Putin gặp nhiều rào cản với liên minh đối trọng EU

Xung đột tại Ukraine, khủng hoảng kinh tế Nga và các lệnh trừng phạt đang khiến các thành viên tương lai của Liên minh Kinh tế Á-Âu do Moscow khởi xướng kéo giãn khoảng cách với điện Kremlin.

Putin gặp nhiều rào cản với liên minh đối trọng EU
russia-belarus-loan-2014-9537-1419584628

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Ảnh: RT

Lãnh đạo của 4 nước thành viên từng thuộc Liên Xô cũ gồm Kazakhstan, Belarus, Kyrgyzstan và Armenia hôm 23/12 tập trung tại Moscow để cùng Nga thảo luận về sự chuẩn bị cuối cùng cho Liên minh Kinh tế Á-Âu. Ông Putin xem liên minh này là một cách để xây dựng lại một phần sức mạnh chính trị và kinh tế, nhằm đối trọng với Liên minh châu Âu (EU).

"Chúng tôi vừa có một cuộc thảo luận sôi nổi", ông Putin nói tại Moscow hôm 23/12, sau cuộc họp với các nhà lãnh đạo. Liên minh "sẽ mang đến thêm động lực cho nền kinh tế của chúng tôi, và sẽ trở thành trung tâm mạnh mẽ của toàn bộ khu vực", ông nói tiếp.

Theo cây bút Michael Birnbaum của The Washigton Post, ông Putin hi vọng thông qua thỏa thuận này, điện Kremlin sẽ mở rộng tầm ảnh hưởng của mình với chính sách của các nước láng giềng. Tuy nhiên, với cuộc xung đột đang nhấn chìm Ukraine, hiệp ước sẽ có hiệu lực vào 1/1 có thể sẽ không đạt được hiệu quả như như tầm nhìn xa của Tổng thống Nga.

Các thành viên của EU trao một phần chủ quyền của họ cho Brussels, thủ đô hành chính của liên minh này, với quan điểm là 28 quốc gia hợp lại sẽ mạnh mẽ hơn một quốc gia riêng lẻ. Trong khi đó, các đối tác của Nga khó có thể làm được điều này, do lo sợ tình hình ở Ukraine sẽ lặp lại tại quốc gia của họ, và e ngại rằng các vấn đề kinh tế của Nga sẽ "lây lan" đến nước mình. Belarus và Kazakhstan là những nước có cộng đồng người Nga lớn. Nền kinh tế Nga cũng dự kiến sẽ suy thoái vào năm tới, khi đồng rúp và giá dầu đều giảm trong những tháng cuối năm.

Không chỉ có vậy, lãnh đạo của cả hai nước Kazakhstan và Belarus đã công bố các chương trình hỗ trợ Ukraine, khi chính phủ nước này có nguy cơ phá sản do khủng hoảng kinh tế.

Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev gọi xung đột ở Ukraine là "vô nghĩa" trong một cuộc họp với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hôm 22/12. Lãnh đạo Kazakhstan tuyên bố rằng ông sẽ bắt đầu vận chuyển than đến Ukraine, đất nước đang lâm vào cảnh thiếu thốn do phe ly khai thân Nga đã chiếm đóng khu vực giàu nguồn năng lượng ở miền đông nước này. Ông cũng cho biết ngành công nghiệp quốc phòng của Kazakhstan và Ukraine sẽ có sự phối hợp.

"Tình hình hiện nay không thuận lợi cho bất kỳ ai. Hãy nhớ rằng chúng tôi có mối quan hệ hòa hảo với tất cả các nước, chúng tôi sẽ phối hợp cùng ông để giải quyết vấn đề", ông Nazarbayev nói với Poroshenko. Ông Nazarbayev cho biết ông sẽ giúp Kiev chấm dứt cuộc xung đột Ukraine.

Việc Nga sáp nhập bán đảo Crimean hồi tháng ba thổi bùng căng thẳng tồi tệ nhất giữa phương Tây và Nga kể từ Chiến tranh Lạnh. Các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga cũng tạo ra rạn nứt trong khối Á-Âu.

Theo Los Angeles Times, do Nga ra lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm để trả đũa EU, Belarus, đất nước nằm ở vị trí chiến lược giữa Nga, và các nước EU ở miền đông châu Âu đã thu lợi khi giữ vai trò trung gian. Nước này nhập sản phẩm của châu Âu và bán lại chúng cho các nhà nhập khẩu Nga, một động thái khiến Moscow nổi giận và trở thành vật cản giữa quan hệ hai nước.

Sau buổi lễ ký kết giữa các nước trong liên minh Á-Âu hôm 23/12, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko chỉ trích nỗ lực trừng phạt nước này của Nga. Nga ngừng nhập khẩu thịt và các sản phẩm sữa từ Belarus và nêu nguyên nhân là lo ngại về vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, Moscow còn đặt ra rào cản trên con đường xuất khẩu đến Kazakhstan thông qua Nga của Belarus.

Tổng thống Lukashenko còn là người đóng vai trò chủ nhà trong cuộc đàm phán thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn giữa Kiev và phe ly khai. Dù nền kinh tế Belarus phụ thuộc nhiều vào Nga, ông vẫn không ngại ngần đưa ra phát ngôn cứng rắn. "Động thái của người anh em ở miền đông khiến chúng ta lo ngại", Lukashenko nói với hội đồng an ninh nước mình vào tuần trước, ám chỉ Nga.

Tuyên bố cứng rắn này của Tổng thống Lukashenko và sự thân thiện ngày càng tăng với Mỹ khiến Alexei Pushkov, người đứng đầu ủy ban đối ngoại của Hạ viện Nga, đưa ra lời cảnh báo trong tuần này.

Ông Pushkov nhắc đến cựu lãnh đạo Nam Tư, Iraq, Libya, tất cả những người đã qua đời. Họ "cố gắng trở thành bạn bè với Mỹ", ông Pushkov viết trên Twitter. "Số phận của họ như thế nào, nhiều người biết rõ. Mỹ đang mời gọi một "mối quan hệ mới" với ông Lukashenko. Đó là một lời mời gọi nguy hiểm".

Tuy nhiên, ngay cả khi căng thẳng gần đến mức Chiến tranh Lạnh đã bao trùm lên một số hi vọng ban đầu của ông Putin về liên minh Á-Âu, các nhà phân tích cho rằng nỗ lực xúc tiến liên minh này vẫn là trọng tâm của điện Kremlin.

Liên minh này là "một nỗ lực nhằm tìm ra cách thích hợp để thống nhất vùng rộng lớn này, ít nhất là về mặt kinh tế", Fyodor Lukyanov, người đứng đầu một nhóm cố vấn chính sách đối ngoại danh tiếng của Nga nhận định.

"Đó không phải là một nỗ lực khôi phục Liên Xô", ông nói, "tham vọng này không tồn tại. Mục đích của việc thiết lập liên minh là để phát triển một không gian kinh tế chung và các tổ chức chính trị nhất định".

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ