(GD&TĐ) - Có thể nói, quan hệ quân sự Nga - Trung phát triển mạnh kể từ khi Liên Xô tan rã. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, mối quan hệ đặc biệt này đang bị đình trệ. Theo các nhà phân tích, nguyên nhân cơ bản dẫn đến khủng hoảng trong quan hệ quân sự Nga - Trung là do Trung Quốc sao chép trái phép các sản phẩm quốc phòng của Nga.
Những năm gần đây, Trung Quốc thực hiện chính sách phát triển nhanh công nghiệp quốc phòng với mục tiêu có thể tự cung, tự cấp cho một quân đội được coi là đông quân nhất thế giới. Chưa hết, với tiềm lực kinh tế hùng mạnh và khao khát thỏa mãn “giấc mơ Trung Quốc”, Bắc Kinh không tiếc tiền bạc trong việc hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là đầu tư cho vũ khí, khí tài. Thường thì phát triển “nóng” bao giờ cũng có mặt trái của nó. Sao chép các loại vũ khí, khí tài, đạn dược tiên tiến của Nga đã trở thành phổ biến ở Trung Quốc. Chính vì vậy, sau hơn 10 năm hợp tác quân sự Nga-Trung nở rộ, giờ đây, Moskva đã hết sức thận trọng trong việc cung cấp vũ khí hiện đại cho Bắc Kinh.
Moskva - Bắc Kinh: Một thưở vàng son
Có thể nói, hợp tác quân sự giữa hai nước được “đơm hoa, kết trái” từ những năm đầu của thời kỳ chiến tranh lạnh. Khi đó, Stalin hào phóng ban sắc lệnh ủng hộ một phần vũ khí và công nghệ quân sự của Liên Xô cho Trung Quốc. Kết quả của cử chỉ thân thiện này khiến Bắc Kinh có số lượng lớn vũ khí hạng nặng và hạng nhẹ mang nhãn hiệu CCCP.
Kể từ đó, Trung Quốc đã đặt được nền móng cho ngành công nghiệp quốc phòng của riêng mình và gặt hái được những thành công đáng kể. Nhờ vào kỹ thuật của Liên Xô, ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc có thể sản xuất được những loại máy bay phiên bản của MIG-17, MIG-19, MIG-21, IL-14, Tu-4, Tu-16 cũng như tàu ngầm lớp “Romeo”, xe tăng T-54 và các loại súng, xe bọc thép khác nhau.
Tuy nhiên, chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” trong quan hệ giữa hai nước những năm 60 - 70 của thế kỷ trước khiến Bắc Kinh không thể tiếp cận được công nghệ vũ khí hiện đại của Liên Xô. Ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc vì thế không đạt được bất cứ sự tiến bộ nào, cho dù có rất nhiều nỗ lực.
Sự sụp đổ của Liên Xô đầu những năm 1990 đã mang lại cơ hội lớn cho Trung Quốc. Bắc Kinh như vớ được vàng. Trong bối cảnh rối ren, túng thiếu, Moskva và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ bán các loại vũ khí hiện đại của họ cho Trung Quốc như bán… rau. Trong năm 1992, Trung Quốc mua được 78 máy bay Su-27. Thương vụ này tạo ra bước đột phá về sức mạnh của quân đội Trung Quốc.
Tiếp theo là những thương vụ mua 12 tàu ngầm lớp “Kilo”; hệ thống phòng thủ tên lửa S-300; radar theo dõi không phận; 26 trực thăng K-27 và K-28; 25 máy bay vận tải quân sự IL-76 và máy bay tiếp dầu IL-78 và rất nhiều vỏ máy bay. Sau đó, hợp đồng mua 100 máy bay Su-30 đã đưa Trung Quốc trở thành bạn hàng quân sự lớn nhất của Nga. Bắc Kinh nhận 100 máy bay Su-30 trong bối cảnh quân đội Nga vẫn còn rất thiếu loại máy bay này.
Tuy nhiên, đỉnh cao của kế hoạch hợp tác quân sự Nga -Trung phải kể đến dự án sản xuất vũ khí chung trên lãnh thổ Trung Quốc. Theo đó, Bắc Kinh được phép sản xuất 200 máy bay hiệu Shenyang J-11 theo phiên bản Su-27. Tất nhiên, động cơ và phụ tùng của máy bay này được sản xuất ở Nga. Tương tự như vậy, dự án sản xuất máy bay phản lực JI-8 Hongdu, KJ-2000, Chengdu J-10 lần lượt được thực hiện. Ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc đã đạt được những thành công đáng kinh ngạc nhờ công nghệ Nga.
Và... một kết cục buồn
Mặc dù hai nước có quan hệ nồng ấm nhưng từ năm 2004, Nga đã nhận thấy Trung Quốc vi phạm thoả thuận hợp tác và không tôn trọng quyền sở hữu các sản phẩm quân sự của mình. Moskva thực sự lấy làm tức giận khi Trung Quốc copy nguyên bản máy bay Su-27 của Nga và đặt tên là Shenyang J-11. Người Nga còn giận dữ hơn khi mới đây, Trung Quốc sản xuất máy bay Shenyang J-15 theo nguyên bản Su-33 được lấy mẫu từ Ukraina.
Ngoài ra, trong sản xuất tàu ngầm, Trung Quốc cũng dựa vào mẫu của Nga rồi hoàn thiện nó. Trong việc sản xuất nhiều loại vũ khí khác, Trung Quốc cũng thực hiện chính sách copy tương tự. Điều làm người Nga lo ngại rằng Bắc Kinh đang nhanh chóng hoàn thiện các loại vũ khí có “gốc” Nga để không những từ chối nhập khẩu vũ khí từ Nga mà còn có thể xuất khẩu vũ khí của họ ra nước ngoài.
Trước thực trạng ấy, đã 6 năm qua Hạ viện Nga phản đối bán các sản phẩm quân sự, đặc biệt là loại vũ khí hiện đại cho Trung Quốc. Bằng chứng là đã mấy năm nay, hợp đồng bán 30 máy bay Su-35 cho Trung Quốc cứ nâng lên đặt xuống.
Như vậy, Nga không tin tưởng Trung Quốc với tư cách là đối tác chiến lược trong hợp tác quân sự. Bằng chứng là Nga sẵn sàng bán vũ khí hiện đại cho Ấn Độ, Việt Nam nhưng từ chối bán cho Trung Quốc. Vì lẽ đó mà trong kế hoạch chế tạo máy bay thế hệ thứ 5 (J-20) của mình, các kỹ sư Trung Quốc khó lòng tiếp cận được những máy bay cùng thế hệ của Nga. Không chỉ có máy bay, các loại tàu ngầm lớp “Lada”, tàu ngầm hạt nhân “Akula”, tàu chống tên lửa “Yakhont”, hệ thống tên lửa S-300 đời mới, máy bay Su-35 và nhiều loại vũ khí tối tân khác sẽ trở nên xa lạ với Bắc Kinh.
Duy Long (TH)