Triển vọng bảo tồn các di sản bằng công nghệ nano

Triển vọng bảo tồn các di sản bằng công nghệ nano

Tỉnh Quảng Nam đang nghiên cứu áp dụng công nghệ nano để bảo tồn quần thể di sản Tháp Chăm khỏi sự xuống cấp do các yếu tố khách quan.

Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam)
Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam)
 

Quần thể kiến trúc Tháp Chăm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam gồm Tháp Khương Mỹ (thành phố Tam Kỳ), Tháp Chiên Đàn (huyện Phú Ninh), Tháp Đồng Dương (huyện Thăng Bình), Tháp Bàn An (huyện Điện Bàn) và Thánh địa Mỹ Sơn nổi tiếng nằm trên địa bàn huyện Duy Xuyên.

Năm tháng trôi qua, quần thể di tích Tháp Chăm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đều có chung "số phận" giống nhau là các loại vật liệu chính gồm gạch và đá đã bị xâm thực, giảm cường độ chịu lực. Bề mặt các tháp đều bị rêu phong, nấm mốc và cỏ dại tấn công.

Để giữ tháp, hàng năm các đơn vị quản lý phải sử dụng các biện pháp thủ công để loại bỏ một phần các yếu tố gây hại, song cũng chỉ là tình thế. Vì vậy, việc tìm kiếm một giải pháp hiệu quả, lâu dài và mang tính khả thi cao để bảo vệ quần thể tháp khỏi bị xuống cấp là sự trăn trở của các cấp chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam.

Ông Trần Văn Điền - Giám đốc Ban Quản lý các Dự án đầu tư và xây dựng công trình văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Quảng Nam - cho biết: Qua công tác tìm tòi nghiên cứu tài liệu, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Nam nhận thấy việc ứng dụng công nghệ nano - sản phẩm của tập đoàn Guardindustry (Pháp) là sản phẩm có khả năng đáp ứng được các yêu cầu bảo tồn di tích tháp Chăm. Đây cũng chính là sản phẩm được áp dụng tại di tích Hoàng Thành Thăng Long-Hà Nội.

Ông Điền cho biết, sản phẩm Antimoss’Guard trong công nghệ nano giúp tiêu diệt nấm mốc, địa y, loại bỏ tạp chất, vệ sinh sạch bề mặt vật liệu và có tác dụng ngăn ngừa sự phát triển của vi sinh vật trên vật liệu và mặt tháp.

Sản phẩm ProtectGuard có khả năng ngăn ngừa chống xuống cấp cho các vật liệu có độ rỗng lớn. Với đặc tính bảo vệ, chống thấm, ngăn chặn sự xâm nhập của nước, dầu, mỡ, ô nhiễm không khí… ProtectGuard là sản phẩm gốc nước không có phụ gia, silicon và rất thân thiện với môi trường.

ProtectGuard hoàn toàn không có màu khi đã khô, bảo vệ vô hình, tạo hiệu ứng “lá sen” giữ cho bề mặt vật liệu luôn luôn khô ráo, hơi nước có thể thoát ra ngoài, giúp cho vật liệu “thở” được, nhờ đó vật liệu không bị thay đổi màu sắc, không ảnh hưởng đến cấu trúc của vật liệu và giúp giữ được nguyên trạng vật liệu ban đầu.

Để áp dụng công nghệ nano vào quá trình bảo tồn quần thể di tích Tháp Chăm, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch yêu cầu tỉnh Quảng Nam phải thực hiện đúng nguyên tắc việc áp dụng kỹ thuật hay chất liệu mới khi bảo quản, tu bổ di tích cần phải được thí nghiệm trước để đảm bảo kết quả chính xác, tính toàn vẹn và sự bền vững của di tích.

Bên cạnh đó, đền tháp Chăm là loại hình di tích đặc biệt, có những vấn đề phức tạp về mặt kỹ thuật chưa giải quyết được. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch còn yêu cầu, trước khi áp dụng công nghệ nano vào việc bảo quản di tích tháp Chăm trên địa bàn, bên cạnh việc lập Dự án bảo quản di tích trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Nam cần đặc biệt lưu ý những vấn đề như phân tích, đề xuất quy trình kỹ thuật và phương án sử dụng vật liệu bảo quản với các chỉ tiêu kỹ thuật, đảm bảo hiệu quả và phù hợp với đặc điểm, tính chất của di tích.

Cung cấp các tài liệu khoa học về kết quả nghiên cứu vật liệu, đề xuất sử dụng các danh mục và các loại vật liệu được phép sử dụng do cơ quan có thẩm quyền về khoa học- công nghệ chứng nhận; thường xuyên theo dõi các mẫu đã thí nghiệm để kịp thời phát hiện, điều chỉnh quy trình kỹ thuật, đảm bảo sự án toàn và bền vững của di tích.

Đối với việc áp dụng công nghệ mới để bảo quản cấu kiện gỗ, cần tiến hành các thí nghiệm tương tự như đã thực hiện trên khối xây đền tháp Chăm, sau khi đạt được các kết quả khả quan mới áp dụng rộng rãi.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tỉnh Quảng Nam đã chọn 10 vị trí tháp Chăm, trong đó có 5 vị trí thí nghiệm tại tháp Chiên Đàn và 5 vị trí tại tháp Khương Mỹ . Sau khi chọn lựa vị trí thí nghiệm, quy trình thực hiện và theo dõi diễn biến của thí nghiệm được các ngành chức năng kiểm tra một cách tỉ mỹ, khách quan và khoa học.

Đối với mỗi vị trí thí nghiệm, cơ quan chức năng tiến hành đánh giá hiện trạng ban đầu, phân tích nguyên nhân tác động đến vật liệu xây dựng di tích, trên cơ sở đó mới chọn loại sản phẩm và quy trình thí nghiệm đối với từng vị trí.

Trong quá trình thí nghiệm, trung bình 14 ngày lập báo cáo so sánh vị trí có bảo quản với hiện trạng ban đầu. Kết quả cho thấy tại tất cả các vị trí trước khi chọn để thí nghiệm, vật liệu bị mục ruỗng, bong tróc, biến đổi màu sắc và có nhiều rêu, nấm mốc.

Sau khi thí nghiệm bằng công nghệ mới, vật liệu sử dụng để xây dựng tháp từ hàng trăm năm qua đã loại bỏ được các thành phần gây hại như rêu, nấm mốc và bong tróc, kết cấu bề mặt vật liệu đảm bảo hơn.

Điều đặc biệt quan trọng là sau khi thí nghiệm, màu sắc của vật liệu được trả về tự nhiên, không tạo màng, không làm thay đổi tính chất của vật liệu, bề mặt của vật liệu khô ráo, không thấm nước, thân thiện với môi trường và có khả năng chống lại các tác nhân gây hại.

Ông Phạm Duy Bình - Phó Giám đốc Công ty cổ phần nano Phạm Gia, đại diện tại Việt Nam của tập đoàn Guardindustry (Pháp) - cho biết qua thực tế thí nghiệm cho thấy sản phẩm Antimoss’Guard có công dụng giúp tiêu diệt nấm mốc, địa y, loại bỏ được các tạp chất. Sản phẩm này được nghiên cứu và ứng dụng chuyên nghiệp cho các công trình di tích lịch sử, không làm thay đổi tính chất của vật liệu.

Còn sản phẩm ProtectGuard là sản phẩm chuẩn mực cho việc ngăn ngừa xuống cấp đối với các loại vật liệu có độ rỗng lớn, đặc biệt là các công trình di tích lịch sử, các di vật, cổ vật, công trình khảo cổ.

Với đặc tính có thể ngăn chặn sự xâm nhập của nước, dầu, mỡ, ô nhiễm không khí, ProtectGuard là sản phẩm gốc nước không có phụ gia, silicon và rất thân thiện với môi trường.

Các loại sản phẩm này đều đã được kiểm nghiệm trong quá trình thí nghiệm tại di tích tháp Khương Mỹ và tháp Chiên Đàn. Nếu các kết quả này được ngành chức năng công nhận và cho phép triển khai trên diện rộng sẽ mở ra một cuộc “giải cứu” di sản tháp Chăm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam bằng công nghệ nano đầy triển vọng.

Theo Vietnam+

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ