Một người thầy vùng sâu

GD&TĐ - Thới An Hội là một xã vùng sâu (thuộc vùng đặc biệt khó khăn) của huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Mặc dù những năm gần đây Nhà nước đã rất quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng, đường giao thông trên bộ, tuy nhiên, do có nhiều sông ngòi, kênh rạch nên việc đi lại, sinh hoạt của học sinh trên địa bàn còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa lũ.

Một người thầy vùng sâu

Tự bỏ tiền xây bể bơi

Sinh sống ở vùng sông nước nhưng phần lớn học sinh trên địa bàn xã Thới An Hội không biết bơi. Một phần là vì kinh tế khó khăn, các bậc phụ huynh ít có điều kiện chăm lo cho con em mình, nhưng phần nhiều là do địa phương chưa có hồ bơi và giáo viên dạy bơi. Từ thực tế đó, thầy giáo trẻ Ngô Trọng Tính, giáo viên Trường THCS Thới An Hội đã quyết định đầu tư xây dựng hồ bơi để phổ cập bơi lội cho học sinh trên địa bàn xã.

Tiếp xúc với thầy Ngô Trọng Tính tôi càng trân quý hơn về tấm lòng cao đẹp của một thầy giáo trẻ. Vừa tròn ba mươi tuổi nhưng nhìn bên ngoài thầy có vẻ già dặn hơn rất nhiều, một phần vì đặc thù công việc là một giáo viên Thể dục phải làm việc chủ yếu ngoài trời, phần khác là do ngoài giờ lên lớp thầy phải làm thêm nhiều việc để có đủ kinh phí duy trì hoạt động của hồ bơi. Thầy Ngô Trọng Tính chia sẻ: Xây dựng đã khó, nhưng để hồ bơi có thể tồn tại được lại càng muôn phần khó khăn.

Là một giáo viên vào nghề chưa đầy mười năm, đồng lương còn thấp, gia đình lại khó khăn về kinh tế nên những ngày mới đưa ra ý định xây dựng hồ bơi thầy đã vấp phải ánh mắt e ngại của nhiều người, đặc biệt là người thân trong gia đình. Nhưng với lòng quyết tâm vì thế hệ trẻ, cộng với sự ủng hộ của người bạn đời, cũng là một giáo viên, thầy đã cố gắng chạy vạy, vay mượn bạn bè, đồng nghiệp, người thân để có được khoản tiền hơn bốn trăm triệu đồng xây dựng hồ bơi. Hiểu được nghĩa cử cao đẹp của thầy ai cũng vui lòng giúp đỡ.

Trò phải được phổ cập bơi

Khi đã có đủ vốn lắp đặt hồ bơi thầy Ngô Trọng Tính lại tiếp tục vấp phải những khó khăn, đó là việc tìm mặt bằng để đặt hồ bơi. May thay, có người chủ một sân bóng bỏ hoang gần Trường THCS Thới An Hội đã đồng ý cho thầy thuê đất với giá cả hợp lý để lắp đặt hồ bơi. Và từ tháng 6 năm 2017 trên địa bàn huyện Kế Sách đã có sự xuất hiện của một hồ bơi tư nhân đầu tiên mang tên Hồ bơi Thới An Hội. Đây cũng là một trong số rất ít những hồ bơi đủ chuẩn để tổ chức các giải bơi lội, ngoài sự đầu tư của Nhà nước trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Để hồ bơi có thể đi vào hoạt động an toàn, thầy Ngô Trọng Tính đã tham gia rất nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ phòng chống đuối nước do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kế Sách cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng tổ chức. Thầy đã lên tận Trường Đại học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh để học thêm kiến thức về bộ môn bơi cũng như thi lấy Chứng chỉ về Cứu đuối do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ cấp. Đầu tư nhiều tâm sức, tiền của là vậy nhưng kết quả mà thầy thu lại thì chẳng được là bao. Mặc dù có sự giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi của lãnh đạo nhà trường, chính quyền địa phương, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Kế Sách nhưng nhìn chung Hồ bơi Thới An Hội vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động.

Trong khi ở nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng mùa hè được xem là cơ hội lý tưởng để các em học sinh học bơi, phần lớn các hồ bơi đều trong tình trạng quá tải thì mùa hè ở Hồ bơi Thới An Hội lại rất vắng vẻ. Lý giải về nguyên nhân vừa nêu, thầy Ngô Trọng Tính cho biết: Phí học bơi không phải là nguyên nhân, bởi một khóa dạy bơi ở đây thầy chỉ thu 120.000 đồng, trong khi ở các hồ bơi khác trong tỉnh trung bình là 300.000 đồng/học sinh.

Ngoài ra những em học bơi có hoàn cảnh gia đình khó khăn thầy đều dạy bơi miễn phí. Vấn đề ở đây là ý thức của đại bộ phận phụ huynh học sinh chưa quan tâm nhiều đến việc học bơi cũng như lợi ích của bơi lội đối với sự phát triển tâm sinh lý con em họ. Ngoài ra, địa phương cũng như ngành Giáo dục chưa có một quy định nào mang tính ràng buộc để các em học sinh khi đủ tuổi thì phải được phổ cập bơi mới đủ điều kiện vào học lớp 1 hoặc lớp 6.

Trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại liệu Hồ bơi Thới An Hội có thể tiếp tục hoạt động? Bao giờ thì thầy mới có thể thu hồi được vốn đầu tư? Những câu hỏi nửa đùa, nửa thật của tôi không làm nản lòng thầy giáo trẻ. Nụ cười vẫn nở trên môi thầy, ánh mắt thầy vẫn tràn đầy một niềm tin vào cuộc sống: “Nếu đặt lợi ích tiền bạc lên hàng đầu thì em lấy tiền cho vay mau làm giàu hơn chứ đâu mở hồ bơi chi cho cực!”. Chỉ là một câu nói vui của thầy nhưng đã nói lên được hết tất cả những tâm huyết mà thầy dành cho sự nghiệp trồng người cao cả.

Vì phong trào thể dục thể thao

Được biết, ngoài bơi lội, thầy Ngô Trọng Tính còn là một huấn luyện viên võ thuật, hiện thầy là thành viên của Câu lạc bộ võ thuật Vovinam tỉnh Sóc Trăng. Học tập theo lời dạy của Bác “Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” thầy đã dành thêm thời gian ban đêm để theo học lớp đào tạo huấn luyện viên võ thuật Vovinam trong nhiều năm.

Thầy đã thành lập tại Trường THCS Thới An Hội một câu lạc bộ võ thuật Vovinam thu hút hơn 70 võ sinh tập luyện đều đặn vào các buổi chiều trong tuần, trong đó nhiều em đã đạt được những thành tích cao trong các giải vô địch Vovinam tỉnh Sóc Trăng. Ngoài ra, thầy Ngô Trọng Tính cũng rất nhiệt tình tham gia các phong trào thể dục thể thao của địa phương.

Ghi nhận những đóng góp của thầy vào sự phát triển của phong trào thể dục thể thao địa phương cũng như ngành Giáo dục, chính quyền địa phương và lãnh đạo ngành Giáo dục đã dành tặng thầy nhiều phần thưởng như Giấy khen của Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng về những gương điển hình tiêu biểu của tỉnh Sóc Trăng trong phong trào thể dục thể thao tỉnh nhà.

Dù vậy, với thầy Ngô Trọng Tính niềm hạnh phúc lớn lao nhất là được sự tin yêu của các em học sinh, sự quý trọng của phụ huynh và bạn bè đồng nghiệp. Đó sẽ là nguồn động lực để thầy vượt qua những khó khăn trước mắt nhằm hiện thực hóa mong ước của mình là làm sao cho tất cả các em học sinh ở địa phương đều biết bơi lội, không còn những cảnh đuối nước thương tâm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Ngày xưa đi học

GD&TĐ - Chỉ nghĩ thôi mà những kỷ niệm ngày xưa ùa về. Trong thoáng chốc, dường như tôi thấy mình là một cô gái nhỏ ngày đầu được mẹ dắt đến trường...