Chính vì thế, mới đây ông Aleksandr Saversky, Chủ tịch Hội Bệnh nhân toàn Nga đã viết đơn gửi Tổng Công tố viên Nga đề nghị thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe học sinh phổ thông.
Trường phổ thông như trường đại học
Bà Ekaterina, mẹ của học sinh lớp 9 Andrey ở Moskva, đã hai tuần nay hoảng sợ vì thời khóa biểu của con mình, theo đó mỗi ngày cậu phải học không dưới 8 tiết.
Nếu tính cả các tiết học thêm thì mỗi ngày cậu phải học 9 tiết, mục đích là chuẩn bị cho các em tinh thần sẵn sàng trước kỳ thi OGE sắp tới (kỳ thi cơ sở quốc gia dành cho học sinh lớp 9). Các giáo viên tuyên bố rõ ràng rằng các tiết học thêm mang tính bắt buộc, nếu học sinh muốn đạt kết quả trong kỳ thi.
Tiết học thứ 9 kết thúc vào lúc 16.45. Nghĩa là học sinh sẽ có mặt ở trường hơn 8 tiếng, vượt định mức ngày làm việc của người lớn. Đó là chưa kể bài tập ở nhà mà để hoàn thành nó Andrey phải mất một số giờ nữa.
”Nếu như Bộ luật Lao động Nga cho phép người lớn làm việc không quá 40 giờ/tuần, thì học sinh lớp 7-8 làm việc nhiều hơn người lớn 8 giờ/tuần”
Thông thường, trong tuần làm việc, một học sinh trung học đi ngủ vào lúc 1 giờ đêm. Em phải bỏ các lớp bóng chuyền, thể dục nhịp điệu vì không đủ thời gian.
Các kỳ thi còn là một thách thức nữa của hệ thống giáo dục Nga. Học sinh đi thi ở trường khác, với những giáo viên “lạ”, trước khi vào phòng thi bị lục soát xem có mang “phao” hay điện thoại di động không. Các em bị theo dõi bằng camera.
Còn nếu một giáo viên nào đó không phát hiện ra học sinh quay cóp, anh ta bị phạt 40.000 rúp. Nhưng hiếm khi anh ta bị phạt, mà thường bị đuổi việc. “Đây quả thật là trại tập trung. Đưa học sinh tới trường khác có camera theo dõi, với những giáo viên khác, địa điểm khác là một hành động dã man”, - bà Ekaterina nói.
Trẻ em mắc bệnh tăng lên
Quả thật, các bậc phụ huynh bó tay trong tình huống đó. Họ hiểu rằng đấu tranh cũng vô ích, chỉ thiệt thân. Không ai dám đương đầu trực tiếp với tập thể giáo viên.
Bà Marina, phụ huynh một học sinh lớp 5, đã đặt một câu hỏi tế nhị trên trang web của Vụ Giáo dục, rằng 4 tiết học tiếng Anh/tuần ở lớp 3 trường tiểu học có hợp lý đối với học sinh không?
Kết quả là bà bị gọi lên ban giám hiệu và bị phê bình là đã làm “lộ bí mật” của nhà trường. Rồi cuối cùng thời khóa biểu vẫn không thay đổi, còn con trai thì thị bị các giáo viên ngấm ngầm “để bụng”.
Sau khi phân tích Bộ luật Nga trong lĩnh vực bảo vệ lao động và tiêu chuẩn vệ sinh phòng bệnh, Chủ tịch Hội Bệnh nhân Aleksandr Saversky kết luận rằng học sinh hôm nay “cày” nhiều hơn người lớn. Khủng khiếp nhất là luật pháp cho phép điều đó.
Như vậy, theo Bộ luật Lao động, trẻ em từ 14-16 tuổi được phép làm việc 24 giờ/tuần; 16-18 tuổi -25 giờ, còn người lớn – 40 giờ. Nhưng các yêu cầu vệ sinh dịch tễ về điều kiện và tổ chức học tập trong các trường phổ thông cho phép trẻ em lớp hai (7-8 tuổi) làm việc lâu hơn so với một người 15 tuổi được phép làm việc theo Bộ luật Lao động LB Nga; học sinh lớp 6 (12-13 tuổi) – làm việc như người lớn, nghĩa là 40 giờ/tuần, trong điều kiện tuần làm việc 6 ngày. Ngoài ra, vì mục đích cạnh tranh nhà trường thường bắt học sinh học nhiều hơn.
Mà điều chủ yếu là học sinh không tiếp thu được các kiến thức có hệ thống, ở các em hình thành tư duy đứt đoạn, còn giáo viên đánh mất vai trò người thầy, trở thành người chuyển tải những bài trắc nghiệm thiếu suy nghĩ.
Điều ấy sẽ dẫn tới hậu quả gì? Theo báo cáo của Trung tâm Khoa học Sức khỏe Trẻ em thuộc Viện Hàn lâm Y học Nga, trong 10 năm gần, đây tỷ lệ rối loạn sức khỏe của trẻ em dưới 14 tuổi tăng 26,8%.
Đối với trẻ em lứa tuổi lớn hơn (15-17 tuổi) chỉ số mắc bệnh tăng gấp đôi. Ví dụ, theo số liệu của các chuyên gia, ở Moskva có khoảng 5-7% trẻ em nằm trong nhóm sức khỏe thứ nhất. Trong số các rối loạn sức khỏe phổ biến nhất là rối loạn về tâm lý và hành vi.
Các chuyên gia ở Trung tâm sức khỏe trẻ em thuộc Viện Hàn lâm Y học Nga cho biết sự rối loạn chức năng tăng mạnh ở học sinh lớp 9, điều này làm xuất hiện các rối loạn thần kinh và chứng võng động mạch ở học sinh trong giai đoạn ôn thi căng thẳng.
Nhưng đáng sợ nhất là số vụ trẻ vị thành niên tự tử ở Nga hiện nay cao hơn chỉ số chung của thế giới ba lần. Năm 2015 ở LB Nga, xảy ra hơn 460 vụ trẻ em tự tử. Số vụ tự tử bất thành cao hơn 10 đến 20 lần so với các vụ tự tử thành công. Tỷ lệ trẻ em tự tử càng ngày càng tăng (30-37%).
Theo các chuyên gia, số vụ tự tử của trẻ em tăng lên vào giai đoạn giao thời giữa mùa xuân và mùa hè, nghĩa là liên quan tới các kỳ thi. Ông Aleksandr Saversky nhận xét rằng số lượng các vụ tự tử bắt đầu tăng lên từ năm 2006, đúng vào thời điểm áp dụng kỳ thi quốc gia thống nhất.
Ý kiến chuyên gia
- Học tập đối với học sinh chính là công việc đối với người lớn. Nghiên cứu các tài liệu định mức cho thấy rằng trẻ em không chỉ bị quá tải mà còn phải làm việc nhiều hơn người lớn - ông Aleksandr Saversky nhận xét.
Từ năm ngoái, ông đã viết hàng chục lá đơn gửi tới các cấp chính quyền khác nhau, nhưng chỉ nhận được những câu trả lời chung chung. Ví dụ, Cơ quan thanh tra giáo dục liên bang Nga trả lời như sau:
“Các kỳ thi, bất kể được tiến hành dưới hình thức nào, cũng đều gây ra lo lắng và căng thẳng”. Và bổ sung rằng tình hình vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát, và các địa phương được khuyến nghị chuẩn bị cho học sinh bước vào kỳ thi với sự trợ giúp của các cán bộ tâm lý.
Trong lá đơn gần đây nhất gửi Tổng Công tố viên Nga Yury Chayka, ông Aleksandr Saversky đề nghị áp dụng thời gian học tập của học sinh, kể cả học bài ở nhà, phù hợp với định mức thời gian làm việc của Bộ luật Lao động LB Nga, và thay thế các kỳ thi tốt nghiệp bằng thi kiểm tra nhẹ nhàng hơn.
Thế nhưng Cơ quan thanh tra giáo dục liên bang nhấn mạnh rằng ở nước Nga không ai dám bỏ các kỳ thi quốc gia thống nhất, vì điều đó “bất hợp lý”.