùng cũng khẳng định, chủ trương biển số xe điện tử là hoàn toàn đúng đắn. Phải nghiên cứu kỹ vấn đề gắn chíp biển số xe. Nếu áp dụng có thể đối với các xe mới và có lộ trình như biển số xe vàng chữ đen mới đây.
“Bộ Công an cần nghiên cứu thật kỹ, làm thí điểm từng địa phương sau đó tổng kết đánh giá xem có phù hợp để nhân rộng? Nếu như chúng ta đã phát triển công nghệ và đưa vào Luật hóa việc lắp thiết bị giám sát hành trình cho tất cả các phương tiện tham gia giao thông kể cả xe máy thì chúng ta không cần lắp chíp nữa. Bởi trên xe ô tô kinh doanh đã có thiết bị giám sát hành trình (hộp đen). Tới đây, Bộ Công an cấp biển số xe thì cơ quan cảnh sát giao thông sẽ truy cập vào hệ thống thiết bị này để quản lý...”, ông Hùng thông tin.
“Đối với ô tô cá nhân và xe máy cũng phải đưa vào Luật hóa bắt buộc phải có thiết bị giám sát hành trình, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ quản lý tốt hơn. Đồng thời, Nhà nước phải xây dựng trung tâm phân tích quản lý dữ liệu, phương tiện. Thông qua đó, chia sẻ giữ liệu về các trung tâm điều hành giao thông địa phương, thành phố. Từ đó, các trung tâm điều hành giao thông sẽ quản lý, điều hành toàn bộ hoạt động giao thông trên địa bàn quản lý…”, ông Nguyễn Công Hùng đề xuất.