Truyện ngắn: Thiên thần bay đi

GD&TĐ - Trong cái ngõ tối liêu xiêu, con nhỏ con bà hủ tiếu chơi thân với thằng nhỏ con ghẻ ông ghi số đề.

Truyện ngắn: Thiên thần bay đi

Con nhỏ len lén nhìn ra cái ngõ bên hông. Không thấy thằng nhỏ, nó thụt đầu vô. Không hiểu hôm nay thằng nhỏ đi đâu, hay lại bị ông dượng đánh?

Mới tối qua, thằng nhỏ còn dúi vô tay nó chùm dâu tằm chua chua tim tím. Rồi nhìn thấy vết bầm cũng tim tím trên trán thằng nhỏ, định sờ thì thằng nhỏ ré lên.

- Sao mà bầm?

- Té!

- Xạo…

- Kệ tao, té, mày không tin thì thôi.

Con nhỏ thừa biết thằng này bị đánh.

- Đợi đó!

- Nè, để tao xức dầu cho mày!

Trong cái ngõ tối liêu xiêu, con nhỏ con bà hủ tiếu chơi thân với thằng nhỏ con ghẻ ông ghi số đề. Nó chín tuổi, thằng kia mười hai. Đứa nào cũng tóc khét cháy, da đen mốc như vỏ cây già. Mỗi khi gió lạnh, mưa ẩm, bán ế, hai đứa ngồi gãi rột rột những nốt sần trên cẳng tay cẳng chân còm nhom.

Thằng nhỏ ở với cha dượng. Mẹ ruột đi bán xoài ổi gì đó, cả tháng mới ghé về. Cha dượng triền miên trong số đề. Nào là: “Thằng ngu (nó tên Tâm nhưng ổng gọi là ngu), tối qua mày mơ con gì?”. Riết rồi không mơ thằng nhỏ cũng nói có. Nó mơ cọng chỉ, cha dượng khảo cong hay thẳng, dài nhiêu. Mơ nải chuối cũng kêu đánh số người chết, vì chuối để dằn bụng.

Mỗi khi bị khảo vụ đề đóm, thằng nhỏ lại gom góp chuyện đầy một bụng chờ tối kể con nhỏ nghe. Ai ngờ con nhỏ suy diễn lung tung beng.

- Tao mơ ổng quánh bằng cây bông bụp to lắm.

Tét đôi!

- Đánh số mười một! – Con nhỏ la lên khoái chí. Thằng nhỏ cốc đầu nó cái cốp.

- Mà không, mười hai mới đúng. Tại vì ban đầu có một cây, sau tét thì thêm số hai.

- Dẹp mày đi, mày qua mà sống với ổng, để tao phụ má mày cho. Má mày không chửi mày nhiều như ổng chửi tao.

Nói tới đây, mặt thằng nhỏ buồn thiu. Chắc nó nhớ mẹ. Con nhỏ không nói gì. Con nhỏ còn quá nhỏ để hiểu, nhưng trong lòng có chút cảm nhận móng vuốt cuộc sống khắc nghiệt sắp bủa lấy bạn mình.

Những mẩu chuyện, những lần xức dầu là ký ức dịu ngọt còn đọng lại trong đầu con nhỏ. Một sự cố khiến chiếc xe hủ tiếu chẳng còn thằng nhỏ phụ bưng bê mỗi tối.

Con nhỏ nhớ rành rành đó là đêm cuối tháng 11, sinh nhật thằng kia. Thằng nhỏ ngồi cả buổi thơ thẩn. Tuy không nói ra nhưng nó biết thằng kia mong đợi điều gì đó. Một món quà, hoặc cái xoa đầu của ông dượng chẳng hạn.

Thằng nhỏ ngồi yên rất lâu, tựa hồ như lúc ngẩng lên sẽ trông thấy mẹ. Và mẹ sẽ cất tiếng dịu dàng nhất trên đời: “Vô nhà ăn cơm đi con”. Rồi thảng thốt thoát khỏi giấc mơ ban ngày, nó lại ngồi bần thần.

Con nhỏ cứ bưng hủ tiếu ra cho khách, tranh thủ ngó thằng nhỏ một cái, khều khều ý hỏi: “Sao vậy” nhưng chẳng dám hỏi vì sợ mẹ gắt.

Không sao bắt chuyện với thằng nhỏ được, con nhỏ đâm ra bực bội. Gần chín giờ tối, con nhỏ nghe tiếng hét, tiếng chân huỳnh huỵch. Tiếng động không quá lớn để gây kinh hoàng, nhưng gieo vào lòng nó nỗi nơm nớp.

Con nhỏ sảng hồn khi tô hủ tiếu trượt xuống bể tan. Nó định chạy qua nhà thằng nhỏ thì bị mẹ giữ lại. Tóm tắt sự việc qua lời kể của mẹ: Ông dượng về, say nhè, gọi tên mẹ thằng nhỏ chửi rủa như mọi lần. Ổng bợp tai thằng nhỏ. Nó vùng ra nhưng không thoát được trận đòn quen thuộc.

Rồi hình như thằng nhỏ hẩy tay ông dượng, nghe tiếng cốp và tiếng rầm khô khan. Thân hình còm cõi men rượu của ông dượng ngã vật.

Ông Tư, ông Bảy chạy qua. Họ thấy ông dượng máu me đầy đầu, còn thằng nhỏ sợ tới mức câm nín. Họ lật đật khiêng ông dượng lên trạm xá. Họ bỏ quên thằng nhỏ với cái nhìn chết lặng và sự thương tổn không thể nào bù đắp được dù nó có sống mấy chục năm nữa.

Thằng nhỏ bỏ đi. Có người đoán già đoán non mẹ đón nó ở đâu đó. Có người nói nó đã thành bụi đời. Người mạnh miệng nói thấy nó làm bảo kê trên chợ huyện. “Cái mặt lầm lì không lẫn ai được”. Nhưng cũng giống trường hợp anh Tửng, bỏ đi nhưng đã lấy vợ đàng hoàng mà hàng xóm từng đinh ninh ảnh thành bụi đời đó thôi.

Ông dượng không chết. Nhưng từ ngày đó ông như con thú bị thương, bị bắn mà không sao gỡ được mẩu đạn. Ông âm ỉ cơn đau và cô độc rút người lại. Họa hoằn lắm người ta mới thấy ông lê bước lên chợ. Hoặc khi trời mưa, ông thoáng kéo tấm tôn che cửa.

Thằng nhỏ bỏ đi khoảng nửa tháng thì mẹ nó về. Vừa tới đầu xóm, những bà hay đưa chuyện đã kéo tay. Ánh mắt người mẹ - không phải ánh mắt người vợ - long lên đau đớn. Cái chồi non trong mảnh tâm hồn cằn cỗi của bà gãy gục. Bọc đồ chơi nhựa mỏng tanh xanh đỏ bỗng dư thừa nặng nề. Bà bỏ đi liền.

Chẳng ai hơi đâu để ý một đứa buồn không kém, đó là con nhỏ con bà hủ tiếu. Giờ nó mười tám tuổi. Nó vẫn giữ những kỷ niệm về thằng bạn thuở thiếu thời mà đáng ra phải gọi bằng anh.

Cuộc sống đâu dễ buông tha ký ức con người. Dù căm ghét ai, dù nhớ thương hoặc mong muốn gặp lại ai nhất, cho dù không nhìn thấy họ nữa nhưng cuối cùng một cái tát bất thình lình của số phận sẽ khiến ta nhớ lại.

***

Phố chiều mưa như trút nước. Cây cối xám xịt vẫy vẫy những cánh tay trên nền trời. Những chiếc dù hàng rong kéo nhau về ở con đường sau công viên. Tất cả tạo thành một quang cảnh buồn rầu.

Con nhỏ học bù môn đại cương, về muộn trên chuyến xe buýt cuối. Hơi mưa lạnh ngọt. Cảm giác ai đó chen vào ngồi ghế trong, nhưng giấc ngủ ngắc ngứ khiến mắt nó ríu lại.

Tiếng tiếp viên báo hiệu sắp tới trạm. Gã trai trạc ngoài đôi mươi soạn sành thứ gì đó trong cái túi cũ nhợt. Con nhỏ thò tay lấy điện thoại, mơ hồ lúc ngủ có tin nhắn thì phải.

Nó giật thót. Túi quần trống trơn. Nó sờ đi sờ lại, xem trong ba lô cũng không thấy đâu. Nó quay phắt qua gã kia. Nhận thấy cái nhìn trừng trừng của con nhỏ, thằng này lảng đi chuẩn bị xuống trạm. Con nhỏ bước theo.

- Trả cho tôi! - Con nhỏ gào lên với toàn bộ sức lực và sự can đảm vốn có từ tấm bé, khi phải đối phó với đám ma cô xin đểu xe hủ tiếu, với những đứa bạn hay bắt nạt, những người khách thả dê mẹ nó.

Gã trai quay người lại, như là ngạc nhiên:

- Mày khùng hả con kia. Biến. Lẹ!

Con nhỏ chẳng vừa. Chẳng biết sức mạnh đâu ra nhưng nó sán lại. Nó đẩy một cái thật lực khiến gã xém chút ngã dúi. Rồi bao nhiêu tức tối, trong cơn run run có thể kèm theo những uất ức thuở nhỏ, nó gào:

- Đồ đê tiện độc ác. Tôi chỉ có mỗi cái điện thoại, lấy của tôi làm gì. Trả cho tôi, trả đi!

Vừa gào, con nhỏ vừa không quên nhặt một cục đá thủ thế. Rồi nó đứng im, nó không thể phang thằng kia một cái u đầu mẻ trán.

Tình cảnh có phần gay cấn thì gã kia cười rú lên:

- Con này ghê quá. Ghê thiệt! - Rồi gã chầm chậm móc cái điện thoại, dứ dứ trêu ngươi rồi ném về phía con nhỏ. Phải khéo lắm cái điện thoại mới nằm gọn trong tay con nhỏ, không rơi xuống vũng nước đọng kế bên.

Con nhỏ không nói không rằng, đi một mạch về ký túc. Gã đứng đó, như tan biến vào bóng tối nơi nhấn chìm gã bao năm tháng.

Không mẹ, không cha, gã lên đây kiếm miếng ăn, trầy trụa đến mức không thể hơn được. Gã gần như mất hết những tính cách tốt đẹp thời con nít. Gã từng đánh một đứa to gấp đôi mình đến nỗi phải nhường địa bàn cho gã. Nhưng gã lại thấy chùn lòng trước con nhỏ này.

***

Tối hôm sau, con nhỏ gần như quên chuyện điện thoại và bước từ lớp tiếng Anh ra. Một nhành phượng lòa xòa như vẫy chào tạm biệt. Không khí yên bình buổi đêm làm nó thích thú. Nó hát khe khẽ những giai điệu không rõ ràng gì.

Gã chặn ngang. Con nhỏ tái xanh tái xám. Đầu nó diễn ra cảnh gã cầm dao hay xông lại bóp cổ, y như mấy tờ báo hay đưa tin nạn cướp giật hoặc là trả thù.

Nó định lùi lại kiếm gì đó phòng thân nhưng đã muộn. Khoảng cách chỉ còn bằng ba bước chân.

- Làm gì ghê vậy nhỏ. Qua đây!

Con nhỏ thoáng nghĩ chắc đây là thằng giang hồ ngọn mới vào nghề nên chôm chiếc điện thoại cũng không thành. Nó khoanh tay, gần như nạt:

- Ông muốn gì hả ông kia?

- Con điên, mày ở đâu tới mà láo vậy - Gã sấn tới, máu nóng dồn lên mặt, khiến những tính khí cộc cằn bùng lên như ngọn lửa.

Mặt con nhỏ xanh lét, nhưng cũng gân người lên sẵn sàng chống trả. Gã kìm lại, thở hắt ra.

Trong tâm trí lêu lổng cay đắng của gã từ đêm qua tồn tại ý nghĩ thật lương thiện. Gã sẽ có một người bạn. Sẽ có người trò chuyện mà không cần thủ sẵn dao trong túi, mắt gườm gườm nhìn người đối diện còn một tay cứ phủi phủi. Để trong giây phút mắt truyền tín hiệu nguy hiểm lên não, là gã đâm gã chém, gã hù gã dọa, để tồn tại một cách ê chề.

Nhưng đời không như là mơ. Con nhỏ nhìn gã như nhìn một thằng điên. Vậy thì mày chỉ có nước quay về cái ổ lưu manh nhanh nhanh đi thôi. Về đi.

- Đợi đã! - Tiếng kêu lôi gã về thực tại. - Ông đứng đây nói chuyện. Tôi chẳng sợ ông đâu.

Nửa tiếng ngắn ngủi thay đổi số phận gã giang hồ. Những ngọn đèn già nua soi sáng bên vệ đường. Thứ ánh sáng khiến người ta thèm khát nhìn một gương mặt lương thiện thay vì tự nhìn vào gương. Cái khúc quanh dẫn về ký túc của con nhỏ có lẽ là đoạn đường đẹp nhất đời gã.

Con nhỏ, với niềm tin trẻ con, thẳng thừng nói gã đừng hành nghề nữa. Đâu có dễ vậy con khùng kia. Ông kiếm việc làm đi, có ngày ngồi nhà đá mặt mũi như bồ hóng cho coi. Đừng có nói với tao, ờ, với tôi, cái giọng đó con nhỏ dạy đời. Anh đừng vậy, tôi sẽ giúp anh, tôi hứa đó.

Với niềm tin vừa lập lại, gã thấy đầu óc bừng lên một tinh thần mới mẻ. Cái gánh nặng tội lỗi bay biến phần nào. Tựa như gã là chàng thư sinh mới bước chân vào đời.

***

Sáng sớm, con nhỏ thức dậy chuẩn bị nhiều thứ. Nào là sách vở lên giảng đường. Nào là quyển sách cũ mua cho gã. Nào là những cách mời người ta mua hàng và kiềm chế bản tính giang hồ ra sao.

Nó làm những việc đó với niềm tin của một thiên thần, sức sống của tuổi trẻ đầu xanh và niềm thương cảm thường có ở những cô con gái vào độ tuổi bừng nở của cuộc đời. Những cô nàng luôn tin rằng cái đẹp cứu chuộc thế giới. Đại loại vậy.

Gã đón nhận tấm lòng con nhỏ, dần lột xác như loài nhộng ve. Người ta nói yêu là tái sinh. Dẫu rằng việc bán giày dép dạo chẳng dễ dàng gì, nhưng từ khoảng chục đôi dép bằng tiền con nhỏ cho mượn, như phép màu của chiếc gương nhân đôi trong truyện Doraemon, chúng ngày một nhiều.

Những vết sẹo xước trên gương mặt gã mờ đi. Vài tên ma cô một thời tìm tới chúc mừng bằng cách quật cho gã những gậy máu me, theo quy luật kẻ yếu bắt nạt kẻ yếu hơn.

Nhưng số phận đã trao cho gã vòng tròn Đường Tam Tạng mà Tôn Ngộ Không vẽ để bảo vệ khỏi quỷ dữ. Gã chỉ cần ngồi yên trong đó. Người dân xung quanh che chở cho gã, tin tưởng gã lành hiền vì lối buôn bán thật thà kia.

***

Con nhỏ tìm gã với bọc trái cây gọt sẵn. Nếu nay gã bán được mười lăm đôi như giao kèo, nó sẽ mua thêm sách cho gã. Gã đang học bổ túc. Ba năm trôi với những gắn bó nơi hai con người vốn dĩ ghét bỏ nhau ban đầu.

Nó không thấy gã đâu. Lề đường chỉ còn miếng bạt xanh vốn dùng bày dép, trống trơn tựa câu hỏi trong đầu nó lúc này.

- Đánh nhau, bị bắt tới đồn công an rồi! - Bà bán nước mía nói với qua. - Nghe đâu tét đầu chảy máu.

Con nhỏ ngồi ngoài cửa phòng trọ gã, nhìn bâng quơ lên đám cây trứng cá. Con mèo con màu vàng lăn trong đống cát. Thường ngày khi sáng sớm, nơi này là chốn gặp gỡ của thiên thần và ác quỷ đang hoàn lương. Nắng sẽ nhuộm một vòng mềm mại trên mái tóc tơ của con nhỏ, phía trên cành là những trái trứng cá đỏ đậm như những hạt cườm.

Con nhỏ thường sẽ phụ gã cột bao dép lên chiếc xe Chaly, dúi cho gã gói xôi đậu đen. Lúc cao hứng, nó ngồi sau cho gã đèo tới trường, lúc thì ẩy gã nổ máy xe đi trước còn mình lội bộ. Nhiều người lầm tưởng đó là hai tình nhân… dép. Thậm chí có cô gái ngành báo chí định viết về chuyện tình này. Con nhỏ một mực nói rằng gã là một người bà con.

Nhưng bây giờ thì quá quắt thật - con nhỏ nghĩ - bản tính của gã không thay đổi. Nó đau xót nghĩ lại tháng ngày nhiệt tâm giúp gã. Nước mắt tự nhiên rơi xuống vì nỗi tức giận cho lòng thương hào phóng của mình.

Gục đầu, con nhỏ vừa lo lắng cho gã vừa cố kiềm ý muốn chạy phăng ra đồn. Vừa nghĩ tới đó, gã đã đứng trước mặt. Giọng gã nhăn nhíu vì đầu dính cục băng trắng, miệng rách đường bằng đốt ngón tay:

- Ngồi ngủ hả?

Con nhỏ xót ruột dòm bộ dạng gã, nhưng lại thốt ra:

- Đánh nhau vui ghê!

Đôi mắt gã tối lại và vết thương nhói lên một cái.

- Vì em tôi mới đánh nhau.

Nét ngạc nhiên trên gương mặt con nhỏ ngộ nghĩnh làm sao. Sáng nay một nhóm thanh niên lựa mua dép, hai chục phút chưa ưng đôi nào. Rồi thằng tóc hai mái hất hàm “Con nhỏ hay theo mày đâu?”. Ban đầu gã bình tĩnh, sau đó gã kia buông những lời tục tĩu ý muốn gã nhường con nhỏ.

Gã không nhịn được nữa. “Nhưng anh không đánh tụi nó” - gã nói nhanh khi thấy con nhỏ có vẻ kích động. “Tụi nó xáp lại, rồi thành như vầy”. Nghe tới đây, đôi mắt con nhỏ ngấn nước.

Lòng gã dịu lại. Ngày mai gã sẽ đi thuê chung một mặt bằng nhỏ để bán buổi chiều. Dành dụm lâu nay gã dư sức làm điều đó. Gã bắt đầu mơ hình ảnh con nhỏ làm chủ tiệm dép, làm chủ cuộc đời gã.

Gã mỉm cười khi con nhỏ thay băng cho gã, tặc lưỡi trước vết rách đỏ lòm.

***

- Là mày? Thằng ngu? - Người đàn ông gầm lên, chạy nhanh ra vỉa hè. Gã định rẽ vào quán nước như đã hẹn với con nhỏ. Thiên thần của gã đã tốt nghiệp, còn vài hôm nữa sẽ đi nước ngoài học lên cao. Con nhỏ chưa đến, mà biến cố đời gã đến sớm hơn.

Trong một tích tắc đời người, gã nhận ra đó là cha dượng mình. Ông vẫn như con thú bị thương. Gã ngã ra đường. Chiếc xe hơi không kịp thắng.

Gã ra viện và đóng cửa tiệm dép. Giờ này con nhỏ chắc đã quen với việc học. Gã sẽ thu xếp cách nào đó đưa tiền giúp đỡ cha dượng, dù trong lòng nỗi buồn hận vẫn như mặt nước sóng sánh. Nhưng người đàn ông đó hiện giờ gần như ăn mày. Gã không thể bỏ mặc.

Gã thu xếp tất cả trong khi chiếc xe lăn lắng nghe nỗi lòng của gã. Gã không tin số phận, gã phải tạo ra số phận bằng cách không để con nhỏ phải dây dưa với một người tàn phế. Cái tình yêu chan chứa trong lòng sẽ an ủi gã những năm tháng vời vợi sau này. Mà làm lành với cuộc đời đã là phần thưởng quá lớn của gã rồi.

Trong tay là cuốn sách đầu tiên con nhỏ mua cho gã dạo trước. Mọi thứ hiện về như băm nát trái tim. Gã giở vài trang đầu, nghe như có tiếng thở dài từ trong những dòng chữ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Viêm kết mạc thường ủ bệnh (tính từ khi tiếp xúc với nguồn lây) 2 - 3 ngày. Ảnh: BVCC.

Phòng bệnh viêm kết mạc sau mưa lũ

GD&TĐ - Lượng mưa lớn gây ngập lụt, đem theo chất bẩn, độc hại là nguyên nhân gây bệnh truyền nhiễm tại mắt. Trong đó, bệnh viêm kết mạc là phổ biến.